Ngạc nhiên vay ngoại tệ giảm dịp cuối năm
(Tài chính) Lãi suất ngoại tệ thấp hơn đáng kể so với vay bằng tiền VND, lại đúng dịp nhập hàng cho Tết Nguyên đán. Thế nhưng, vay ngoại tệ lại giảm khá ngạc nhiên.
Tuy nhiên, do chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ đối với một số DN nằm trong danh mục tại Thông tư 37/2012/TT-NHNN áp dụng từ tháng 1/2013, nên không chỉ HDBank, mà ở nhiều các ngân hàng khác, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ cũng liên tục giảm mạnh trong hơn 9 tháng qua.
Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối ngân hàng toàn cầu, kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho biết, nhu cầu vốn ngoại tệ của DN hiện vẫn có, nhưng không phải DN nào cũng vay được. Chính quy định hạn chế cho vay ngoại tệ thời gian qua, theo ông Hải, đã góp phần ổn định tỷ giá.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, tín dụng bằng ngoại tệ giảm mạnh thời gian qua chủ yếu do quy định hạn chế đối tượng được vay USD từ ngân hàng.
Mặc dù lãi suất tiền đồng vẫn cao hơn so với ngoại tệ, nhưng so với đầu năm, hiện lãi suất cho vay vốn bằng VND đã giảm đáng kể. Một số ngân hàng như Eximbank, ACB, Sacombank cho vay tiền đồng lãi suất chỉ còn 6%/năm đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, lãi suất ngoại tệ dao động từ 3 - 5%/năm. Tuy nhiên, rủi ro biến động tỷ giá luôn được DN cảnh giác, cho dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là ổn định tỷ giá trong biên độ 2 - 3% năm nay. Vì thế, cả các DN trong diện được vay ngoại tệ cũng thận trọng vay.
Đại diện một DN chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Sóc Trăng cho biết, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và có nguồn thu bằng USD nên lâu nay DN này vẫn vay vốn ngoại tệ. Tuy nhiên, do thời điểm hiện nay, thị trường xuất khẩu có những khó khăn nhất định, nên công ty không còn sử dụng vốn vay nhiều như trước. Mặt khác, hiện lãi suất tiền đồng dành cho DN xuất khẩu đã được nhiều ngân hàng giảm xuống mức thấp, thậm chí bằng lãi suất vay ngoại tệ, nên công ty đã chuyển sang vay tiền đồng.
“Vì như thế, công ty sẽ không phải mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá và tránh được thiệt hại nếu tỷ giá có thể biến động, dù chỉ với biên độ hẹp năm nay”, vị đại diện DN trên nói.
Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước cũng cho rằng, sử dụng vốn ngoại tệ thì rủi ro tỷ giá luôn được DN cảnh giác.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối tháng 9/2013, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 5,12% so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đạt khoảng 84% trong tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay bằng VND tăng trưởng nhanh, tăng 11,61% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, dư nợ bằng ngoại tệ giảm liên tục, đến cuối tháng 9/2013, tín dụng ngoại tệ giảm đến 18,94% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Minh, điều này là phù hợp với định hướng của NHNN về việc tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời chuyển dần quan hệ vay - gửi sang mua - bán trong thực hiện cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng.
Không chỉ tín dụng bằng ngoại tệ giảm mà ngay cả với huy động vốn bằng ngoại tệ cũng không duy trì mức tăng trưởng như trước đây. Số liệu từ NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2013, vốn huy động bằng ngoại tệ chỉ đạt 174.122 tỷ đồng, giảm 1,64% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, vốn huy động bằng tiền đồng tăng đến 9,29%.
Quy định hạn chế cho vay ngoại tệ đối với nhà nhập khẩu buộc nhiều DN chuyển hướng sang vay ngoại tệ ở nước ngoài và rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, định hướng của NHNN là vẫn kiên quyết chống đô la hóa, nên hạn chế cho vay USD.
Trên thực tế, về cuối năm những năm trước đây, nhu cầu ngoại tệ thường tăng do DN tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, năm nay, theo đánh giá của ông Hải, nhu cầu vốn ngoại tệ của DN hiện không tăng, kể cả với nhà nhập khẩu. Vì thế, tỷ giá từ nay đến cuối năm, nếu biến động cũng chỉ trong biên độ 1%.