Ngân hàng không còn phải xếp hàng bán nợ xấu cho VAMC

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Không còn phải đăng ký để được bán các khoản nợ xấu cho VAMC như trước, mà theo lãnh đạo các nhà băng, việc này hiện nay đã được giao chỉ thị và ẩn định sẵn chỉ tiêu. Vì thế, việc bán nợ xấu của các NHTM cũng sẽ quyết liệt trong 6 tháng đầu năm.

Ngân hàng không còn phải xếp hàng bán nợ xấu cho VAMC
Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Thống đốc về các giải pháp, lộ trình xử lý nợ xấu, nhằm thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% đến cuối năm 2015. Nguồn: internet

Dồn dập bán nợ xấu

Ngay sau khi VAMC được chấp thuận cho phát hành trái phiếu đặc biệt tối đa 80.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn yêu cầu các NHTM tích cực triển khai bán nợ cho VAMC. Nội dung văn bản này chưa được NHNN công bố, nhưng theo thông tin từ một số NHTM, nội dung là cụ thể hóa yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Thống đốc về các giải pháp, lộ trình xử lý nợ xấu, nhằm thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% đến cuối năm 2015.

Mục tiêu của VAMC là, đến 30/6/2015, các TCTD phải bán được tối thiểu 75% số lượng nợ xấu theo chỉ tiêu được giao và đến 30/9/2015 phải bán hết 100%. Vì thế, lãnh đạo các NHTM cho biết, việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ được đẩy nhanh hơn so với thời gian trước và được thực hiện ngày từ đầu năm 2015.

Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh tại cuộc họp với các NHTM trên địa bàn TP. HCM chiều ngày 13/3, các NHTM phải nhanh chóng rà soát các khoản nợ xấu để bán cho VAMC theo chỉ tiêu trong thời gian sớm nhất và kết thúc bán nợ vào tháng 9.

Đại diện một ngân hàng cho biết, sau cuộc họp này, Ngân hàng đã triệu tập cuộc họp với Ban lãnh đạo để tiến hành rà soát khoản nợ xấu phải bán trong năm nay theo chỉ tiêu đã được ấn định. Tuy nhiên, do nợ xấu của nhà băng này năm qua được kiểm soát dưới 2% nên tổng nợ xấu phải bán cho VAMC chỉ khoảng 200 - 300 tỷ đồng so với mức năm ngoái là 200 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Eximbank ông Phạm Hữu Phú cho biết, Ngân hàng cũng đang tiến hành rà soát bán khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, tương đương với số nợ xấu đã bán trong năm 2014. Theo ông Phú, do khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động ngân hàng khó tránh nợ xấu và Eximbank cũng không ngoại lệ. Vì thế, chi phí dự phòng của nhà băng này đã “ngốn” hết lợi nhuận năm qua khi chỉ còn lại 58 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau trích dự phòng.

“Eximbank sẽ rà soát các khoản nợ xấu và sớm tiến hành bán nợ cho VAMC trong 2 quý đầu năm, nhằm làm sạch bản cân đối kế toán”, ông Phú cho biết.

Năm 2014, Sacombank đã bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và tiếp tục rà soát bán nợ theo chỉ tiêu được giao trong năm nay vào khoảng vài trăm tỷ đồng, dù nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm 2014 theo báo cáo tài chính đã được kiểm soát ở mức hơn 1%.

Lãnh đạo OCB cũng cho hay, con số nợ xấu mà Ngân hàng sẽ bán cho VAMC trong năm nay vào khoảng vài trăm tỷ đồng. Tổng số nợ xấu OCB đã bán cho VAMC khoảng 1.000 tỷ đồng. Nợ xấu của nhà băng này đến cuối năm 2014 là 2,85%.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cũng cho biết, khoản nợ xấu mà Ngân hàng sẽ bán cho VAMC trong năm nay không đáng kể, khoảng hơn 100 tỷ đồng, khi nợ xấu đã được kiểm soát dưới 2% thời điểm cuối năm 2014.

Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng mà số nợ xấu sẽ phải bán cho VAMC khá lớn. Chẳng hạn DongA Bank, trong năm qua tổng lượng nợ xấu đã bán cho VMAC không thấp hơn 2.000 tỷ đồng và kế hoạch bán tiếp trong năm nay cũng tương đương.

Đối với các NHTM, mốc hẹn 30/6/2015 đã gần kề, nên phải chuẩn bị ngay từ thời điểm này để có thể hoàn tất việc bán nợ xấu cho VAMC kịp tiến độ. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải chủ động, tích cực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp thu hồi nợ, phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp, nhận tài sản đảm bảo thay thế cho nghĩa vụ trả nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Nợ xấu xử lý bằng các biện pháp này được trừ vào số nợ ấn định bán cho VAMC.

