Kiểm soát giao dịch đáng ngờ
Liên quan đến phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngày 24/9/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 148/2010/ TT-BTC hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng. Thông tư 148/2010/TT-BTC ra đời đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý hướng dẫn các công ty quản lý quỹ thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản dưới luật (Nghị định số 116/2013/NĐ- CP và Thông tư 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn một số quy định về phòng, chống rửa tiền) được ban hành thì công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán đã được bổ sung thêm một số quy định mới.
Điển hình như, theo Luật Phòng, chống rửa tiền, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán được quy định cụ thể: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam.
Báo cáo phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản đối với các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản, thông tin nhận biết khách hàng, các chứng từ và tài liệu khác liên quan đến giao dịch đáng ngờ. Các dấu hiệu về giao dịch đáng ngờ cụ thể như:
- Giao dịch mua bán, chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện;
- Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;
- Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán;
- Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam;
- Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc;
- Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi;
- Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng;
- Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.
Để phù hợp với yêu cầu phát triển
Hiện nay, lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vẫn đang triển khai công tác phòng, chống rửa tiền trên nền tảng của Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012; Nghị định số 116/2013/ NĐ-CP ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và các thông tư hướng dẫn như: Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng…
Như vậy, hành lang pháp lý đã cơ bản kiện toàn và phần nào hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, tại Hội nghị Phổ biến pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán mới đây, từ góc độ của công ty chứng khoán, nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại rằng các quy định tại văn bản hướng dẫn là thiếu thực tế và khó khả thi trong thực tiễn cuộc sống. Bởi những quy định đó hoàn toàn chỉ mang tính định tính và phụ thuộc vào chủ quan của người làm công tác phòng, chống rửa tiền.
Điển hình như quy định về báo cáo giao dịch giá trị lớn trong lĩnh vực chứng khoán còn thiếu tính thực tiễn. Theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn (giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị trên 300 triệu).
Trong khi đó, căn cứ theo pháp luật về chứng khoán thì công ty chứng khoán lại phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Thông tư 148/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, giao dịch lớn phải báo cáo là giao dịch tiền mặt trong ngày, tức sử dụng tiền mặt khi thanh toán tiền mua cổ phiếu giống như mua bán trao tay cổ phiếu OTC. Và như vậy, công ty chứng khoán không được phép thực hiện giao dịch tiền mặt trực tiếp với khách hàng, do đó hầu như không phát sinh các giao dịch giá trị lớn.
Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, xem xét việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng, tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện tốt công tác phòng, chống rửa tiền. Thông tư mới này sẽ tạo hành lang pháp lý và hướng dẫn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ triển khai hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9-2014
Ngăn dòng “tiền đen” chảy qua chứng khoán
(Tài chính) “Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 148/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng. Đây sẽ là hành lang pháp lý và hướng dẫn mới về công tác phòng, chống rửa tiền”, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Xem thêm