Ngăn chặn thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội

Theo Quang Minh/nhandan.vn

Lợi dụng sự quan tâm của người dân về việc phòng, chống, điều trị dịch Covid-19, trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện tràn lan các “bác sĩ”, “thần y” tự xưng với vô số lời khuyên và bài thuốc chữa Covid-19 thiếu cơ sở khoa học. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, tình trạng này không những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng mà còn cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan và lực lượng chức năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dù không có thông tin đủ độ tin cậy về các “chuyên gia trên mạng” nhưng nhiều người, trong đó có cả một số người nổi tiếng vẫn hồn nhiên chia sẻ, thậm chí thực hiện theo các thông tin, chỉ dẫn thiếu cơ sở khoa học về những bài thuốc chữa COVID-19 được lan truyền gần đây như: nuốt sống địa long (hay gọi là giun đất), uống nước 15 phút/lần, dùng thuốc paracetamol với liều tối đa, tuyệt đối hóa vai trò của xuyên tâm liên...

 Thực trạng này cho thấy, không ít người dân còn dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin, thậm chí có mối quan tâm đặc biệt với thông tin, bài viết liên quan đại dịch COVID-19 trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là khi chúng được dẫn nguồn từ tài khoản tự nhận là chuyên gia y tế, người phục vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Thực tế trên không gian mạng hiện nay cũng có một số địa chỉ uy tín gắn với tên tuổi của các bác sĩ, nhà khoa học nổi tiếng. Với tên tuổi, trình độ, địa chỉ, nơi công tác... rõ ràng, nhiều trang cá nhân của họ đã trở thành những “địa chỉ đỏ” tin cậy, nơi người có nghiệp vụ chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết trong công tác khám, chữa bệnh với cộng đồng.

Qua cách thức truyền tải dễ gần, dễ hiểu, một số bài viết của các bác sĩ này đã thành “cẩm nang mùa dịch” được sưu tầm, chia sẻ trên nhiều trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn. Bên cạnh đó, cũng có thể xem một số trang Facebook, Zalo là diễn đàn trao đổi, học hỏi chuyên môn giữa các bác sĩ, chuyên gia y tế, đồng thời liên kết họ với người bị bệnh, người cần hỗ trợ kiến thức, dụng cụ, thuốc men y tế.

Tuy nhiên, cũng trên mạng xã hội, đang xuất hiện không ít bài viết của một số người tự nhận là y, bác sĩ nhưng không cho biết đang làm ở đâu, thông tin cá nhân không minh bạch. Những bài viết được họ đăng tải bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân, có tính chủ quan, thiếu tinh thần khách quan khoa học về cơ chế lây lan của dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh, gây hoang mang dư luận.

Tình trạng “lắm thầy nhiều ma” diễn ra tràn lan trên không gian mạng khi xuất hiện ngày càng nhiều “thần y” với vô số lý thuyết chữa bệnh chưa được kiểm nghiệm và chứng thực. Thậm chí, một số đối tượng còn tuyên truyền mê tín dị đoan bằng hình thức “tổ chức cầu siêu”, “cúng giải hạn”, “niệm kinh hằng ngày để trừ dịch”.

Nguy hiểm hơn là tình trạng một số người từng được đào tạo bài bản về y khoa, đã hoặc đang làm việc tại một số cơ sở y tế trên cả nước nhưng lại công bố một số bài viết từ góc nhìn tiêu cực, chứa đựng thông tin sai sự thật về dịch bệnh, chỉ trích công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam, công khai bài xích hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19; đề xuất giải pháp chưa có căn cứ khoa học như bảo vệ niêm mạc khỏi sự xâm nhập của vi-rút gây COVID-19 bằng cách nhỏ dầu mè (dầu vừng), dầu olive, dầu dừa vào mũi; tuyên truyền việc không cần đồ bảo hộ, kính mắt, bao tay vẫn có thể tiếp xúc an toàn với bệnh nhân nhiễm COVID-19 khiến người dân sinh tâm lý chủ quan; đưa ra yêu cầu phi lý là “nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức, bộ, ngành không được căn cứ vào những diễn biến bệnh ở châu Âu, châu Mỹ để đề ra những quyết định chính sách chống dịch của Việt Nam như vừa qua”...

Từ đây tạo cơ hội cho những phần tử cực đoan, thiếu thiện chí hoặc phản động lợi dụng để chống đối, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước. Lợi dụng sự tự do của mạng xã hội, các đối tượng này còn lập hàng loạt tài khoản giả mạo, đăng tải các thông tin sai, thông tin chưa được kiểm chứng, dựng chuyện người dân bất hợp tác với chính quyền trong việc tiêm vắc-xin, xuyên tạc hiệu quả của các loại vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, kích động kỳ thị vùng miền, âm mưu gây bất ổn xã hội.