Sau hơn 1 năm hoạt động, tính đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được gần 121.000 tỷ đồng nợ gốc của 39 TCTD và thu hồi được hơn 4.100 tỷ đồng.

Nhưng phải quyết liệt xử lý nợ

Theo lãnh đạo VAMC, mục tiêu trọng tâm của tổ chức này trong năm 2015 là phối hợp với các TCTD thực hiện chỉ đạo của NHNN, quyết liệt thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%.

Giá mua của VAMC thường thấp hơn giá trị thật khoản nợ. Do đó, tổng số nợ các ngân hàng bán cho VAMC ít nhất phải bằng giá trị trái phiếu phát hành. Thời hạn trái phiếu đặc biệt tối đa 5 năm. VAMC quyết định cụ thể thời hạn đối với từng trái phiếu đặc biệt phù hợp với từng khoản nợ xấu được mua và thỏa thuận mua bán, xử lý nợ xấu giữa VAMC với các TCTD. NHNN yêu cầu, sau khi mua nợ xấu của TCTD, VAMC cần phối hợp chặt chẽ với TCTD bán nợ khẩn trương triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng vay và xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.

Nỗ lực là vậy, song các ngân hàng cũng thừa nhận rằng, giải pháp trên chưa đạt được kết quả mong muốn, nếu không nói là chưa ngân hàng nào nhận được khoản tái cấp vốn từ VAMC. Trên tinh thần đó, ngoài việc tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, ngay từ đầu năm 2015, các ngân hàng đã đưa ra rất nhiều phương án để tự xử lý những khoản nợ xấu hiện hữu. Vì bán nợ xấu cho VAMC không phải đã trút được gánh nặng, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về các nhà băng, cho dù đã trích 20% dự phòng mỗi năm.

Tại DongA Bank, năm qua đã bán khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nhưng lãnh đạo nhà băng này cho biết, Ngân hàng đã ra sức thu hồi nợ bằng tiền mặt, phát mãi tài sản… nhưng xem ra chỉ có trích lập dự phòng rủi ro.

SCB đã bán nợ xấu cho VAMC trên 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng này thực hiện phân nợ thành 3 loại gồm: nợ bán, nợ tái cơ cấu và nợ kiện ra tòa. Trong số nợ bán được, SCB mới chỉ thu được vài trăm tỷ đồng tiền mặt. Phần lớn nợ xấu tại SCB rơi vào mục tái cơ cấu và kiện ra tòa. Lợi thế của SCB là tất cả các khoản nợ đều là tài sản đảm bảo và bằng bất động sản. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, việc xử lý tài sản không dễ, trong khi thị trường bất động sản cũng chưa thực sự khởi sắc.

Vì thế, giải pháp để xử lý tốt nhất với các ngân hàng là lấy lợi nhuận để bù đắp, nên chi phí dự phòng tăng, “ăn” mòn lợi nhuận. Cụ thể, trong năm 2014, DongA Bank đã dành nguồn lớn để trích dự phòng rủi ro, với hơn 500 tỷ đồng. VIB trích gần 1.200 tỷ đồng để dự phòng rủi ro; VPBank trích gần 1.000 tỷ đồng.

“Số nợ xấu bán cho VAMC càng nhiều, mức trích lập dự phòng rủi ro càng lớn và kéo dài trong 5 năm. Sau thời gian này, nếu khoản nợ đó chưa được xử lý, ngân hàng sẽ phải nhận lại nợ”, Tổng giám đốc một ngân hàng nói đồng thời kiến nghị, NHNN nên xem xét để giảm áp lực dự phòng rủi ro xuống 10% cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.

Đánh giá về mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% của NHNN vào cuối năm nay, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, là có thể kỳ vọng đạt được khi NHNN quyết liệt trong việc đẩy mạnh sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém và hối thúc các NHTM bán nợ xấu cho VAMC để làm “sạch” bảng cân đối kế toán trước mắt. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, điều đó không có nghĩa nợ xấu của các NHTM được xóa sạch, mà cần quyết liệt thu hồi nợ, trích dự phòng rủi ro.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia trong ngành khi cho rằng, sẽ không quá khó khăn khi đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%, nhưng quan trọng là VAMC sau khi mua phải có đầu ra cho nợ xấu. Vì thế, cần phải có thị trường mua - bán nợ.