Ngân hàng đã "xắn tay", doanh nghiệp không thể "đứng ngoài"

Theo Đầu tư Chứng khoán

“Hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS), nhưng nếu không giảm giá bán thì doanh nghiệp (DN) sẽ phải chấp nhận tồn hàng, nợ xấu và dẫn đến khó khăn, phá sản”. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Tình hình tín dụng dành cho BĐS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian qua ra sao, thưa ông?

Ngân hàng đã "xắn tay", doanh nghiệp không thể "đứng ngoài" - Ảnh 1
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
Từ tháng 4/2012 trở lại đây, BĐS cùng một số loại hình khác như chứng khoán, tiêu dùng đã được đưa ra khỏi danh mục không khuyến khích, tức là cho vay bình thường. Thậm chí, riêng lĩnh vực BĐS lại được mở ra tương đối rộng như nếu thuê, mua, đầu tư... cũng có thể vay vốn ngân hàng.

Trên cơ sở đó, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đã có những bước ấm dần lên. Ngay trong năm 2012, hệ thống ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã cho vay lĩnh vực BĐS hơn 6.000 tỷ đồng, thúc đẩy việc giải phóng bớt một phần hàng tồn kho, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ. Có thể đây là một phần không lớn nhưng cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi trong hoạt động cho vay của ngân hàng với các lĩnh vực vừa qua bị đóng băng hay tồn kho lớn.

Theo ông, khó khăn chủ yếu của thị trường BĐS liên quan đến lĩnh vực ngân hàng là gì?

Phần lớn khoản vay BĐS vừa qua là cho vay đến các đối tượng mua hoặc sửa chữa nhà, còn với các DN, các dự án lớn thì chỉ tiếp tục cho vay với DN hoạt động có hiệu quả, còn những dự án dở dang, ngưng hoạt động thì không được cho vay. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, khó khăn của BĐS liên quan đến lĩnh vực ngân hàng chủ yếu là về lãi suất. Nếu áp dụng mức lãi suất trên 15%/năm, tôi cho là lĩnh vực BĐS khó hấp thụ. Do vậy, Nghị quyết 02 của Chính phủ đưa ra và NHNN đang dự thảo lần thứ 4 Thông tư triển khai cho vay với mua nhà xã hội hay mua nhà thương mại có diện tích dưới 70 m2 với lãi suất 6%/năm là hợp lý với những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, để họ có điều kiện tiếp cận vốn vay của ngân hàng.

Vậy nhưng, DN vẫn “kêu ca” về việc chưa được giải cứu…

Vấn đề ở đây là phải tiếp cận từ nhiều phía, từng DN, từng đề án cũng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, Nhà nước chia sẻ với các DN, không tính tiền thuê đất thì NSNN sẽ hụt thu; còn đối với DN, trước đây có thể đòi hỏi lãi định mức là 3 - 5%, nhưng bây giờ có khi phải chấp nhận cắt lỗ. Chỉ giảm mạnh giá bán mới có điều kiện giải phóng hàng tồn kho, trả nợ ngân hàng. Nếu không chấp nhận giảm giá bán thì DN sẽ phải chấp nhận nợ xấu, mà như thế thì gánh nặng về chi phí càng nhiều, làm cho DN càng khó khăn thêm.

Về phía hệ thống ngân hàng liệu có động thái nào để thị trường BĐS ấm hơn trong thời gian tới, thưa ông?

Chúng tôi đã nghiên cứu và thực hiện một số biện pháp nhằm làm ấm thị trường BĐS, chủ yếu là tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình mua nhà. Và cho đến nay, dù Thông tư của NHNN chưa được ban hành, chúng tôi vẫn đang thí điểm triển khai thực hiện. Trong tháng 4, NHNN TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức ký kết với Sở xây dựng, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình cùng với Eximbank sẽ hỗ trợ cho người mua nhà đã được UBND quận xét duyệt với lãi suất khoảng 7,5 - 8%/năm. Eximbank đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho chương trình này. Dĩ nhiên lãi suất này chưa thể theo Nghị quyết 02 của Chính phủ là 6%/năm, mà cao hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo được tính hợp lý và chấp nhận được đối với người vay trong điều kiện mức huy động vốn hiện nay là 7,5%/năm.

Gói lãi suất 8%/năm cho BĐS hiện chưa có, nhưng cao hơn một chút thì được triển khai khá nhiều. Ông có thể chia sẻ về tình hình giải ngân?

Đúng vậy, đến giờ phút này, lãi suất cho vay khoảng 8%/năm thì chưa có, nhưng nếu 9 - 10%/năm thì cũng có một vài ngân hàng như ACB, Sacombank, Vietcombank, Vietinbank... đã triển khai, dù tốc độ giải ngân vẫn còn chậm. Lý do thì có nhiều, trong đó có cả lý do từ đối tượng mua nhà, từ DN có dự án và chủ yếu đó là lý do về tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy, trong điều kiện thực tế, thời hạn vay 10 năm là khoảng thời gian hơi ngắn với người vay có mức thu nhập trung bình. Mà đã ngắn thì người vay khó trả được vốn và lãi theo điều kiện mà ngân hàng đã quy định. Nếu kéo dài thời gian vay thành 15 - 20 năm thì khoảng trả vốn sẽ giãn ra và ít đi, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng đã lên kế hoạch đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng nhanh tiến độ giải ngân. Dự kiến sẽ giải ngân được trong năm nay khoảng 45 - 47% gói tín dụng trên dưới 10.000 tỷ đồng mà hiện mới giải ngân được khoảng 7%.