Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản

Theo Bùi Trang/thitruongtaichinhtiente.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Công văn số 482/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng , chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, căn cứ diễn biến của thị trường BĐS và tình hình tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS trong thời gian gần đây, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện một số nội dung:

Thứ nhất, các TCTD quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022; các công văn về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các nội dung chỉ đạo về tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp.

Thận trọng trong xem xét quyết định cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng BĐS tại các địa bàn xảy ra tình trạng sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao...

Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường BĐS; các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến kinh doanh BĐS, đảm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác định giá tài sản bảo đảm đối với các tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đặc biệt tại các địa phương, khu vực có hiện tượng sốt đất, thổi giá, trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm; tăng cường quản lý rủi ro đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm liên quan đến BĐS (bao gồm cả quyền phát sinh từ hợp đồng mua bán BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai...), tài sản là cổ phiếu, trái phiếu do các công ty kinh doanh BĐS phát hành.

Thứ năm, thường xuyên rà soát đánh giá hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng, trong đó đặc biệt lưu ý các khách hàng có dư nợ lớn, các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các TCTD cần bám sát tiến độ xây dựng các dự án được tài trợ vốn, đặc biệt là việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng mua bán đối với người mua nhà; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của khách hàng; phát hành, theo dõi cam kết bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định; giải thích rõ về quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng là chủ đầu tư, người mua nhà trong việc phối hợp với ngân hàng thực hiện bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai, tránh tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

Thứ sáu, thực hiện đúng quy định của NHNN về hệ số rủi ro, tỷ lệ đảm bảo an toàn đối với các khoản cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS; thường xuyên cập nhật quy định mới của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS, tăng cường phân tích, dự báo cung cầu thị trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.