Nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn
(Tài chính) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết như vậy tại cuộc Giao ban sản xuất giữa Bộ với các bộ, ban, ngành, địa phương ngày 26/9, tại Hà Nội.
Vượt dự báo, GDP 9 tháng tăng 5,62%
Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,54% so với cùng kỳ năm 2013 (5,69%). Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đây chưa phải là số liệu chính thức, mà chỉ là số ước từ tháng 8.
Sau đó, chiều cùng ngày, Tổng cục Thống kê cũng đã chính thức công bố số liệu chính thức về tốc độ tăng trưởng GDP. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2014 ước tính tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,42%; quý III tăng 6,19%.
Đây là mức tăng cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013, cũng cao hơn con số dự tính ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và vượt dự báo của Bloomberg khi cho rằng, GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 5,4%.
"Điều này cho thấy, dấu hiệu tích cực của nền kinh tế", ông Hà nhận định.
Trong mức tăng 5,62% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,00%, cao hơn mức 2,39% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%, cao hơn mức 5,20% của 9 tháng năm 2013, đóng góp 2,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,99%, mức tăng của cùng kỳ năm 2013 là 6,25%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 6,15%, nhưng chỉ đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng chung do chiếm tỷ trọng thấp; ngành nông nghiệp mặc dù tăng thấp ở mức 2,10% nhưng quy mô trong khu vực lớn hơn (Khoảng 75%) nên đóng góp 0,29 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,88%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,40%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,04%; khu vực dịch vụ chiếm 44,56% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 17,85%; 37,86% và 44,29%).
Xét về góc độ sử dụng GDP của 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2013, đóng góp 4,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung (Tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 5,02% của cùng kỳ năm trước); tích lũy tài sản tăng 4,84%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm.
Nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực, phản ánh rõ nhất về năng lực doanh nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 6,7%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,4%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 11,2%.
Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tổng hợp, Bộ Công Thương cho biết, đây là mức tăng trưởng cao nhất. Thông qua mức tăng trưởng hàng tháng, sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi; đặc biệt đối với dệt may và da giày. Hai mặt hàng này có mức tăng trưởng cao hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu là một trong những điểm sáng trong 9 tháng qua khi tổng kim ngạch của cả nước ước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu là có lợi, không gây áp lực lên cán cân thanh toán, nên “không gây “bức bách” về ngoại tệ cho đất nước”, ông Thắng nhận định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận xét, khi CPI tăng thấp sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động nhưng vẫn huy động tiền gửi, cải thiện thanh khoản, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay.
Song, mục tiêu tăng 5,8% vẫn không dễ đạt
Mặc dù kinh tế vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng phần nào đến động thái phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư cả nước.
Chính vì vậy, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 5,8% như đã đạt ra cũng không phải dễ dàng.
Để làm được mục tiêu này, trong những tháng cuối năm, các bộ, ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp chính sách vĩ mô nhằm tháo gỡ những nút thắt quan trọng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn trong những tháng cuối năm.
Cụ thể hơn, Tổng cục Thống kê đề xuất những giải pháp sau:
Một là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành thực hiện nhiệm vụ chính sách tài chính - ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2014.
Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Triển khai các giải pháp tín dụng để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Hai là, triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, từng bước giải quyết dứt điểm những nút thắt nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, như: xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, nợ đọng ngân sách...
Thực hiện nghiêm và đồng bộ Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 25/8/2014 của Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng. Cơ chế phân cấp đầu tư phải bảo đảm tính đồng bộ giữa các địa phương, giữa các vùng, tránh sự lãng phí và tạo động lực để các địa phương phát huy thế mạnh kinh tế riêng có của mình.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, đảm bảo quy hoạch phải mang tính dài hạn, khả thi về nguồn lực đầu tư và lộ trình thực hiện, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra lĩnh vực đầu tư xây dựng ngay từ khâu đầu của quá trình đầu tư. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, qua đó góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Bốn là, tập trung hoàn thiện quy hoạch phát công nghiệp hỗ trợ theo ngành, sản phẩm cụ thể. Xây dựng, đổi mới và ban hành những chính sách đủ mạnh và có tính ưu đãi cao nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra cần tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Năm là, cải tiến hệ thống chính sách an sinh xã hội theo hướng tập trung, đầy đủ, đồng bộ. Tạo việc làm và giảm nghèo phải bảo đảm tính bền vững. Nghiên cứu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo cho các bậc học, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Thực hiện lồng ghép các chương trình, kế hoạch giảm nghèo, giải quyết việc làm với các chương trình, dự án khác nhằm tranh thủ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc làm tại các địa phương. Giảm dần sự chênh lệch về điều kiện sống cũng như thu nhập giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước.