Nga tìm mô hình tăng trưởng mới

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đồng ruble mất giá, quỹ dự trữ ngoại hối đang vơi dần, lãi suất và lạm phát đều tăng chóng mặt, nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái là những hệ quả trực tiếp của việc giá dầu liên tục giảm cũng như các biện pháp trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt. Để ổn định nền kinh tế, chắc chắn Nga sẽ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới…

Nga tìm mô hình tăng trưởng mới
Để ổn định nền kinh tế, chắc chắn Nga sẽ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới… Nguồn: internet

Gót chân Achilles của gấu Nga

Nga là một trong những nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt. Đáng chú ý, dầu mỏ hiện chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Do vậy, có thể nói mọi biến động của giá dầu trên thị trường thế giới đều tác động không nhỏ tới sức khỏe của nền kinh tế Nga.

Kể từ tháng 6.2014 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã liên tục giảm, một phần do các yếu tố địa - chính trị, một phần do nhu cầu vàng đen trên thế giới giảm. Trong phiên giao dịch ngày 13.1.2015 tại London, giá dầu Brent đã giảm 2,64% so với phiên trước đó xuống còn 46,12USD/thùng, thấp nhất kể từ mùa xuân năm 2009 và thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh của năm ngoái (115USD/thùng).

Việc vàng đen mất giá đã ngay lập tức tác động tiêu cực tới nền kinh tế của xứ Bạch Dương. Bất chấp các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), kể từ cuối năm ngoái, đồng ruble đã liên tục giảm giá so với các ngoại tệ chủ chốt khác.

Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm đã tạo ra những bất ổn trong nền kinh tế Nga. Trong khi nhiều nước ở châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ thiểu phát, tỷ lệ lạm phát ở nước này lại liên tục tăng và đạt 11,4% vào cuối năm 2014, cao hơn gấp đôi so với hồi đầu năm và cao nhất kể từ năm 2008. Bộ Phát triển Kinh tế nhận định lạm phát ở Nga có thể đạt mức cao nhất vào tháng 3 hoặc 4.2015 với mức tăng vào khoảng 15 đến 17%. Trong bối cảnh đó, hôm 16.12.2014, CBR đã buộc phải nâng lãi suất chuẩn từ mức 10,5% lên 17,5%, cao hơn rất nhiều so với con số 5,5% tại thời điểm đầu năm 2014. Đây là mức tăng lãi suất mạnh nhất trong một ngày của CBR kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, nếu giá dầu đứng ở mức 50USD/thùng, ngân sách năm 2015 của nước này sẽ bị thiệt hại 3.000 tỷ ruble (tương đương 45,2 tỷ USD). Moscow cần phải duy trì giá dầu ở mức 100USD/thùng để đảm bảo cân bằng ngân sách. Ông Siluanov cảnh báo nếu Chính phủ tiếp tục chi tiêu như lúc giá dầu đứng ở mức 100 USD/thùng, CBR sẽ buộc phải in thêm tiền và điều đó có thể khiến lạm phát tăng mạnh hơn.

Cùng với việc đồng ruble mất giá, lãi suất và lạm phát tăng chóng mặt và nguy cơ thâm hụt ngân sách gia tăng, Nga đang phải đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế. Hồi đầu  tháng 12.2014, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Vedev nhận định, việc giá dầu giảm và các tác động của biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Bộ này dự báo năm 2015, GDP của Nga sẽ giảm 0,8%, giảm mạnh so với con số 3,4% của năm 2012 và 1,3% của năm 2013. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) lại bi quan hơn khi dự báo tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ là âm 2,9% trong năm 2015. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hôm 14.1, WB nhận định nền kinh tế này sẽ chỉ trở lại con đường tăng trưởng vào năm 2016 với tốc độ tăng trưởng dự báo là 0,1%.

