Ngân hàng Thế giới bắt tay cải cách

Theo anninhthudo.vn

(Tài chính) Ngân hàng Thế giới (WB) đang tiến hành cuộc cải cách khá sâu rộng không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động hàng trăm triệu USD mỗi năm mà còn tăng hiệu quả của hoạt động trợ giúp xoá đói giảm nghèo và phát triển trên toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới bắt tay cải cách
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng định chế này phải cải cách để hiệu quả và tiết kiệm hơn. Nguồn: internet
Thông tin ngày 8/10 từ WB cho biết, thể chế tài chính này đã đặt mục tiêu tiến hành cải cách mạnh phương thức hoạt động của định chế tài chính lớn nhất thế giới trợ giúp các nỗ lực chống đói nghèo trên toàn cầu trong 3 năm tới đây. Theo WB, nếu mục tiêu này đạt được đúng như kế hoạch sẽ giúp thể chế này tiết kiệm được tổng cộng 400 triệu USD, tức hơn 130 triệu USD/năm.

Với số tiền hơn 130 triệu USD tiết kiệm được mỗi năm, WB có thể tái đầu tư nhằm giúp Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD thuộc WB) huy động thêm được 1 tỷ USD hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo trên khắp thế giới. Hiện tại ngân sách cho hoạt động của WB và 5 chi nhánh, trong đó có IBRD, là khoảng 500 tỷ USD/năm với lực lượng nhân viên khoảng 10.000 người tại 120 quốc gia. 

Trong khi đó trong chiến lược dài hạn của mình, WB đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đói nghèo cùng cực trên toàn cầu và tăng thu nhập cho những người nghèo nhất thế giới, hiện chiếm khoảng 40% dân số thế giới. Theo các nhà hoạch định chính sách của WB, để làm được điều này, thể chế tài chính này cần thay đổi phương thức hoạt động theo hướng cho vay có chọn lọc hơn với tiêu chí cốt yếu là hiệu quả của dự án, tập trung vào các nước kém phát triển. 

Việc đặt ra các mục tiêu cải cách trên nằm trong nỗ lực cải cách sâu rộng hoạt động của WB sau khi ông Jim Yong Kim ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch thể chế tài chính này tháng 7/2012. Ông Jim Yong Kim từng nhấn mạnh rằng WB cần có kế hoạch cải cách sâu rộng để thể chế tài chính này hoạt động hiệu quả hơn trong nỗ lực chấm dứt nạn đói nghèo trên toàn cầu. 

WB phải cải cách thay đổi chiến lược hoạt động sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến cho nguồn ngân sách ngày càng eo hẹp hơn trong khi cuộc cạnh tranh trong việc tìm kiếm các nguồn quỹ phát triển cũng dần trở nên gay gắt. WB thừa nhận chỉ còn nguồn lực rất hạn chế trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển, nơi chỉ riêng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đã cần số tiền đầu tư lên tới hơn 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. 

Chính vì thế, WB phải thay đổi chiến lược hoạt động theo hướng cho vay có chọn lọc hơn, chủ yếu tập trung vào các nước kém phát triển, khu vực Nam Sahara, Đông Nam Á và một số khu vực khác chịu tác động lớn từ tình trạng đói nghèo. 

Bên cạnh đó, WB không chỉ chú trọng tới số tiền tài trợ cho các quốc gia mà nhấn mạnh tới việc thực hiện hiệu quả các dự án tài trợ. Định chế tài chính này đang dần chuyển đổi mô hình hoạt động từ hỗ trợ phát triển thành một ngân hàng “giải pháp” để không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà cả những kiến thức và kinh nghiệm đối phó với những thách thức phát triển chung như y tế, giáo dục, môi trường, biến đổi khí hậu...