Nếu… tiền chạy vòng quanh

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một vấn đề tác động đến hệ thống ngân hàng là tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng lên đến 57.000 tỷ đồng. Đây là số dư lớn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rất mong Chính phủ đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này. Bởi nếu không, tiền sẽ quay lại hệ thống ngân hàng và dòng tiền này lại quay thêm một vòng đưa ra mua trái phiếu Chính phủ (TPCP).

Nếu… tiền chạy vòng quanh
Tiền gửi KBNN tại các ngân hàng lên đến 57.000 tỷ đồng. Nguồn: internet

Ngay từ đầu năm nay, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng đã bàn luận khá nhiều về phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Trước hết, đó là dư địa chính sách tiền tệ trong năm 2014 gần như rất hạn hẹp, bởi nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Trong khi đó dư địa dành cho chính sách tài khóa khá rộng khi Chính phủ nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP trong các năm 2013 – 2014; lượng TPCP dự kiến được phát hành bổ sung lên đến 170 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2014 – 2015, nhằm gia tăng nguồn lực cho đầu tư công…

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2 tháng đầu năm Chính phủ đã huy động được tới gần 57 nghìn tỷ đồng qua phát hành TPCP. Đây là con số rất cao và kết quả tốt nhất trong thời gian trở lại đây. Việc đẩy mạnh phát hành TPCP ngay trong quý I được nhận định là khá phù hợp để có nguồn đầu tư cho nền kinh tế khi tín dụng tăng trưởng âm. Song, điều mà các chuyên gia cũng như các ngân hàng lo lắng là nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có thể tác động không tốt đến nền kinh tế.

Tại phiên họp, Thống đốc cũng bày tỏ băn khoăn về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Sau Tết, tiền “thừa” trong ngân hàng khá nhiều, nếu không cẩn thận các ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ sẽ tác động đến tính ổn định của thị trường. Do vậy, NHNN phải hút tiền về. Nhưng nếu hút mạnh, lãi suất tăng, kho bạc khó phát hành TPCP…

Do vậy, rất khó cho ngân hàng. Một lãnh đạo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) bình luận: việc phát hành thêm TPCP dễ đưa đến tình trạng các ngân hàng tập trung vốn mua TPCP để phòng thủ thanh khoản nhiều hơn và như vậy, tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh sẽ ít hơn. Nhận định trên đã có cơ sở từ thực tiễn: hai tháng đầu năm nay vốn tín dụng đưa ra cho nền kinh tế âm 1,66% so với cuối năm trước.

“Một trong những lý do khiến tín dụng không tăng nhiều là do các tổ chức tín dụng còn ỷ vào kênh TPCP. Do vậy, TPCP mới đắt khách trong hai tháng qua” - vị lãnh đạo CIEM phân tích.

Một vấn đề nữa tác động đến hệ thống ngân hàng là tiền gửi KBNN tại các ngân hàng lên đến 57.000 tỷ đồng. Đây là số dư lớn và NHNN đang rất mong Chính phủ đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này. Bởi nếu không, tiền sẽ quay lại hệ thống ngân hàng và dòng tiền này lại quay thêm một vòng đưa ra mua TPCP. Bên cạnh đó, số dư vốn gửi ngân hàng cao còn có thể đe dọa thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong trường hợp KBNN bất ngờ rút lượng tiền lớn. Do vậy, Thống đốc NHNN kiến nghị KBNN chỉ nên duy trì khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng để gối đầu, còn lại phải khẩn trương giải ngân vốn.

Nhưng, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng, bội chi ngân sách 2 tháng đầu năm 2014 khoảng 20.000 tỷ đồng, mới bằng 9% dự toán. Một chuyên gia ngân hàng đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, nếu NHNN thấy kế hoạch phát hành TPCP không phù hợp có thể đề xuất không phát hành hết TPCP hoặc giãn kế hoạch phát hành. Chờ khi tốc độ giải ngân vốn qua phát hành TPCP được cải thiện mới tiếp tục phát hành thêm.

Song, bên cạnh đó, chính các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế chứ không nên trú chân nhiều ở TPCP như vừa qua. Bộ Tài chính cũng cần tính toán kỹ và thống nhất với NHNN về lượng, cơ cấu kỳ hạn, thời điểm cũng như mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành là việc làm cần thiết. Vị chuyên gia trên cho rằng, mức lãi suất TPCP có thể nhích lên một chút để đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư, nhưng không phá vỡ mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.

Một số ý kiến đề xuất, trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa chính sách tiền tệ với các chính sách khác, nhất là chính sách tài khóa, cần tiếp tục củng cố. Cụ thể chính sách tài khóa cần được nhìn rộng hơn, không chỉ với sự tham gia của Bộ Tài chính mà còn có cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Và các chính sách nói trên cần hướng tới bình ổn cán cân thương mại và cán cân vãng lai theo hướng cân bằng hơn. Điều này chỉ có thể làm được khi kết hợp với các biện pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo một chuyên gia ngân hàng, Quyết định 1317/QĐ -TTg về Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô do Thủ tướng phê duyệt là một nền tảng quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Ở đây, vai trò của NHNN không bị giảm đi mà còn đòi hỏi việc thực hiện chủ động, bài bản hơn với sự tham vấn của các cơ quan liên quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, và Bộ Công Thương.

Thực tế trên đây đòi hỏi một nghệ thuật điều hành chính sách vĩ mô hết sức linh hoạt, đặc biệt là với hai công cụ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Và, theo TS. Trịnh Quang Anh, để giải quyết căn cơ những yếu kém nội tại đã gây bất ổn cho nền kinh tế nhiều năm qua thì cả trong ngắn hạn và dài hạn, cải cách thể chế và cơ cấu kinh tế đang là yêu cầu cấp thiết.

Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, riêng trong tháng 2, hơn 25.000 tỷ đồng đã được huy động thành công sau 7 phiên đấu thầu TPCP. Trong đó, còn có 23.000 tỷ đồng huy động thành công qua Kho bạc Nhà nước; hơn 2.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tính riêng trên thị trường sơ cấp, theo HNX, lượng trái phiếu huy động tăng 15,9% so với tháng 1/2014.

Nhờ đông khách mua, lãi suất TPCP vì thế cũng giảm mạnh. Ở kỳ hạn 2 năm, lãi suất thấp nhất chỉ 6,15%/năm, cao nhất cũng chưa đến 7%/năm - thấp hơn trần lãi suất huy động hiện nay.