Ngân hàng Hợp tác xã tạo sinh khí mới cho thị trường tài chính nông thôn

Theo daibieunhandan

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định cho phép thành lập Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo đề nghị của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Nhưng cũng có băn khoăn việc chuyển đổi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương sang mô hình ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng của Quỹ? Hoạt động theo mô hình ngân hàng mà có lợi nhuận sẽ tác động thế nào đến các thành viên của Quỹ? Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Ngân hàng Hợp tác xã sẽ giúp tạo sinh khí mới cho thị trường tài chính nông thôn; và cùng các tổ chức tài chính vi mô sẽ đáp ứng vốn vay nhanh, nhiều hơn cho khu vực này.

Ngân hàng Hợp tác xã tạo sinh khí mới cho thị trường tài chính nông thôn
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Nguồn: cdcmgroup.net

PV: Thưa ông, mô hình quỹ tín dụng nhân dân và mô hình ngân hàng có những điểm khác biệt nào?

Chủ tịch Cao Sỹ Kiêm: Hai tổ chức này đều hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Trong các hoạt động đều phải bảo đảm nguyên tắc an toàn, phục vụ đối tượng được quy định. Tuy nhiên, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thành lập tự nguyện, tự chịu trách nhiệm. Còn Ngân hàng Hợp tác xã có chức năng giống ngân hàng khác, kinh doanh tiền tệ tín dụng, cung cấp các dịch vụ ngân hàng.

Điểm khác biệt của ngân hàng này so với các tổ chức tín dụng khác là hoạt động không mang mục đích lợi nhuận, mà chủ yếu phục vụ khu vực nông thôn, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên.

Nhưng về nguyên tắc đã là ngân hàng thì phải có lãi. Vậy việc chuyển đổi sang mô hình này liệu có khiến những ưu điểm của Quỹ tín dụng nhân dân sẽ bị giảm đi hay không?

Những ưu điểm của Quỹ tín dụng nhân dân sẽ không bị mất đi, mà còn có thêm một số ưu điểm khác bởi sẽ được mở rộng ra các nghiệp vụ ngân hàng, khắc phục tồn tại của quỹ tín dụng trước đây. Hơn nữa, hiện nay ngân hàng này còn được mở rộng phục vụ các đối tượng ở nông thôn, đặc biệt là những đối tượng thành viên của các tổ chức tín dụng. Do đó, các ưu đãi cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các thành phần khác, đối với quỹ tín dụng thì vẫn còn nguyên khi chuyển thành Ngân hàng Hợp tác xã. Và cũng không thể có tình trạng vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương sẽ cho đối tượng bên ngoài vay. Bởi quy định về chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng này trọng tâm chủ yếu phục vụ các thành viên gồm các quỹ tín dụng cơ sở và thành viên của quỹ tín dụng cơ sở. Và khi điều kiện cho phép, tức vốn đáp ứng đầy đủ các thành viên rồi, thì mới có thể huy động và cho vay bên ngoài. Tức là phải ưu tiên thành viên trước.

Trên cả nước hiện có trên dưới 100 tổ chức tín dụng và được cho là nhiều so với quy mô của nền kinh tế. Trong điều kiện như vậy, việc thành lập thêm ngân hàng nữa có thực sự cần thiết hay không?

Hệ thống ngân hàng tại nước ta dù phát triển nhanh, có nhiều đơn vị được thành lập, nhưng chỉ mới tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Thời gian đầu khi mới hình thành nhiều ngân hàng thì có mở rộng ra khu vực nông thôn, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với hàng nghìn điểm giao dịch. Nhưng sau đó ngân hàng này cơ cấu lại và rút về các chi nhánh trực thuộc, nên địa bàn nông thôn bị co lại. Còn các ngân hàng khác cũng có hoạt động ở khu vực nông thôn nhưng chỉ đáp ứng một số đối tượng khách hàng phù hợp. Hiện chưa có nhiều ngân hàng trực tiếp cho cơ sở, cho hộ nông dân và các thành viên với tính chất cho vay nhỏ lẻ, các món tiêu dùng sản xuất mang cấp độ hộ nông dân.

Trên cả nước hiện có 12.000 xã, phường, nhưng chỉ có hơn 1.000 quỹ tín dụng cơ sở, và mới đáp ứng được khoảng 10% số xã, mà lại không đều ở các địa phương. Những địa phương là vùng đồng bằng, thành phố thì tập trung nhiều quỹ tín dụng cơ sở. Còn những khu vực sâu xa hơn thì chưa có quỹ tín dụng. Cả nước mới chỉ có 43/63 tỉnh có quỹ tín dụng.

