Nga "khí đốt hóa" châu Á

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hồi đầu tháng, tập đoàn Gazprom của Nga đã tổ chức lễ động thổ để xây dựng tuyến đường ống vận chuyển khí đốt đầu tiên của nước này sang châu Á mang tên Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia). Việc khởi động dự án trên đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong chiến lược hướng Đông của ngành năng lượng Nga trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và phương Tây đang ngày càng căng thẳng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Nga "khí đốt hóa" châu Á
Khí đốt được coi là sức mạnh mềm của ngoại giao Nga. Nguồn: internet
Đông tiến

Khí đốt được coi là sức mạnh mềm của ngoại giao Nga. Trong quá khứ, Moscow đã nhiều lần sử dụng khí đốt như con bài chiến lược để tác động lên các chính sách của EU, khu vực đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga. Chẳng hạn, năm 2009, nhiều nước châu Âu đã lao đao vì thiếu khí đốt trong một mùa Đông lạnh giá sau khi Moscow đóng van đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu do tranh chấp với Ukraine về giá.

Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow đã sử dụng con bài chiến lược này để đối phó với châu Âu và ngăn cản EU áp đặt các biện pháp trừng phạt lên mình. Tuy nhiên, trước sức ép từ phía Mỹ và một số nước có quan điểm cứng rắn trong EU, ngôi nhà chung châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nhiều công ty của Nga, trong đó có các cả các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Điều đó khiến Moscow lo ngại bởi vì ngành năng lượng là xương sống của nền kinh tế Nga.

Trong bối cảnh đó, Moscow đã vội vã đi tìm kiếm các khách hàng mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào các khách hàng châu Âu. Một trong những thị trường mà Moscow nhắm tới là châu Á-Thái Bình Dương, nơi có những khách hàng đang trong cơn khát năng lượng như Trung Quốc hay Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya-24 TV, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết hiện tại, Nga đang cung cấp khoảng 14 tỷ mét khối khí cho các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng tiềm năng còn rất lớn và con số này có thể sẽ tăng lên khoảng 200 đến 300 tỷ mét khối.

Vào cuối tháng 5.2014, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Vladimir Putin, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) của Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm, với tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD. Và vào đầu tháng 9, Gazprom đã khởi động dự án Power of Siberia nhằm thực thi thỏa thuận đó.

Theo dự kiến, Nga và Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 70 tỷ USD để xây dựng đường ống dẫn khí lớn nhất thế giới Power of Siberia. Sau khi hoàn thành vào năm 2019, tuyến đường ống có chiều dài gần 4.000km này có khả năng chuyển tải 61 tỷ m3 khí đốt/năm từ Siberia theo hướng Đông tới khu vực Viễn Đông của Nga và Đông Bắc Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ động thổ xây dựng Power of Siberia, Tổng thống Putin cho biết: Đường ống này sẽ không chỉ tăng cường xuất khẩu và mở rộng địa lý hàng xuất khẩu của chúng ta về nhiên liệu năng lượng, mà còn là một bước tiến quan trọng trong quá trình khí hóa đất nước, đặc biệt là đối với khu vực phía Đông Nga. Ông Putin nhấn mạnh Power of Siberia sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế với các chính phủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trước hết là với Trung Quốc, đối tác chủ chốt của Nga.

Các phát biểu trên của Tổng thống Putin cho thấy ngành năng lượng Nga đang thực thi chiến lược hướng Đông và Trung Quốc sẽ là trụ cột của chiến lược này. Về phần Trung Quốc, nước đang khát năng lượng, tất nhiên, Bắc Kinh sẽ lợi dụng cơ hội này để có được nguồn cung nhiên liệu ổn định và giá rẻ hơn. Năm ngoái, Trung Quốc tiêu thụ tới 170 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, cao hơn 10 tỷ mét khối so với lượng khí đốt mà Nga đang xuất sang châu Âu, và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 420 tỷ mét khối khí/năm vào năm 2020.

Để tạo ra sức hấp dẫn đối với Trung Quốc, Nga có thể sẽ cho phép doanh nghiệp của nước láng giềng góp vốn vào các mỏ dầu và khí đốt Vankor ở vùng Krasnoyarsk, Đông Siberia. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ là đối tác chiến lược của Rosneft, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga.

