Ngân hàng cam kết giải ngân ngay khi Nghị định 67 có hiệu lực

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chiều 24/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai chương trình tín dụng quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trong toàn ngành. Các ngân hàng cam kết dành nguồn vốn cho ngư dân và hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống để có thể giải ngân ngay khi Nghị định 67 có hiệu lực.

Ngân hàng cam kết giải ngân ngay khi Nghị định 67 có hiệu lực
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngân hàng sẵn sàng giải ngân

Tại Nghị định 67, Chính phủ đã xây dựng những chính sách hỗ trợ mang tính chất đột phá, toàn diện nhất từ trước tới nay cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản. Đáng chú ý nhất là chính sách tín dụng. Theo đó, chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính. Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp; tài sản bảo đảm là chính con tàu được đóng bằng vốn vay. Ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1- 3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4 - 6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy. Đặc biệt, ngư dân sẽ được vay vốn cho từng chuyến đi biển. Cụ thể, ngân hàng sẽ cho vay vốn lưu động lên tới 70% chi phí cho chuyến đi biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển; mức lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 7%/năm. 

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành, NHNN đã khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện chính sách tín dụng để xin ý kiến các bộ, ngành, ngân hàng thương mại. Trong đó, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết dành nguồn vốn để cho vay đối với ngư dân, đồng thời hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống để có thể triển khai cho vay ngay khi Nghị định có hiệu lực. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà  cho biết, BIDV sẽ triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ thuỷ sản bao gồm: hỗ trợ tín dụng, an sinh xã hội, phát triển biển đảo… Ngoài gói tín dụng 3.000 tỷ đồng thực hiện theo Nghị định 67, BIDV cũng triển khai các gói hỗ trợ khác để phát triển thủy sản như: 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với các doanh nghiệp đóng tàu; 5.000 tỷ đồng cho vay theo hình thức BT, cho vay ứng trước đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn Nhà nước bố trí; 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống chế biến hải sản, cá ngừ đại dương…

NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn

Tại Hội nghị, NHNN đã giới thiệu dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng đối với ngư dân tại Nghị định 67. 

Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định các chủ tàu vay vốn phải có phương án sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, sau đó phương án này sẽ được ngân hàng thương mại thẩm định. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh dự hội nghị cho rằng, quy định như vậy là chồng chéo. Phương án sản xuất kinh doanh chỉ cần UBND tỉnh phê duyệt là đủ, và giảm bớt thủ tục cho ngư dân.

Về tài sản bảo đảm, quy định “ngân hàng thương mại được nhận giá trị con tàu và đóng mới, nâng cấp của chủ tàu và các tài sản khác” sẽ khiến ngư dân lo ngại. Các đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “và tài sản khác” để ngư dân yên tâm vay vốn. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư yêu cầu chủ tàu phải tham gia tổ, đội, hợp tác xã liên kết, giúp đỡ nhau khai thác trên biển, phải mua đầy đủ bảo hiểm. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng quy định này không thực tế. Bởi vì tổ, đội mỗi nơi một kiểu, lại không có pháp nhân. Hơn nữa, phải có tàu mới mua được bảo hiểm, chứ mới vay vốn thì không mua được.

Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến đã chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN tiếp thu, tổng hợp ý kiến tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện và sớm ban hành thông tư hướng dẫn; Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố nhanh chóng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai chương trình trên địa bàn có hiệu quả. Phó thống đốc cũng chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước bố trí nguồn vốn và xây dựng kế hoạch triển khai để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, cho vay vốn lưu động cho bà con ngư dân và chủ động tiếp cận khách hàng để việc giải ngân đạt được kế hoạch đã đăng ký.

Tuy nhiên, để chính sách tín dụng theo Nghị định 67 được triển khai hiệu quả, ngoài sự cố gắng của ngành ngân hàng cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, nguồn vốn cho vay của ngân hàng chỉ có thể giải ngân được khi các bộ, ngành công bố các yêu cầu kỹ thuật đối với con tàu đánh bắt xa bờ, phê duyệt mẫu thiết kế tàu, ban hành chính sách bảo hiểm, đồng thời UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách các chủ tàu có kinh nghiệm về đánh bắt xa bờ tham gia chương trình.

Bộ Tài chính đã cùng lúc đưa ra 2 dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện việc cấp bù lãi suất và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân triển khai Nghị định 67 để lấy ý kiến trước khi ban hành.

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm, tất cả tàu đánh bắt hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90CV trở lên đều được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm từ 70 - 90%. Trong khi đó, tất cả các công ty kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã có 3 năm kinh nghiệm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ, đồng thời chứng minh được doanh thu phí bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 10 tỷ đồng và tổng vốn điều lệ thực góp trên 600 tỷ đồng đều được tham gia chương trình. Tất cả các hợp đồng bảo hiểm khi đã được xét duyệt, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần gửi hồ sơ đầy đủ tới các cơ quan chức năng tại địa phương là có thể nhận được chi phí cấp bù trong vòng 10 - 15 ngày. 

Dự thảo Thông tư hướng dẫn cấp bù lãi suất quy định: tất cả các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định Điều 4 Nghị định 67 đều được ngân sách cấp bù lãi suất từ 4 - 6%/năm tùy theo các khoản vay. Việc thẩm tra hồ sơ để tiến hành cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng cũng được quy định trong vòng 4 tháng là giải quyết xong. Do vậy, đối với các khoản vay theo Nghị định 67, các tổ chức tín dụng có thể sẽ nhận được phần lãi suất cấp bù ngay sau khi kết thúc mỗi năm tài chính.