Ngân hàng "dè sẻn" cổ tức

Theo stockbiz.vn

(Tài chính) Cổ tức năm 2013 của nhiều ngân hàng được dự đoán sẽ không cao, có thể trả bằng cả tiền mặt và cổ phiếu phát hành thêm. Lợi nhuận vẫn ở mức khiêm tốn, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, cần nguồn tăng vốn... khiến ngân hàng phải cân nhắc, "dè sẻn" hơn trong việc chia cổ tức.

 Ngân hàng "dè sẻn" cổ tức
Cổ tức năm 2013 của nhiều ngân hàng được dự đoán sẽ không cao. Nguồn: internet

Mùa đại hội cổ đông năm 2014 đã bắt đầu nhưng lác đác mới chỉ có vài ngân hàng công bố phương án trả cổ tức năm 2013 với tỷ lệ từ 12 - 16%. Nguồn tiền nào để trả cổ tức cho cổ đông đang là bài toán khó với các lãnh đạo nhà băng...

Nghèo tiền, "xông xênh" cổ phiếu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Sacombank đạt hơn 2.229 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Lợi nhuận khả quan hơn là một trong nhiều lý do khiến ngân hàng này quyết định chi tăng cổ tức năm 2013 từ 8% lên 16%. Trước đó, cuối năm 2013, Sacombank đã chi hơn 914 tỷ đồng để tạm ứng 8% cổ tức cho cổ đông. Phần còn lại có thể sẽ chia bằng cổ phiếu phát hành thêm theo phương án trả cổ tức được phê duyệt tại Đại hội cổ đông ngày 25/3.

Trong vòng 3 năm gần đây, Sacombank chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức thấp, từ 6 - 8%. Phương án phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức được thực hiện, nhằm giảm bớt áp lực tài chính trước mắt, tăng quyền lợi cho cổ đông... Đơn cử, tháng 6/2013, Sacombank đã phát hành hơn 136,35 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.363,5 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 14%. Đợt phát hành thêm cổ phiếu trả 8% cổ tức sắp tới cũng phục vụ việc tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng.

Năm 2012, Vietinbank "chi đậm" - gần 4.200 tỷ đồng để trả cổ tức ở mức cao (16%). Tuy nhiên, cổ tức năm 2013 dự kiến chỉ khoảng 10% và có thể tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu do tình hình kinh doanh của ngân hàng này vẫn khó khăn.

Trong khi đó, "ông lớn" Vietcombank có khả năng sẽ trả cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu, dù năm trước đã chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, mới chỉ một vài nhà băng dự kiến mức chia cổ tức năm 2013, nhưng phải chờ đại hội cổ đông sắp tới thông qua. Song, chắc chắn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được nhiều ngân hàng áp dụng giữa lúc nguồn vốn khó khăn, lợi nhuận giảm sút, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro…, mà kế hoạch tăng vốn điều lệ vẫn còn dang dở, chưa có điều kiện thực hiện.

Đơn cử như trường hợp Eximbank, Đại hội cổ đông năm ngoái đã quyết định sẽ chia cổ tức năm 2013 ở mức 12%, trong đó 6,12% trả bằng cổ phiếu và 5,88% bằng tiền mặt. Theo kế hoạch, Eximbank sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 756 tỷ đồng, nhằm phục vụ việc đầu tư mở rộng mạng lưới, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển công nghệ thông tin…

Sau 1 năm sáp nhập với Habubank, SHB đã có những kết quả khả quan hơn trong việc tăng trưởng tín dụng, giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu (mục tiêu nợ xấu dưới 5%). Trao đổi với báo chí hồi cuối năm 2013, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển dự kiến sẽ trả cổ tức ở mức 8%. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như Oceanbank, Techcombank, Maritimebank, VP Bank, MB… vẫn chưa công bố phương án trả cổ tức năm 2013.

Áp lực tăng vốn

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc các ngân hàng cắt giảm cổ tức, giảm tỷ lệ trả bằng tiền. Trong đó, chủ yếu do tín dụng tăng trưởng thấp, lợi nhuận giảm sút. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng năm 2013 đạt thấp hơn các năm trước. Chênh lệch thu nhập - chi phí luỹ kế 11 tháng năm 2013 của toàn hệ thống chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 29.900 tỷ đồng. Kết quả này có phần "đuối" hơn so với các năm trước (bằng khoảng 53,4% cùng kỳ năm 2011 và 64,4% cùng kỳ năm 2010).

Thứ hai, ghi nhận từ báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, năm 2013, nợ xấu đã tăng mạnh khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Mà nguồn dự phòng này chủ yếu "cấu" từ lợi nhuận kinh doanh. Mặc dù các ngân hàng vẫn làm ăn có lãi, đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, song lãnh đạo không dám mạnh tay chi cổ tức như trước bởi "có trăm thứ phải cần đến tiền". Vì vậy, chính sách "dè sẻn" cổ tức được áp dụng phổ biến, như: cắt giảm tỷ lệ, chia nhỏ để trả bằng tiền và cổ phiếu… nhằm giảm khó khăn tài chính với ngân hàng. Các cổ đông cũng không quá thiệt thòi khi nhận thêm cổ phiếu, có thể chuyển nhượng và mức thuế suất khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là 5%.

Theo các chuyên gia tài chính, lợi ích lớn nhất của phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là ngân hàng có thể giữ lại một phần vốn (đáng lẽ phải trả cổ tức) để tăng vốn điều lệ hoặc phục vụ đầu tư khác. Thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ, như: SCB, Eximbank, Bắc Á, Oceanbank, Sacombank… song thực hiện rất khó khăn.

Ngay cả phương án tăng vốn từ nguồn thặng dư, phát hành cổ phiếu thưởng, chi trả cổ tức… cũng không dễ thực hiện do lợi nhuận èo uột, sụt giảm mạnh. Dẫn chứng là Eximbank đã thất bại trong kế hoạch tăng vốn thêm 756 tỷ đồng do lợi nhuận chỉ bằng 30% chỉ tiêu đề ra. Do đó, áp lực tăng vốn điều lệ của ngân hàng trong năm 2014 sẽ vẫn là thách thức lớn.