Cùng với việc giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào châu Âu, Power of Siberia có thể giúp dễ dàng điều tiết dòng khí đốt theo hướng có lợi cho mình bởi vì, đường ống dẫn khí mới sẽ được kết nối với hệ thống dẫn khí hiện tại sang châu Âu. Tổng thống Putin cho biết tùy thuộc vào tình hình các thị trường trên thế giới, Nga có thể điều chỉnh dòng khí đốt một cách hiệu quả hơn, hoặc sang phía Tây, hoặc sang phía Đông.

Ngoài Trung Quốc, những khách hàng tiềm năng khác của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ông Takashi Hayasaki, Tổng Giám đốc Hiệp hội Khai thác Dầu khí Nhật Bản, nói đường ống dẫn khí Nga-Trung sẽ giúp thúc đẩy hoạt động khai thác khí đốt ở khu vực Siberia và đó có thể là nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho Nhật Bản. Tokyo đã bắt đầu nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ đảo Sakhalin của Nga từ năm 2009. Năm ngoái, Nhật Bản đã nhập khẩu 8,57 triệu tấn LNG từ Nga, tăng 3,1% so với năm 2012. Nguồn cung từ Nga hiện chiếm 9,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu LNG của Nhật Bản, tăng mạnh so với con số 4,3% hồi năm 2009.

Thách thức lớn nhất

Theo các chuyên gia phân tích, thách thức lớn nhất mà Nga sẽ phải đối mặt trong quá trình xây dựng Power of Siberia là vấn đề tài chính. Dự kiến, Nga và Trung Quốc sẽ phải đầu tư tổng cộng hơn 70 tỷ USD cho dự án này, trong đó Gazprom sẽ phải chi ra khoảng 55 tỷ USD. Nhiều người lo ngại Gazprom sẽ lấy ở đâu ra đủ vốn để tài trợ cho dự án, nhất là khi phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt tài chính chống Nga, cho dù nếu Trung Quốc ứng trước 25 tỷ USD cho Nga để triển khai dự án. Những lo ngại này sẽ gia tăng trong trường hợp căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục gia tăng và Moscow quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu như đã từng làm trước đây.

Hiện tại, doanh thu bán khí đốt của Gazprom sang châu Âu vào khoảng 60 đến 70 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 60% trong tổng doanh thu của tập đoàn này. Phần còn lại trong tổng doanh thu của Gazprom đến từ các khách hàng trong nước và các khách hàng thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Tỷ trọng doanh thu bán khí đốt sang châu Âu trong tổng doanh thu của Gazprom đang tăng lên do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm đồng ruble mất giá so với USD. Do vậy, nếu Tổng thống Putin quyết định đóng van cung cấp khí đốt cho châu Âu, Gazprom sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Năm 2009, Moscow đã cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu trong hơn 2 tuần do bất đồng về giá khí đốt với Ukraine. Động thái này đã gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD doanh thu cho Gazprom. Năm nay, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ hồi tháng 2, Moscow đã nâng giá bán khí đốt với Kiev. Hồi tháng 6, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine với lý do Kiev chưa trả nợ nhưng vẫn chưa đóng van đường ống dẫn khí sang châu Âu. Tuy nhiên, không ai dám chắc ông Putin sẽ ngừng cung khí đốt cho châu Âu trong mùa Đông tới hay không nếu EU tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, cho dù điều gì xảy ra, Tổng thống Putin cũng sẽ không để Gazprom thất bại trong dự án trên nếu ông quyết tâm chuyển hướng dòng khí đốt của Nga. Hãng tin Reuters đưa tin, ông Putin đã đề xuất cho Gazprom vay 55 tỷ USD từ ngân sách Nhà nước để tài trợ cho các dự án xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông sẽ gặp khó nếu giá dầu thế giới giảm mạnh và ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân ngân sách của Nga. Bên cạnh đó, kể từ khi đề xuất đó được đưa ra hồi tháng 6, một số tập đoàn khác cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước, trong đó có Rosneft.