Do đó, lỗ hổng lớn nhất chính là ngân hàng phục vụ cho khu vực nông thôn. Và cơ sở thích hợp nhất, phục vụ tốt nhất chính là các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, vì họ nắm rất sát hoạt động của nông thôn, từng hộ gia đình, kể cả nguồn thu chi, khả năng trả nợ, rồi các hoạt động nào giúp thu hồi vốn nhanh nhất. Vì thế, việc thành lập Ngân hàng Hợp tác xã không phải là thừa, mà là hợp lý, phục vụ các hộ nông dân, hộ dân nông thôn đang cần vốn.

Thưa ông, vì sao vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã chỉ 3.000 tỷ đồng, mức tối thiểu của một ngân hàng hiện nay, trong khi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được cho là có nguồn lực dồi dào?

Hiện nay, khả năng tài chính của các quỹ tín dụng nhân dân các địa phương cũng chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu vốn của nông dân. Huy động và cho vay của các quỹ vẫn phải có sự tiếp sức của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Do đó, không phải Quỹ tín dụng nhân dân thừa vốn nên mới chuyển thành ngân hàng.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu rất cần của khu vực nông thôn nói riêng, cũng như nhu cầu của nền kinh tế nói chung. Mức vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng của ngân hàng bao gồm cả đóng góp của các quỹ tín dụng địa phương và hỗ trợ của Nhà nước. Tất nhiên, để đáp ứng được cho tất cả các địa bàn và mục tiêu phát triển thì cần vốn lớn hơn nhiều. Tôi tin vốn hoạt động của Ngân hàng này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo ông, việc hình thành Ngân hàng hợp tác xã liệu có giúp thị trường tín dụng khu vực nông thôn thêm nhộn nhịp hơn không khi ở nhiều địa phương quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động hiệu quả? 

Chắc chắn là như vậy, vì hiện chúng ta mới có hơn 1.000 quỹ tín dụng, và khoảng 70% hoạt động rất tốt, còn 30% vẫn còn khó khăn. Ngân hàng Hợp tác xã được thành lập sẽ tạo sự liên kết hệ thống tốt hơn, điều hòa vốn giữa các quỹ tín dụng nhân dân tốt hơn, và bảo đảm hỗ trợ của Trung ương với quỹ tín dụng kịp thời hơn, cũng như khả năng về phát triển công nghệ - dịch vụ mới của ngân hàng. Ngân hàng này cũng bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn. Đồng thời, Ngân hàng này cũng có khả năng liên kết với các đối tác tài chính khác, nên có thể sẽ giúp tạo sinh khí mới cho thị trường tài chính nông thôn. Ngân hàng này cùng với các tổ chức tài chính vi mô sẽ đáp ứng nhanh và nhiều hơn cho nhu cầu vốn khu vực nông thôn.

Vậy khi chuyển đổi từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương sang hoạt động theo mô hình Ngân hàng Hợp tác xã, thì Quỹ tín dụng nhân dân ở các địa phương sẽ được hưởng lợi và có rủi ro nào?

Hoạt động Ngân hàng có những rủi ro về pháp lý, chất lượng dịch vụ và đội ngũ nhân viên của ngân hàng có tốt không. Về quỹ tín dụng thì các yếu tố này cũng có mặt tích cực, có mặt chưa tích cực. Nhưng nếu qua thực tế những quỹ tín dụng đã hoạt động có nợ xấu thấp hơn bình quân so với các ngân hàng khác. Điều đó chứng tỏ chất lượng hoạt động của họ chỉn chu hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Khả năng rủi ro ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, Ngân hàng và hệ thống cũng chỉ có mức độ. Do đó, việc lo rủi ro là cần thiết, nhưng không quá lo lắng. Trong khi đó việc chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng Hợp tác xã thì các điều kiện hoạt động tốt hơn, về vốn, về tính hệ thống, về công nghệ, nhân sự, kiểm soát… thì mặt tích cực sẽ được phát huy, còn các tổn hại sẽ được hạn chế.

Xin cám ơn ông!

 Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được chuyển đổi từ Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, thực hiện các nghiệp vụ như những ngân hàng thương mại khác. Cụ thể là mở tài khoản tiền gửi cho các thành viên là Quỹ tín dụng nhân dân; nhận tiền gửi, cho vay điều hòa vốn đối với các Quỹ thành viên; xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của Quỹ thành viên đáp ứng nhu cầu của các thành viên Quỹ tín dụng nhân dân và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán và các loại tiền gửi khác của các tổ chức và cá nhân; cho vay đối với khách hàng không phải là Quỹ tín dụng nhân dân thành viên...