Nga đã vượt qua được khủng hoảng tiền tệ?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/CNBC

(Tài chính) Ngày 25/12, tại cuộc họp của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho rằng khủng hoảng tiền tệ ở nước này đã qua, mặc dù dự trữ ngoại tệ giảm và lạm phát ở mức trên 10%.

 Nga đã vượt qua được khủng hoảng tiền tệ?
Ngân hàng trung ương Nga đã chi hơn 80 tỷ USD để bảo vệ đồng rúp trong năm nay khi đồng tiền này mất giá mạnh đe dọa đến sự ổn định tài chính. Nguồn: internet

Đồng rúp đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước, do giá dầu giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến các doanh nghiệp Nga gần như không thể vay vốn được tại các thị trường tài chính phương Tây.

Tuy nhiên, đồng nội tệ của Nga sau đó đã phục hồi mạnh nhờ các biện pháp mà các nhà chức trách Nga áp dụng nhằm ngăn chặn đà giảm của đồng tiền và hạ mức lạm phát. Các biện pháp đó bao gồm việc nâng lãi suất từ 10,5% lên 17%, hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và kiểm soát vốn một cách không chính thức.

Ông Siluanov nói rằng lãi suất có thể được hạ xuống nếu tỷ giá vẫn ổn định.

Đồng rúp đã giảm xuống mức 80 rúp/USD vào giữa tháng 12 vừa qua, so với mức trung bình 30-35 rúp/USD trong nửa đầu năm nay, nhưng đã lên giá trong vài ngày qua, lên mức 52 rúp/USD trong phiên 25/12, nhờ chính phủ gây sức ép lên các nhà xuất khẩu trong việc bán ngoại tệ mạnh.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng trung ương Nga, dự trữ vàng và ngoại tệ của nước này tính đến ngày 19/12 đã giảm 15,7 tỷ USD xuống dưới 400 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009, giảm từ mức 510 tỷ USD hồi đầu năm nay. Trong đó 5 tỷ USD được dùng cho việc can thiệp để hỗ trợ đồng rúp.

 Ngân hàng trung ương Nga đã chi hơn 80 tỷ USD để bảo vệ đồng rúp trong năm nay khi đồng tiền này mất giá mạnh đe dọa đến sự ổn định tài chính.

Trong khi đó, lạm phát tại Nga đã là 10,4% và có thể lên đến 11% vào cuối tháng này, vượt qua ngưỡng 10% lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009.

Do Nga phải nhập khẩu một lượng lớn thực phẩm, thiết bị công nghệ cao và xe hơi, việc đồng rúp xuống giá đã khiến nước này chịu chi phí nhập khẩu lớn hơn, điều này khiến lạm phát tăng và khuyến khích người dân mua USD để bảo vệ giá trị khoản tiền tiết kiệm của họ, gây thêm sức ép lên đồng nội tệ.

Theo dự báo, kinh tế Nga có thể rơi vào suy thoái trong năm tới, lần đầu tiên trong sáu năm. Tại cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Putin kêu gọi chính phủ phối hợp với Ngân hàng trung ương trong các chiến lược kinh tế và tiền tệ, và nói thêm rằng trong trường hợp xấu nhất, kinh tế Nga có thể mất gần hai năm để có thể phục hồi.