Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ lĩnh án phạt kỷ lục vì thao túng thị trường
Để khép lại vụ điều tra về hành vi thao túng thị trường đối với hợp đồng tương lai kim loại và trái phiếu kho bạc, tập đoàn tài chính J.P.Morgan sẽ phải trả khoản tiền phạt xấp xỉ 1 tỷ USD.
Hiện, mức tiền phạt cụ thể đang trong quá trình hoàn tất và sẽ sớm được công bố trong tuần này. Thỏa thuận sẽ khép lại các cáo buộc mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cũng như Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) nhắm vào J.P.Morgan, và sẽ không kéo theo bất kỳ giới hạn nào trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.
Theo Bloomberg, mức phạt xấp xỉ 1 tỷ USD vừa nêu là con số kỷ lục dành cho hành vi tạo ra giao dịch giả mạo nhằm mục đích đẩy giá hợp đồng giao dịch hàng hóa kỳ hạn và trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao của J.P.Morgan, còn gọi là "spoofing".
Một cách khái quát, spoofing là hành vi người giao dịch (trader) tạo "cơn sốt" giả trên thị trường bằng cách đặt một khối lượng lớn lệnh mua (dù không có chủ đích mua thực sự) rồi sau đó nhanh chóng thoát lệnh, để khiến giá mặt hàng dịch chuyển theo hướng có lợi cho vị thế thị trường của mình.
Theo CNBC, hành vi này đã bị cấm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và từ đó đến nay đã trở thành một trong những mối quan tâm đặc biệt của các công tố viên cũng như cơ quan quản lý. Luật Dodd - Frank năm 2010 của Mỹ cũng cấm spoofing.
Dù việc đặt lệnh và sau đó hủy lệnh đặt hàng không phải là bất hợp pháp, nhưng nó sẽ trở thành bất hợp pháp nếu là một phần trong chiến lược nhằm lừa gạt những trader khác.
Theo Reuters, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã nhắm vào spoofing, bằng cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu tinh vi để phát hiện ra những hành vi sai trái tiềm ẩn mà vốn trước đây không thể phát hiện được. Tính trong giai đoạn 2008 - 2016, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội 6 trader của J.P.Morgan vì có hành vi thao túng hợp đồng kim loại tương lai.
Còn lần này, bản cáo trạng lần đầu được công bố vào tháng 9/2019, với 14 tội danh nhắm vào 3 nhân viên đương nhiệm hoặc đã từng làm việc tại J.P.Morgan. Theo đó, bản cáo trạng này cáo buộc nhiều trader, cùng với 8 đồng phạm giấu tên làm việc tại các văn phòng J.P. Morgan Chase ở New York, London và Singapore, tham gia vào một âm mưu gian lận liên quan tới kế hoạch nhiều năm nhằm thao túng thị trường kim loại quý và lừa đảo khách hàng.
Được biết, Michael Nowak - cựu Giám đốc, trưởng bộ phận kim loại quý toàn cầu của tập đoàn, cùng với Gregg Smith và Christopher Jordan - hai Giám đốc Điều hành và là trader trong lĩnh vực kim loại quý cũng có tên trong cáo trạng. Đáng chú ý, trong khi những người khác đã hợp tác với chính quyền trong công tác điều tra, Nowak cùng một số khác không nhận tội và bác bỏ mọi cáo buộc.
Các công tố viên khi đó cho rằng, 3 quản lý nói trên đã thực hiện "hành vi lừa đảo và thao túng thị trường trên diện rộng" khi làm việc tại J.P.Morgan. Cụ thể, theo công tố viên, từ tháng 5/2008 - 8/2016, các cá nhân này cùng với những kẻ đồng lõa đã đặt lệnh giao dịch giả với số lượng "khổng lồ", rồi nhanh chóng hủy trước khi các lệnh này được thực hiện (spoofing), khiến các nhà đầu tư khác lầm tưởng về thanh khoản cũng như biến động thị trường và rơi vào bẫy.
Ba người này còn bị báo cuộc lừa đảo khách hàng mua hợp đồng quyền chọn (options) tại J.P.Morgan, bằng cách giao dịch hợp đồng tương lai với kim loại "theo hướng đẩy giá về ngưỡng có lợi cho ngân hàng" và gây thiệt hại cho khách hàng.
Hiện, chưa rõ J.P.Morgan có phải đối mặt với bất kỳ án phạt bổ sung nào từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hay không, khi các vụ việc liên quan đến spoofing trước đây đã được giải quyết mà không có ngân hàng hoặc công ty thương mại nào bị truy tố hình sự.