Ngân hàng hy sinh lợi nhuận cho dự phòng rủi ro nợ xấu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Trước bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu tăng buộc các nhà băng ưu tiên trích lập dự phòng đầy đủ, kể cả khi đã bán nợ xấu cho VAMC. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận khó có thể đảm bảo, nhưng được xem là giải pháp xử lý nợ xấu tốt nhất lúc này.

Ngân hàng hy sinh lợi nhuận cho dự phòng rủi ro nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lấy lợi nhuận bù đắp dự phòng

Báo cáo tài chính quý III/2014 của các ngân hàng đưa ra, doanh thu và lợi nhuận giảm nhiều do phải trích lập dự phòng lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng tăng bán hơn 95.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC tính đến cuối năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hiện vẫn ở mức cao và rủi ro vẫn tiềm ẩn cho hệ thống.

Để giúp các NHTM “có thì giờ” tổ chức việc xử lý nợ và giúp các doanh nghiệp mang nợ xấu có thời gian phục hồi, NHNN cho phép các NHTM được phép đảo nợ, hay còn gọi là tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư 09 ra đời và áp dụng ngày 1/6/2014, các ngân hàng chỉ được phép đảo nợ một lần duy nhất. Thực tế, đảo nợ cũng không giúp cải thiện vấn đề nợ xấu được bao nhiêu và cách xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn là trích dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC.

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, chủ trương đưa ra của SCB không phải là lợi nhuận, mà là gia tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Dự phòng rủi ro của SCB đến cuối năm 2014 là 1.400 tỷ đồng.

Đến nay, SCB đã bán cho VAMC 11.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng nợ xấu thực xử lý vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, ông Văn cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu kể từ năm 2015. Năm qua, SCB đã xử lý được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu và năm 2015 trong danh mục đăng ký xử lý nợ xấu là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Văn, các khoản nợ xấu của SCB bán cho VAMC chủ yếu là có tài sản đảm bảo là bất động sản. Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc ở phân khúc nhà ở, cùng với chính sách cho người nước ngoài được mua nhà và dòng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng gia tăng, sẽ là cơ hội cho bất động sản hút vốn. Điều này cũng được SCB kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu khi bất động sản ấm dần.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, lợi nhuận Eximbank trong năm nay đạt không dưới 2.000 tỷ đồng trước dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, do nợ xấu của nhà băng này có xu hướng tăng, dù tín dụng đến gần cuối năm vẫn chưa thoát tình trạng âm, nên Eximbank đã ưu tiên trích dự phòng. Lợi nhuận năm 2014 của Eximbank được dự báo sẽ khó tránh tình trạng âm, vì Ngân hàng dành hết lợi nhuận để trích khoản dự phòng tương đối lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng đã trích năm 2014 lên đến 7.000 tỷ đồng.

Nợ xấu vẫn là áp lực của ngành ngân hàng trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Bởi nếu sau 5 năm, kể từ khi VAMC thành lập, nếu các ngân hàng không xử lý được nợ xấu thì VAMC sẽ trả lại khoản nợ này cho ngân hàng. Lúc này, khó khăn của các ngân hàng sẽ được bộc lộ. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, việc trích lập dự phòng của các ngân hàng hiện nay được xem là một trong những giải pháp tích cực. 

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 của NamA Bank đều hoàn thành. Tuy nhiên, thành công lớn nhất đối với Ngân hàng chính kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1,5% và dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng nợ xấu. Theo đánh giá của ông Vũ, hoạt động của ngân hàng trong năm 2015 sẽ bớt khó hơn so với 2014, bởi chu kỳ khó khăn của thị trường đã đi qua. Nhưng để đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 2015 cũng phải cân nhắc kỹ.

Các ngân hàng cho rằng, trước đây, khi biên lợi nhuận còn cao thì việc đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận nhiều, cổ đông kỳ vọng cổ tức 14 - 15% là có thể, nhưng với tình hình hiện nay khó có được. 

2015, chờ đầu ra cho nợ xấu?

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng không nên kỳ vọng nhiều vào VAMC, VAMC chỉ là “bãi đỗ” cho nợ xấu, vì thế, mặc dù các NHTM đã bán nhiều nợ xấu, nhưng nợ xấu vẫn là mối lo lớn. Bán nợ xấu cho VAMC, ngân hàng vẫn phải trích dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại. Thế nhưng, theo quan điểm của ông Võ Tấn Hoàng Văn, dù có VAMC hay không, các ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng đầy đủ cho nợ xấu.

“Thời gian qua, VAMC được xem là công cụ hữu hiệu làm sạch bản cân đối kế toán cho các ngân hàng, giúp ngân hàng giảm áp lực nợ xấu”, ông Văn nói. Trên thực tế, chỉ trong hơn 1 năm, VAMC đã mua được gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu và đây được xem là giải pháp giúp các ngân hàng chuyển được nợ xấu qua VAMC.

Với khối lượng nợ xấu khá lớn này, các nhà băng cũng kỳ vọng thời gian tới, dù muốn hay không thì VAMC cũng phải tìm đầu ra cho nợ xấu. Đầu ra này không phải từ chủ quan của VAMC, mà chính do thị trường chi phối. Bởi các khoản nợ xấu của VAMC mua lại từ ngân hàng chủ yếu là khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt.

Chính các dự báo về sự khởi sắc dần của nền kinh tế, chủ trương của Nhà nước ngày càng tháo gỡ cho thị trường bất động sản, mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào bất động sản trong thời gian tới sẽ là điều kiện tốt để VAMC có thể giải quyết được đầu ra của nợ xấu. Theo các chuyên gia ngân hàng, năm 2015 sẽ là cơ hội cho VAMC giải quyết đầu ra. Từ đó, VAMC sẽ có thêm điều kiện để mua nợ xấu mới.