Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải:
Nếu duy trì xuất siêu có thể là bất lợi trong chính sách thương mại
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng lần đầu tiên, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta trong cả năm 2019 sẽ cán mốc 500 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt rủi ro trừng phạt thương mại vì xuất siêu cao. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã có cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan và các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong năm 2020.
PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả xuất khẩu trong năm nay?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng qua, xuất khẩu của nước ta đã đạt tới 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7%-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 472 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019. Với đà này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD trong cả năm 2019.
Chúng ta đạt được kết quả này trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, nhưng chúng ta có thuận lợi là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...
Lâu nay, nói đến thành tích xuất khẩu, chúng ta chưa thực sự vui vì chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI mang lại. Còn năm nay có sự thay đổi thế nào?
Nhiều năm trước đây, nói đến xuất khẩu, hầu như chúng ta chỉ dựa vào khối doanh nghiệp FDI, nhưng trong thời gian gần đây thì các doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng về xuất khẩu còn cao hơn cả các doanh nghiệp FDI. Từ năm 2018 đã bắt đầu có chiều hướng này và năm nay được thể hiện rõ nét hơn, đây là điểm đáng phấn khởi.
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp trong nước 11 tháng qua tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Nhiều năm về trước, chúng ta liên tục đau đầu vì Việt Nam là nước nhập siêu, nhưng vài năm gần đây lại đang xuất siêu rất mạnh, Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này và có dự báo gì cho thời gian tới?
Dự báo, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 11 thâm hụt 100 triệu USD và trong tháng 12-2019 nhiều khả năng sẽ nghiêng về nhập siêu khi các doanh nghiệp sẽ nhập lượng lớn hàng hóa sản xuất và tiêu dùng, nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với việc cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng năm 2019 duy trì thặng dự lên tới 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều (năm 2018 xuất siêu mới đạt 7,58 tỷ USD), dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.
Thưa Thứ trưởng, duy trì xuất siêu có thể là bất lợi trong chính sách thương mại với các đối tác nhập khẩu, nhất là với Mỹ?
Theo xu hướng là phải cân bằng lợi ích của cả hai bên, còn theo đánh giá hiện nay của phía Mỹ, chúng ta đang “unfair”, tức “không công bằng” trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Mỹ. Đại diện Mỹ đánh giá, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong khi rất nhiều nước xuất khẩu sang Mỹ suy giảm kim ngạch thì chúng ta lại là một trong những nước ít bị tác động, có tăng trưởng tốt về xuất khẩu.
Đây là vấn đề mà chúng tôi đang báo cáo lên Thủ tướng, để nêu lên những vấn đề mà Mỹ đang yêu cầu đối với Việt Nam, nhằm tránh khỏi việc áp dụng các biện pháp của Mỹ đối với Việt Nam. Để tránh gặp phải khó khăn này, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, nhất là các doanh nghiệp.
Đã sắp gần tròn 1 năm Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp đã hưởng lợi như thế nào, kết quả xuất khẩu vào CPTPP ra sao, thưa Thứ trưởng?
Tất cả nhóm thị trường mà ta có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy chúng ta đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đã đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (ví dụ như xuất khẩu sang Canada 11 tháng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%). Bộ Công thương tiếp tục gỡ các rào cản thương mại, đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại.
Theo Thứ trưởng, cần có những giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới?
Chúng ta cần tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu; tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. Chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA. Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hàng hóa trước khi nhập khẩu, tạm nhập vào Việt Nam.
Cảm ơn Thứ trưởng!