Ngân hàng cho vay lãi "cắt cổ" qua thẻ tín dụng

Theo infonet.vn

(Tài chính) "Hiện giờ lãi suất đang giảm dần nhưng vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng ngân hàng vẫn tính lãi suất tới 31,8%/năm, thật không công bằng đối với người dùng thẻ".

Ngân hàng cho vay lãi "cắt cổ" qua thẻ tín dụng
"Vay" tiền qua thẻ tín dụng chủ thẻ biến thành "con nợ" của ngân hàng với lãi suất cắt cổ. Nguồn: Internet

Đều đặn ngày 10 hàng tháng anh Quang – chủ thẻ tín dụng ANZ nhận được tin nhắn "đòi tiền" từ ngân hàng. Số tiền phải trả mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho khoản dư nợ 30 triệu đồng theo anh Quang không phải là lớn, nhưng điều khiến anh bức xúc là chậm trả một ngày ngân hàng tính lãi luôn 2,65%/tháng (tương đương 31,8%/năm).

"Hiện giờ lãi suất đang giảm dần nhưng vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng ngân hàng vẫn tính lãi suất tới 31,8%/năm, thật không công bằng đối với người dùng thẻ" – anh Quang băn khoăn.

Trong vai khách hàng đang có nhu cầu mở thẻ tín dụng, phóng viên được nhân viên thẻ của HSBC tư vấn: ngoài chức năng thanh toán qua thẻ, khách hàng còn có thể vay tiền qua thẻ tín dụng cho những mục đích tiêu dùng. Vay qua hình thức này khách hàng phải chịu mức lãi suất cắt cổ, 31,2%/năm đối với thẻ Chuẩn, 28%/năm với thẻ Vàng và 27,8%/năm với thẻ Bạch kim.

Nhân viên ngân hàng trấn an, rằng khoản lãi sẽ được tính dựa trên số dư nợ giảm dần chứ không tính trên dư nợ cố định. Vì thế, dù lãi suất trên số dư nợ giảm dần cao, nhưng tiền phải trả hàng tháng (nợ gốc và tiền lãi) ít hơn cách tính thông thường.

Ví dụ, cùng khoản vay nợ 60 triệu đồng nếu tính lãi trên số dư cố định ở mức lãi suất 14,5%/năm (nợ gốc và lãi trả hàng tháng cố định tính theo lãi suất), thì với mức lãi 25% trên số dư nợ giảm dần của HSBC số tiền phải trả hàng tháng vẫn thấp hơn.

Dù lãi suất mềm hơn, nhưng vay qua thẻ tín dụng tại một số ngân hàng nội cũng cao gấp đôi so với lãi suất cho vay ra thông thường và gấp khoảng 4 lần lãi suất huy động.

Ví dụ, khách hàng sử dụng thẻ Techcombank Visa chuẩn mức lãi là 25,8%/năm, đối với thẻ Vàng mức lãi suất được nhà băng đưa ra là 24,8%/năm. Còn tại Sacombank mức lãi suất vay đối với thẻ tín dụng được ngân hàng này “cào bằng” cho tất cả các loại thẻ tín dụng quốc tế là 2,15%/tháng, tương đương 25,8%/năm.

Ngoài ra, trả chậm sẽ phải chịu phí phạt từ 2,8% - 6% theo quy định của từng ngân hàng (tối thiểu 80.000 đồng). Chưa hết, trả chậm 10-30 ngày chủ thẻ còn bị xếp vào nhóm nợ xấu khó có giao dịch với ngân hàng sau này.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia tài chính trong lĩnh vực ngân hàng cho hay, bản chất của thẻ tín dụng là loại thẻ “tiêu dùng trước, trả nợ sau”, cùng với điều kiện mở thẻ đơn giản, cho vay 45 ngày không tính lãi, ngân hàng thường kết hợp với nhà bán lẻ khuyến mãi, giảm giá hoặc tích lũy điểm thưởng cho người chi trả bằng thẻ để khuyến khích chi tiêu… Điều này khiến nhiều người lên cơn “nghiện” mở thẻ để mua sắm, bất chấp khả năng tài chính của mình và không biết rằng đang tự biến mình thành ... con nợ của ngân hàng.

Dù mặt bằng lãi suất đang giảm dần, nhưng lãi "vay" qua thẻ tín dụng vẫn đang được các nhà băng áp mức cắt cổ. Thông thường với thẻ tín dụng chuẩn của HSBC mức lãi suất lên tới 31,2%/năm, mỗi tháng chủ thẻ phải chịu lãi suất 2,5%; còn đối với ANZ mức lãi suất này là 31,8%/năm tương đương 2,65%/tháng. Mức lãi các nhà băng “ngoại” áp dụng đối với chủ thẻ Vàng là 28%/năm và thẻ Bạch kim là 27,8%/năm.

"Nếu chỉ vay tạm một vài tháng thì mức lãi suất này có thể chịu đựng được, nhưng có những chủ thẻ không đủ tiền trả nợ gốc – lãi ngân hàng, tháng trước "chồng" lên tháng sau, lãi mẹ đẻ lãi con... số tiền phải trả sẽ rất lớn" – ông nói.

Sở dĩ, hiện nhiều ngân hàng đang ra sức quảng bá, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn và câu kéo khách hàng mở thẻ tín dụng là bởi khoản lợi nhuận mà nhà băng "đút túi" cho mỗi giao dịch thẻ là không ít.

"Trong lúc kinh doanh khó khăn, đầu ra ít thì khoản thu không hề nhỏ từ thẻ tín dụng sẽ giúp các ngân hàng thêm doanh thu" – vị chuyên gia tài chính nói thêm.