Ngân hàng săn mua công ty tài chính
(Tài chính) Sau vụ HDBank mua lại Công ty tài chính (CTTC) Việt Société Générale (SGVF), đã lộ diện thêm 5 ngân hàng khác có ý định tương tự. Câu hỏi đặt ra, mua để "lách" trần lãi suất?
Thêm 5 ngân hàng có nhu cầu mua
Trong vòng vài tháng trở lại đây, có thêm ít nhất 5 ngân hàng xem xét mua CTTC. Trong đó, có 2 ngân hàng thuộc nhóm Nhà nước sở hữu chi phối và 2 ngân hàng cổ phần đều xem xét hồ sơ mua lại cùng một CTTC (1 ngân hàng đã làm việc với hãng kiểm toán để định giá công ty này).
Một ngân hàng còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ mua lại một CTTC khác và hồ sơ này đã được trình lên cơ quan chức năng xin phê duyệt.
Trước đó, hồi tháng 8, HDBank thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương mua lại CTTC Việt Société Générale (SGVF).
Nhu cầu mua lại CTTC của một số ngân hàng trở nên rõ ràng từ giữa năm nay, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu áp lực phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có một loạt CTTC là công ty con của các tổ chức này. Trong khi đó, nhiều ngân hàng có nguồn vốn nhàn rỗi, đủ tiềm lực tài chính để mua lại một phần hoặc toàn bộ các CTTC.
Bên cạnh một số ngân hàng không hoàn toàn cần mua lại CTTC, mà chỉ mới cân nhắc lời chào mua từ các đối tác là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thì đa số ngân hàng thực sự có nhu cầu mua lại các công ty này.
“Ngân hàng chỉ chờ được cơ quan quản lý chấp thuận là hoàn tất thương vụ. Các lãnh đạo ngân hàng thực sự mong muốn sớm mua lại CTTC”, một nguồn tin cho biết.
Mục tiêu đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
Theo một số nguồn tin, ngân hàng mua lại CTTC nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng - loại tín dụng đặc thù có lãi suất cho vay cao, vượt xa lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng, nhưng kèm với đó là rủi ro cũng cao và cần có cơ chế quản lý riêng.
Nguồn tin tại một ngân hàng đang xem xét mua lại CTTC chia sẻ, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Ngân hàng hiện nay không khác gì hoạt động tín dụng tiêu dùng do các CTTC đang triển khai trên thị trường. Lãi suất các khoản cho vay để mua xe máy hay các khoản tiêu dùng nhỏ khác lên tới 30%/năm, thậm chí một số khoản vay ngắn hạn có lãi suất 40 - 50%/năm.
“Những con số lãi suất này về bản chất không có gì sai luật và hoàn toàn giống với hoạt động cho vay của các CTTC, nhưng lại khó có thể công bố công khai trên biểu phí lãi suất của ngân hàng, hay quảng cáo rầm rộ trong các chiến dịch quảng bá, vì sẽ gây ra những hiểu lầm không đáng có đối với hoạt động chung của ngân hàng”, nguồn tin nói.
Hoạt động tín dụng tiêu dùng với lãi suất cho vay lên tới hàng chục phần trăm được cho là đang đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng trong bối cảnh khối doanh nghiệp (DN) đình trệ sản xuất và lãi suất cho vay đối với khối này giảm xuống mức thấp. Tại một số ngân hàng, việc đẩy mạnh tín dụng cá nhân, cụ thể là tín dụng tiêu dùng cá nhân đã trở thành một chiến lược kinh doanh từ cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, theo nguồn tin trên, do cơ quan quản lý thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, thậm chí áp trần cho vay với một số lĩnh vực khuyến khích, nên việc để chung hoạt động tín dụng tiêu dùng với hoạt động tín dụng khác có thể gây phản cảm đối với hình ảnh chung của ngân hàng. Bản thân hoạt động tín dụng tiêu dùng, do đó, cũng khó có thể thực hiện các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, nên cũng không phát huy được hiệu quả tối đa.
Mục đích đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng có thể đúng với các ngân hàng khác cũng đang mua lại CTTC, bởi thực tế, những ngân hàng kể trên đa phần là ngân hàng bán lẻ.
HDBank trong thông cáo báo chí về việc sẽ mua lại 100% vốn của SGVF cho biết, SGVF đã phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, cho vay trả góp với hơn hơn 125.000 khách hàng cá nhân thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ tại các cửa hàng xe máy và điện máy trên cả nước. Việc mua lại CTTC này sẽ giúp HDBank mang lại cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn và tiện lợi.
Một số ý kiến cho rằng, các ngân hàng có thể mua CTTC để đẩy một vài thương vụ đầu tư sang các công ty con. Bởi lẽ, ngoài chức năng cho vay, CTTC còn được phép thực hiện một số hoạt động khác như góp vốn, mua cổ phần của các DN và các tổ chức tín dụng khác, đầu tư cho các dự án theo hợp đồng và cả làm đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá cho các DN.