Để ngân hàng không trở thành công cụ của tội phạm rửa tiền
Hoạt động rửa tiền gây ảnh hưởng rất lớn đến mức độ an toàn của nền tài chính của một quốc gia nói chung và đối với hệ thống ngân hàng nói riêng.
Khả năng phòng, chống rửa tiền còn yếu
Thực tế cho thấy, các chiêu thức rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng. Việt Nam cũng được cảnh báo là một trong số những quốc gia có khả năng tăng nhanh tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng.
Nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đã được các chuyên gia trong lĩnh vực này đề cập đến.Thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ thống bảo mật thông tin của Việt Nam chưa đủ sức đương đầu với tội phạm công nghệ cao là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ gia tăng tội phạm rửa tiền lĩnh vực ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng vẫn chưa quan tâm đến vấn đề an ninh mạng, chưa bố trí được nhân sự phụ trách an ninh mạng hoặc năng lực và nhận thức của đội ngũ này chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Ngoài nguy cơ rửa tiền từ các giao dịch chuyển tiền điện tử thì các giao dịch chuyển tiền trực tiếp cũng rất dễ xảy ra tại các ngân hàng Việt do hệ thống quản trị rủi ro, phòng chống rửa tiền của các ngân hàng chưa hoàn thiện. Một số ngân hàng áp dụng hệ thống cập nhật, theo dõi, lọc giao dịch chưa thật chuẩn xác, đồng bộ theo chuẩn quốc tế.
Thêm vào đó, các ngân hàng Việt Nam hiện nay hầu như chưa giám sát được đầy đủ giao dịch tiền mặt tại các chi nhánh của mình. Thậm chí, chính nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch cũng chưa mấy quan tâm đến vấn đề này. Do vậy, việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của nhóm tội phạm công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn.
Những đối tượng rửa tiền ngày càng có trình độ công nghệ thông tin chuyên sâu, có phạm vi hoạt động rộng, có thể gây án ở nhiều nơi trong một quốc gia hoặc xuyên quốc gia, dễ câu kết với nhau, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực này còn non trẻ nên việc phát hiện rất khó khăn.
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm rửa tiền
Để phòng, chống tội phạm rửa tiền và ngăn không để ngân hàng trở thành một công cụ của loiạ tội phạm này, các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, trong hoạt động ngân hàng, công tác phòng, chống rửa tiền với công nghệ hiện đại, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các nhà băng.
Theo đó, bản thân các ngân hàng cần tăng cường công tác phòng ngừa loại tội phạm công nghệ thông tin - viễn thông. Sử dụng các công cụ kỹ thuật để ngăn chặn các vụ truy cập trái phép, lây lan virus, lấy cắp dữ liệu, phòng ngừa, bảo vệ cho các server, website, cơ sở dữ liệu, bằng các thiết bị an ninh mạng (phần cứng), các phần mềm chống virus, spyware, spam…
Đồng thời, cần xây dựng các phần mềm quản trị hệ thống, phân quyền cho người sử dụng cơ sở dữ liệu phù hợp, có biện pháp bảo đảm an ninh mạng, không để bị tấn công từ bên trong.
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của từng cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng tham gia phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao như bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình; phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Các ngân hàng cũng cần dành nguồn lực tài chính cho hệ thống công nghệ hỗ trợ công tác chống rửa tiền. Theo đó, chú trọng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng hiệu quả các phần mềm phát hiện và ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ. Dành mức ngân sách hợp lí cho việc đầu tư công nghệ kĩ thuật nhằm phát triển các phần mềm cảnh báo, phát hiện sớm đối với các giao dịch đáng nghi cũng như nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ công nghệ cho nhân viên phụ trách.
Quan trọng hơn, các ngân hàng cần tăng khả năng xác định rủi ro, các dấu hiệu rửa tiền trong từng sản phẩm dịch vụ, từng hoạt động kinh doanh, giao dịch như: trong hoạt động kế toán giao dịch; hoạt động tín dụng; tài trợ thương mại; chứng khoán; hoạt động thẻ…