Ngân hàng nội đã sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ngân hàng Việt Nam đã chủ động nâng cấp, trang bị “hành trang” phù hợp với thông lệ quốc tế để lấp đầy “khoảng trống” với ngân hàng ngoại và sẵn sàng nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, nhất là các hiệp định CPTPP, EVFTA... đã ký kết thì cam kết về mở cửa đối với lĩnh vực ngân hàng hầu như chưa có gì đáng kể. Tuy vậy, phản ứng các ngân hàng thương mại là rất đáng kể do đã cảm nhận được sức ép cạnh tranh trong tương lai.

Quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng

Có thể thấy, chưa bao giờ hoạt động trên hệ thống ngân hàng lại diễn ra sôi động đến thế. Hàng loạt các hoạt động như tăng vốn điều lệ, tìm kiếm và hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh số hoá ngân hàng… đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong đó, phải kể đến cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh về vốn đã đưa tới thực tế là trong tổng số hơn 28 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, thì có đến 10 nhà băng có quy mô vốn trên 15.000 tỷ đồng.

Đứng đầu là BIDV với hơn 40.220 tỷ đồng sau khi hoàn tất bán vốn cho KEB Hana Bank hồi tháng 10 năm ngoái. Hai "ông lớn" VietinBank và Vietcombank lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với mức vốn trên 37.000 tỷ đồng.

Xếp ngay sau là Techcombank và Agribank (số liệu đến cuối tháng 6/2019) với vốn điều lệ lần lượt là hơn 35.001 tỷ đồng và 30.372 tỷ đồng. Đáng chú ý, Techcombank cũng là ngân hàng tư nhân duy nhất sở hữu vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng vốn điều lệ của 5 ngân hàng top đầu đã chiếm gần 44% trong tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng được khảo sát.

Ngoài ra, những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất còn có sự góp mặt của các nhà băng như VPBank (25.299 tỷ đồng), MBBank (24.370 tỷ đồng), Sacombank (18.852 tỷ đồng), ACB (16.627 tỷ đồng) và SHB (15.231 tỷ đồng).

Ngoài ra, các ngân hàng nhỏ cũng đã nâng quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Có thể kể đến như PGBank (3.000 tỷ), Saigonbank (3.080 tỷ), VietCapital Bank (3.171 tỷ), Kienlongbank (3.236 tỷ) hay Viet A Bank (3.499 tỷ)...

Đáng nói, không dừng lại ở đó các ngân hàng liên tiếp đặt mục tiêu tăng vốn. Như trường hợp NCB cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên hơn 7.101 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 73% trong năm 2020. Hay như TPBank tại đại hội cổ đông ngày 27/5/2020 cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 20% lên 10.200 tỷ đồng…

Số hoá để nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trong vòng 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng châu Âu (EU) mua đến 49% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại Việt Nam (hiện nay tối đa là 30%), ngoại trừ 4 ngân hàng có vốn Nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Trong ngắn hạn, quy định này dự báo tác động không nhiều đến dòng vốn của EU vào thị trường ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng đang "khát vốn chủ sở hữu", đáp ứng chuẩn Basel 2.

“Khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ hiện đại cũng như các sản phẩm tài chính - ngân hàng hiện đại”, ông Lực cho hay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải nhà băng nào cũng dễ dàng “hút” vốn ngoại, để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài đi cùng với nâng cao năng lực tài chính, các ngân hàng nội cần số hoá, phát triển các dịch vụ tiên tiến đáp ứng nhu cầu khác hàng.

Thực tế, năm nay dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, nhưng từ đầu năm đến nay hàng loạt nhà băng đã cho ra mắt các phiên bản mới về ngân hàng số và điều này sẽ kéo theo sự thay đổi về cấu trúc hoạt động của họ.

Đơn cử, SeABank vừa chính thức ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, LienVietPostBank vừa ra mắt mắt ứng dụng ngân hàng số LienViet24h, BIDV tung ra chiến dịch: “BIDV Digi Up - Thay đổi đổi để dẫn đầu”, Vietcombank ra mắt dịch vụ VCB Digibank…

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, số hoá ngân hàng không chỉ để “ghi điểm” với nhà đầu tư nước ngoài, mà là cách để ngân hàng Việt nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với tiến trình mở cửa thị trường ngân hàng theo cam kết, ngày càng có nhiều ngân hàng nước ngoài có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, được phép hoạt động tại Việt Nam. Các ngân hàng này có một số lợi thế nổi trội so với ngân hàng Việt. Đa dạng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp sẽ lôi kéo một lượng khách hàng lớn, các doanh nghiệp, cá nhân trong nước.

"Vì vậy, các ngân hàng trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng những trải nghiệm tốt, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nếu không có thể bị mất thị phần ngay trên sân nhà", ông Hiếu nói.