Ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao

Theo TBKTSG

Mặc dù năm 2011 được dự báo sẽ không dễ dàng, nhất là khi các chính sách vĩ mô tiếp tục khó dự đoán, các ngân hàng vẫn đặt ra những chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá cao cho năm nay.

Mặc dù các chỉ tiêu tăng trưởng cần phải có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông sắp tới, nhưng đa số các ngân hàng đều đã lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2011 từ 20% trở lên.

Ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho biết trong năm 2011 thấp nhất thì ngân hàng ông cũng phải tăng lợi nhuận lên gấp 2 lần so với năm 2010, tương đương mức tăng vốn điều lệ của ngân hàng này vào cuối năm ngoái. Trong năm 2010, vốn điều lệ của Việt Á tăng từ 1.632 tỉ đồng lên gần 3.000 tỉ đồng.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác thì cho biết hầu hết các ngân hàng cổ phần đều bị áp lực về lợi nhuận với cổ đông, cho nên dù biết năm 2011 không dễ dàng nhưng ngân hàng của ông vẫn muốn đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận không dưới 40% so với năm 2010. Vị này giải thích do quy mô của ngân hàng còn nhỏ nên dù con số tăng trưởng là cao nhưng số tuyệt đối thì không lớn, thêm vào đó nhiều đơn vị của ngân hàng hiện chưa hoạt động hiệu quả nên vẫn còn dư địa để phát triển trong năm nay.

Đạt lợi nhuận khá trong năm 2010 với 2.378 tỉ đồng, tăng đến 55% so với năm 2009, năm 2011 Eximbank cũng mong muốn đạt tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận thấp nhất là 26%. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết năm 2011 thấp nhất thì ngân hàng cũng phải đạt lợi nhuận trước thuế là 3.000 tỉ đồng, tuy nhiên con số cụ thể sẽ được quyết định trong đại hội cổ đông sắp tới.

Bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB), thừa nhận rằng những năm gần đây có nhiều biến động khách quan khó lường, ngay cả năm 2010 cũng ít người nghĩ là khó khăn đến thế, nên ngân hàng sẽ có sự thận trọng khi xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cho năm 2011.

"Với riêng hoạt động ngân hàng, điểm được chú ý và có ảnh hưởng lớn là việc áp dụng các quy định pháp lý mới, được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn như các quy định của Thông tư 13 rất an toàn và chặt chẽ. Chính vì thế mà các ngân hàng phải vận động như thế nào để vừa đáp ứng những chuẩn mực của Ngân hàng Nhà nước, vừa có tốc độ tăng trưởng theo kỳ vọng là khá khó khăn", bà Nga nói.

Bà Nga cho biết các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2011 đều phải được đại hội cổ đông thông qua nhưng định hướng chung của ngân hàng là đặt tốc độ tăng trưởng cho các chỉ tiêu là từ 30-40% so với năm 2010. Trong năm 2010, mặc dù đặt kế hoạch 1.700 tỉ đồng nhưng MB lại đạt lợi nhuận trước thuế là 2.100 tỉ đồng.

Mặc dù các ngân hàng đều cho rằng năm 2010 là năm khó khăn, nhưng hầu hết đều đạt lợi nhuận cao. Như Ngân hàng ACB có lợi nhuận trước thuế là 3.100 tỉ đồng, tăng 9% so với 2009; Techcombank đạt 2.750 tỉ đồng, tăng 21%; Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) đạt 1.706 tỉ đồng, tăng 151%; An Bình đạt 638 tỉ đồng, tăng 55%, và VPBank đạt 700 tỉ đồng, tăng 100%.

Đáng chú ý là hai ngân hàng quốc doanh vừa cổ phần hóa là Vietcombank và VietinBank lại đạt lợi nhuận cao trong năm 2010. Vietcombank đạt lợi nhuận 5.425 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2009 và VietinBank đạt 4.500 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng đến 26% so với năm trước đó.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết đa số các ngân hàng đạt lợi nhuận cao đều là những ngân hàng lớn nắm giữ nhiều giấy tờ có giá. Năm vừa qua, có thời điểm các ngân hàng khó khăn về thanh khoản, lúc đó những ngân hàng nào có nhiều giấy tờ có giá đem cầm cố vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất cực thấp, sau đó đem cho các ngân hàng khác vay lại hoặc cho vay ra ngoài với lãi suất cao hơn nhiều là đã thu được khoản lời lớn.

Điều này cũng được thừa nhận bởi lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội, khi vị này cho rằng bình thường hoạt động nguồn vốn (điều phối, kinh doanh vốn của ngân hàng) chỉ chiếm 15% trong cơ cấu lợi nhuận nhưng năm 2010 thì mảng kinh doanh này đóng góp đến 30% lợi nhuận của ngân hàng ông.