Ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố
Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, hầu hết các nước trên thế giới đã nhất trí rằng biện pháp tốt nhất để triệt tận gốc bạo lực chính là phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố.
Tài trợ khủng bố có thể được hiểu là việc cung cấp hay quyên góp có ý thức bằng nhiều cách khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, các nguồn tài chính cho mục đích sử dụng để hỗ trợ hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố. Hiện nay, việc lấy được nguồn tài trợ trực tiếp từ các chính phủ liên quan rất hạn chế, do đó các tổ chức khủng bố sử dụng các loại hình phạm tội khác nhau để có được nguồn tài chính cần thiết tối thiểu cho hoạt động khủng bố.
Để hỗ trợ cho hoạt động khủng bố, các tổ chức khủng bố dùng các nguồn tiền từ buôn lậu ma túy và các chất hướng thần; Bắt cóc tống tiền; Đánh bạc, tổ chức đánh bạc; Kêu gọi đóng góp, từ thiện; Nguồn tiền từ các khoản làm ăn phi pháp…
Việc xác định tài sản của các tổ chức khủng bố đến từ nguồn nào không quan trọng bằng việc kiểm tra và xác định chắc chắn đó là nguồn tiền của tội phạm khủng bố. Các khoản tiền dành cho hoạt động tấn công khủng bố thường là những khoản tiền với số lượng chia nhỏ và đường đi của các giao dịch không quá phức tạp, dài dòng; do vậy nếu không kịp thời phát hiện có thể gây rủi ro cho ngân hàng và nguy hại cho cả một quốc gia.
Tình trạng bất ổn chính trị, ý thức hệ cực đoan hiện nay, hoạt động sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các nguồn tài chính phi pháp là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu. Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, hầu hết các nước trên thế giới đã nhất trí rằng biện pháp tốt nhất để triệt tận gốc bạo lực chính là phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố.
Australia thành lập đơn vị tình báo mạng, ngăn chặn nguồn tài chính cho khủng bố
Báo cáo năm 2014 của Cơ quan tình báo tài chính Australia cho thấy, thanh toán điện tử đã tạo ra nguy cơ mới về tài trợ khủng bố. Các nhóm khủng bố tiến hành hoạt động tuyển dụng và liên lạc trực tuyến (chẳng hạn thông qua các mạng xã hội) là một nguy cơ đặc biệt cao đối với việc sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến và tiền tệ kỹ thuật số.
Chính phủ Australia ngày 9/8 thông báo nước này vừa thành lập một đơn vị tình báo mạng để phát hiện các hành vi gian lận tài chính và rửa tiền trên mạng nhằm chu cấp tài chính cho khủng bố, do xuất hiện những mối đe dọa “chưa từng có” đối với an ninh quốc gia.
Đơn vị mới thành lập trực thuộc Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch Australia (AUSTRAC) chuyên theo dõi nguồn tiền. Bộ trưởng Tư pháp Michael Keenan cho biết đội đặc nhiệm mới có nhiệm vụ điều tra các hoạt động thanh toán trực tuyến và tội phạm tài chính, từ đó ngăn chặn và tiêu diệt các mạng lưới rửa tiền và tội phạm mạng.
Đơn vị mới của AUSTRAC sẽ phối hợp với cơ quan hỗ trợ nhận dạng do Chính phủ Australia và New Zealand tài trợ, nhằm vào các tổ chức tuyển dụng bất chính mà các nhóm tội phạm sử dụng để tuyển dụng người vô tội vào các đường dây chuyển tiền. Đơn vị mới này cũng sẽ phối hợp với Mạng Báo cáo trực tuyến của Australia về tội phạm mạng nhằm xác định hình thức và xu hướng, có khả năng chỉ ra các âm mưu tài chính quy mô lớn.
Được biết, Australia đang nỗ lực cải thiện luật tài chính chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ông Keenan nhấn mạnh Chính phủ Australia sẽ tăng cường khuôn khổ pháp lý nhằm đối phó với các mối đe dọa mới và đang nổi lên, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
ASEAN nhất trí về biện pháp nhằm triệt tận gốc bạo lực
Nhận thức rõ mối đe dọa hiện hữu của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, các nước Đông Nam Á đang cùng nhau tìm cách đối phó nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, an ninh và sự phát triển chung của khu vực...
Các nhà lãnh đạo và người dân Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại trước nguy cơ khủng bố. Nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan hay Philippines là có thật khi đã có hàng nghìn phần tử cực đoan ở các quốc gia này tuyên thệ trung thành với IS thông qua internet. Đó là chưa kể nhiều tổ chức khủng bố và các nhóm cực đoan đang hoạt động mạnh trong khu vực như Abu Sayyaf ở Philippines.
Người đứng đầu Trung tâm Phân tích và Giao dịch Tài chính Indonesia (PPATK) Muhammad Yusuf cho biết là một quốc gia bao gồm hơn 17.000 hòn đảo, với địa hình phức tạp và trải rộng, với sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo, Indonesia rất lo ngại về các nguy cơ khủng bố.
Thời gian qua, PPATK đã phát hiện ra số tiền rất lớn, bị nghi ngờ sẽ được sử dụng để tài trợ cho khủng bố, chảy vào Indonesia. Số tiền này được chuyển từ ít nhất 10 quốc gia khác vào quốc đảo. Một phần trong số tiền đã được phân phối cho các tổ chức từ thiện và các hoạt động xã hội. Nhiều tổ chức tiếp nhận tiền đã không nhận thức được rằng các nguồn tài trợ cho họ chính là từ tổ chức khủng bố.
Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng hiện rõ ở khu vực, tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai về chống tài trợ khủng bố diễn ra vào tháng 8 vừa qua tại Bali, Indonesia, các quốc gia ASEAN đã nhất trí về biện pháp nhằm triệt tận gốc bạo lực, gồm phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố.
Các nước cũng đạt được sự đồng thuận trong đánh giá rủi ro khủng bố trong khu vực, đồng thời tập trung thảo luận các biện pháp ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố và các trang mạng độc hại truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ, kết nối và lập kế hoạch khủng bố.