Năm 2009, Nga cũng đã từng rơi vào suy thoái với tỷ lệ tăng trưởng âm 7,8% do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ cho dù trong 5 năm trước đó, nền kinh tế xứ Bạch Dương đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao (thấp nhất là 5,25% và cao nhất là 8,54%). Sau đó, giá dầu đã hồi phục và Nga đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ năm 2010.

Mô hình nào cho Nga?

Việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ là rất cần thiết đối với nước Nga vào thời điểm này. Moscow cần phải học cách sống chung với việc giá dầu đứng ở mức thấp. Chuyên gia kinh tế trưởng Alexei Devyatov của hãng đầu tư UralSib Capital có trụ sở ở Moscow nói: Với việc giá dầu sẽ đứng ở mức thấp trong thời gian dài và cú sốc đồng ruble mất giá, chúng tôi dự báo (Nga sẽ rơi vào) suy thoái sâu trong năm nay. Nga sẽ không sụp đổ nhưng việc phục hồi tăng trưởng kinh tế thực sự sẽ không khả thi với mô hình tăng trưởng hiện tại.

Bản thân giới chức Nga cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề đó. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Gaidar ở Moscow hôm 14.1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói, Nga cần phải tạo ra động lực tăng trưởng mới bởi vì, mô hình kinh tế hiện nay không thúc đẩy tăng trưởng hoặc mang lại sự tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Chính phủ sẽ không quay lại mô hình kinh tế tổng động viên theo kiểu Liên Xô cũ. Moscow sẽ tiếp tục giữ đồng ruble là đồng tiền có khả năng chuyển đổi. Điều đó sẽ cho phép Nga thích nghi với các điều kiện mới và hiện đại hóa nền kinh tế, một điều mà nước Nga cần phải làm bất chấp giá dầu biến động như thế nào.

Tuy nhiên, điều quan trọng là Nga nên theo đuổi mô hình tăng trưởng nào?

Với một đội ngũ các nhà khoa học đông đảo và nguồn lực lao động tay nghề cao dồi dào, Nga là một trong số không nhiều các quốc gia có lợi thế trong các ngành đòi hỏi công nghệ cao như công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, hàng không và vũ trụ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Moscow vẫn chưa chú trọng khai thác các lợi thế trên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc cho dù tiềm lực kém hơn nhưng lại tận dụng tốt các lợi thế đó để tạo ra những bước phát triển thần kỳ trong thế kỷ trước.

Nga là một nước đi đầu trên thế giới về công nghệ thông tin và viễn thông nhưng các ngành này vẫn chịu lép vế so với các tập đoàn năng lượng và tài chính. Đây thực sự là một xu hướng toàn cầu, Thủ tướng Medvedev thừa nhận. Ông cho biết trong thời gian tới, Chính phủ Nga sẽ tăng cường hỗ trợ cho các ngành phi dầu mỏ như công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, hàng không và vũ trụ.

Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng Nga cần phải khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ để sản xuất ra sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và chú trọng khai thác các nguồn vốn trong nước để tránh phụ thuộc vào các ngân hàng nước ngoài. Thủ tướng cho biết, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để phát triển hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu và CBR sẽ cấp vốn cho các ngân hàng để tài trợ cho các dự án đầu tư.

Một hướng đi khác đối với Nga là chuyển hướng hoạt động thương mại và đầu tư sang châu Á để tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Âu, đồng thời khai thác các thị trường năng lượng đầy tiềm năng ở châu Á. Phát biểu tại Sochi hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Medvedev khẳng định việc cải thiện quan hệ với các nước châu Á đã trở thành một chiến lược quan trọng của Nga.

Trên thực tế, kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.2014 và phải hứng chịu những đòn trả đũa dữ dội từ phương Tây, Moscow đã thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á. Trong những bước đi đầu tiên, Nga đã ký hàng loạt các thỏa thuận thương mại và kinh doanh với một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc. Đáng chú ý, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm với tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD với Trung Quốc hồi tháng 5 năm ngoái.

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng Medvedev, Moscow vẫn có nhiều việc phải làm để cải thiện quan hệ chính trị và xây dựng niềm tin với các quốc gia châu Á.