Chưa kể, dựa vào những phát ngôn chỉ trích thiếu căn cứ hoặc nhận xét mơ hồ về các biện pháp phòng, chống dịch của các “chuyên gia mạng”, những đối tượng này lập tức lu loa, phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch bệnh, tìm kiếm vắc-xin phòng COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau để bảo vệ sức khỏe của người dân; phủ nhận công sức, sự hy sinh, xả thân của biết bao nhân viên y tế và lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu đang dồn sức, làm việc bất kể ngày đêm để cứu tính mạng cho từng người bệnh; phủ nhận sự chung sức đồng lòng, đoàn kết của toàn xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay.

Ngoài ra, từ các bài viết vốn chỉ nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân cũng có nguy cơ khiến một bộ phận người dân thiếu thông tin, nhẹ dạ bị hao hụt niềm tin vào chiến lược chống dịch của Đảng, Nhà nước, bất hợp tác với các cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay trên nhiều lĩnh vực trong đời sống, có thể nhanh chóng phát hiện tin giả bằng việc kiểm tra nguồn bài viết, nội dung thông tin, các trang chia sẻ, tham khảo đội ngũ chuyên gia. Nhưng trong một ngành đặc thù như y tế, quá trình này lại không dễ dàng, nhất là với nội dung, chủ đề liên quan một loại dịch bệnh mới, diễn biến khó lường chưa thể kiểm soát như COVID-19.

Sự phức tạp của đại dịch này đã khiến WHO, Bộ Y tế Việt Nam phải liên tục thay đổi, cập nhật các cảnh báo mới, biện pháp phòng tránh, phương pháp, thuốc điều trị. Vì thế cần phải sớm có biện pháp ngăn chặn, phòng tránh sự lan truyền, phát tán của các loại thông tin khoa học giả mạo, thiếu kiểm chứng, phản khoa học về dịch bệnh trên mạng xã hội.

Và với nhiều hình thức, từ đăng tải các trạng thái phản biện trực tiếp, viết bài gửi tới các cơ quan báo chí uy tín, đến việc thành lập các cộng đồng nghề nghiệp, nhiều bác sĩ có chuyên môn, có lương tâm nghề nghiệp đã tích cực tham gia đẩy lùi luồng thông tin độc hại này trên không gian mạng. Bên cạnh việc cung cấp các bài viết hữu ích liên quan đến dịch bệnh, một số bác sĩ, nhà nghiên cứu còn tích cực phân tích, lên án nhận thức sai lầm, lừa đảo về phương pháp thực dưỡng, đông y phản khoa học.

Nhiều bài viết của họ đã nhanh chóng được biên tập, in ấn, trở thành cẩm nang thiết thực cho người dân về chăm sóc sức khỏe, tiêu biểu như bộ sách “Để yên cho bác sĩ hiền” của bác sĩ Ngô Đức Hùng, hoặc cuốn “Bác sĩ tốt nhất của nhà mình” của bác sĩ Trần Quốc Khánh. Việc làm ý nghĩa của các thầy thuốc phần nào minh chứng cho tinh thần “hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cứu chữa người bị tai nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch”, một trong quy định quan trọng về Y đức được Bộ Y tế ban hành.

Dù vậy, nỗ lực này sẽ giảm thiểu ý nghĩa nếu thiếu sự chung tay của toàn ngành y tế nói riêng, của các ngành liên quan nói chung, cũng như toàn xã hội trong việc xử lý vấn nạn sản xuất, lan truyền thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, ngụy khoa học liên quan dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của việc thông tin, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh đang lan tràn, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay, rất cần vai trò cảnh báo định hướng, cập nhật kịp thời các thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, cũng như sự tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, các nhà khoa học giúp người dân có cái nhìn, đánh giá chính xác về tình hình thời sự, công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị bệnh nhân, tiến trình tiêm chủng,... như chuyên mục “Hỏi đáp về COVID”, “Dân hỏi chính quyền trả lời”, bác sĩ khám bệnh online... mà một số báo, đài đang triển khai rất được người dân quan tâm.

Đồng thời, cần kịp thời nêu gương, tri ân các bác sĩ, nhân viên y tế có thành tích tốt, có hành động hy sinh quên mình trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Điều đó vừa là tác nhân khích lệ đội ngũ y tế tiếp tục giữ vững tinh thần chống dịch ngoài đời thường và trên không gian mạng, vừa là “mũi vắc-xin” giúp người dân phòng ngừa, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc, xuyên tạc, phi khoa học.

Về phía người dân, khi có nhu cầu tìm hiểu các thông tin về dịch bệnh cần tìm đến các chuyên gia uy tín, các nguồn thông tin chính thống, tránh tin và nghe theo những nguồn tin vô căn cứ trên mạng xã hội, vì rất có thể sẽ “tiền mất, tật mang”, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Sự tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền và ngành y tế, bình tĩnh, sáng suốt, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ người thân và gia đình, thường xuyên cập nhật các thông tin chính thống, tin cậy để có các biện pháp ứng phó thích hợp sẽ giúp chúng ta bảo vệ được bản thân, gia đình và cộng đồng trước sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19.