Ngân hàng đang "chống lưng" cho các dự án địa ốc

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Hàng loạt Ngân hàng vừa mở hầu bao tài trợ triển khai dự án, vực dậy niềm tin của người mua nhà.

 Ngân hàng đang "chống lưng" cho các dự án địa ốc
Hàng loạt Ngân hàng vừa mở hầu bao tài trợ triển khai dự án. Nguồn: internet
Chỉ ít tuần sau khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, kêu gọi Ngân hàng SHB đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, hai bên đã nhanh chóng ký kết những hợp đồng quan trọng. Theo đó, SHB đồng ý tài trợ tới 1.000 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh triển khai dự án căn hộ cao cấp D.’ Le Pont D’or – Hoàng Cầu, đồng thời, cho người mua căn hộ tại dự án này vay tới 70% giá trị với thời hạn lên tới 25 năm. Hai hợp đồng này đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh của SHB bởi trước đây, ngân hàng này vẫn thận trọng đối với tín dụng bất động sản.

Không chỉ SHB mà nhiều ngân hàng khác đã dần mở hầu bao cho lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Liên Việt Post Bank mới ký thoả thuận cho chủ đầu tư tổ hợp Diamond Flower Tower vay 500 tỷ đồng để hoàn thiện dự án. Ngân hàng Quân đội cũng cấp tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát hoàn thiện dự án căn hộ The Pride. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chính thức chỉ định 8 ngân hàng tham gia vào gói liên kết 4 nhà (ngân hàng - nhà đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu) với tổng giá trị cho vay lên tới 50.000 tỷ đồng.

Ngoài cho chủ đầu tư vay triển khai dự án, các ngân hàng cũng kết hợp với chủ đầu tư triển khai các gói tín dụng cho vay đối với người mua nhà với lãi suất ưu đã. Chẳng hạn, đối với dự án D.’ Le Pont D’or, SHB cho người mua nhà vay với lãi suất 8,68% trong năm đầu tiên, nhưng Tân Hoàng Minh hỗ trợ khách hàng 3,68%, nên thực chất lãi suất chỉ còn 5% trong năm đầu.     

Việc các ngân hàng mở hầu bao được coi là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung. Tín dụng giống như mạch máu nuôi sống bất động sản, và trong mấy năm qua, khi không còn được tiếp máu thì thị trường bất động sản tê liệt. Tín dụng được nối lại đã giúp nhiều dự án bất động sản hồi sinh, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ để triển khai dự án mới.

Vì thế, ông Đỗ Anh Dũng đánh giá cao gói tín dụng của SHB dành cho dự án D.’ Le Pont D’or bởi Tân Hoàng Minh hoàn toàn có thể yên tâm triển khai các dự án theo đúng chất lượng và tiến độ mà không cần phải có bất cứ lo ngại nào về nguồn vốn.

Nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn còn mắc kẹt với những khoản nợ cũ vẫn chưa giải quyết được. Diễn biến gần đây cho thấy, phần lớn các ngân hàng lựa chọn cho vay đối với những dự án có triển vọng kinh doanh tốt, và ngạc nhiên là, những dự án này lại thuộc về phân khúc cao cấp chứ không phải là phân khúc nhà giá rẻ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Tại lễ ký kết với Tân Hoàng Minh mới đây, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB, cho rằng, Tân Hoàng Minh đang có chiến lược kinh doanh riêng, đúng đắn với những dự án cao cấp nằm tại các khu đất vàng có vị trí đắc địa ở thủ đô Hà Nội nên sẽ đồng hành cùng Tân Hoàng Minh không chỉ ở khía cạnh vay vốn mà còn cùng xúc tiến bán hàng qua mạng lưới của SHB. “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng của Tân Hoàng Minh hoàn toàn có thể yên tâm về các dự án mà Tập đoàn đang triển khai,” ông Hiển tuyên bố.

Cam kết của ông Hiển cũng thể hiện vai trò của ngân hàng trong việc góp phần vực dậy niềm tin của người mua nhà đối với các doanh nghiệp bất động sản. Không chỉ là người cho vay đối với doanh nghiệp và người mua nhà, các ngân hàng còn phát huy vai trò là bà đỡ đối với thị trường bất động sản, khi đưa ra những cam kết và bảo lãnh chưa từng có tiền lệ như trường hợp tại dự án căn hộ CT Number One.

Khách hàng mua căn hộ CT Number One Vân Canh sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của chủ đầu tư tại Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội, sau đó Agribank sẽ chuyển tiền trực tiếp cho nhà thầu thi công theo tiến độ. Ông Đặng Tiến Dũng, Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, cam kết, nếu dự án xây dựng không đúng tiến độ thì ngân hàng sẽ hoàn lại tiền cho người mua cả gốc lẫn lãi bằng lãi suất tiết kiệm.

Theo ông Dũng, với cách làm này, chủ đầu tư, ngân hàng, nhà thầu và khách hàng đều có lợi. Liên kết 4 nhà tạo được lòng tin vì người mua nhà được đảm bảo là tiền của họ không bị chủ đầu tư chiếm dụng, nhà thầu xây dựng được đảm bảo là tiền họ bỏ ra sẽ được ngân hàng thanh toán, và chính ngân hàng cũng được đảm bảo là sẽ thu nợ được từ các đối tác. Nếu ngân hàng làm tốt mô hình này thì tạo được lòng tin, từ đó góp phần vực dậy thị trường bất động sản.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cen Group, lòng tin là yếu tố quyết định đến sự hồi phục của thị trường bất động sản. Thị trường thanh khoản kém thời gian qua cũng là do người mua nhà mất niềm tin vào các doanh nghiệp địa ốc nên họ không dám xuống tiền.Vì thế, ông Hưng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần có cơ chế xây dựng lòng tin với ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, nhà phân phối và với khách hàng.

 Trong chuỗi liên kết này, sự tham gia của các ngân hàng đóng vai trò quyết định đối với dự phục hồi niềm tin của khách hàng, bởi chỉ có ngân hàng mới nắm rõ được sức khoẻ doanh nghiệp bất động sản để quyết định có nên cho vay hay không và người mua nhà cũng có thể nhìn vào động thái của ngân hàng để xem xét khả năng hoàn thành dự án của chủ đầu tư.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, cũng cho rằng, việc SHB tin tưởng và đồng hành cùng Tân Hoàng Minh không những là sự hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho khách hàng mà còn tạo niềm tin vững chắc cho người mua nhà vào dự án bởi chỉ có ngân hàng mới biết thực lực và triển vọng dự án thế nào khi họ quyết định bắt tay với chủ đầu tư.