Ngân sách chỉ nên đóng vai trò bà đỡ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Để giải bài toán thiếu vốn đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư thì phải dùng cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Ngân sách chỉ nên đóng vai trò “bà đỡ”. Đây là ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên.

 Ngân sách chỉ nên đóng vai trò bà đỡ  - Ảnh 1
Ông Phùng Quốc Hiển
Phóng viên: Thưa ông, trong phiên chất vấn mới đây, có ý kiến của một vị trưởng ngành cho rằng cần có sự hỗ trợ thêm từ ngân sách cho các dự án công nghiệp cơ khí, hỗ trợ. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường, tức là làm ra những gì đáp ứng yêu cầu của thị trường, đáp ứng quan hệ cung cầu. Còn về hỗ trợ như ý kiến trên thì chúng ta đã dành một phần ngân sách để hỗ trợ, nhưng chủ yếu là tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư như hạ tầng cho khu công nghiệp, mặt bằng.

Chúng ta cũng có những đầu tư cho khoa học công nghệ với rất nhiều Viện về khoa học công nghệ, chiếm khoảng 2% ngân sách hàng năm. Bên cạnh đó, cũng có những khuyến khích cho khu công nghệ cao như miễn giảm thuế, thực ra đó cũng coi là tiền ngân sách bỏ ra.

Vừa qua, trong bố trí chi ngân sách, chúng ta đã tính toán đến việc tạo điều kiện cho khoa học công nghệ, những lĩnh vực chúng ta có thể đi tắt đón đầu, và quan trọng nhất là phải tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay như công nghiệp hỗ trợ, quan trọng là chúng ta nên làm gì, nếu làm ra mà đắt hơn thì nên mua chứ không nên làm.

Chúng ta vẫn hỗ trợ cho những lĩnh vực đầu tư cần có bước tiến tiên phong, nhưng chỉ nên là “bà đỡ”, còn cứ tiếp tục theo đuổi bao bọc thì không ngân sách nào đảm bảo được

Tuy nhiên, tất cả những yếu tố hỗ trợ chỉ nên đóng vai trò là “bà đỡ”, không thể theo tư duy theo kiểu nếu có ngân sách thì mới làm.

Một bất cập lớn trong vốn đầu tư hiện nay là gần như chỉ trông hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, ông đánh giá thế nào về điều này?

Đúng như vậy. Theo tôi, nếu ngân sách đầu tư thì chỉ nên đầu tư vào hàng hóa công cộng, đó là một nguyên lý cần tuân thủ. Ngân sách không thể đầu tư vào các hàng hóa khác, nhất là hàng hóa để cung cấp cho thị trường.

Quan trọng nhất như tôi đã nói là phải luôn giữ được nguyên tắc kinh tế thị trường và ngân sách chỉ là hỗ trợ ban đầu.

Chúng ta cũng không thể duy trì những công trình, nhà máy mà sản xuất ra những sản phẩm không thể tham gia vào thị trường.

Những năm gần đây, một vấn đề thường được nêu ra là chi đầu tư chưa đạt yêu cầu. Với việc ngành nào, lĩnh vực nào cũng muốn được ngân sách hỗ trợ như vậy thì phải chăng cũng là một nguyên nhân khiến chi đầu tư càng thêm khó khăn?

Đó chính là một vấn đề đang đặt ra với chúng ta. Vì chúng ta lúc nào cũng có tư duy muốn ngân sách hỗ trợ. Mặc dù đúng là có những lĩnh vực phải có ngân sách hỗ trợ, ví dụ như nghiên cứu khoa học công nghệ, công nghệ quốc phòng… để tạo bước đột phá ban đầu. Nhưng nếu chúng ta cứ không giải quyết bằng cơ chế thị trường, không qua quan hệ cung cầu, thì không thể nào tồn tại lâu dài được.

Chính vì vậy, vẫn phải khẳng định một điều là ngân sách chỉ có thể đầu tư vào những lĩnh vực hàng hóa công cộng mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia. Đó là nguyên tắc chung của thế giới. Chúng ta vẫn hỗ trợ cho những lĩnh vực đầu tư cần có bước tiến tiên phong, nhưng chỉ nên là “bà đỡ”, còn cứ tiếp tục theo đuổi bao bọc mãi thì không ngân sách nào có thể đảm bảo được.

Hiện nay chúng ta đang phát triển với tốc độ có thể nói là khá cao, được xác định là thị trường mới nổi tiềm năng, vậy điểm yếu gì khiến chúng ta chưa huy động được vốn xã hội vào trong đầu tư và đâu là giải pháp cho vấn đề này ?

Có nhiều nguyên nhân phải tính đến. Thứ nhất, như tôi đã nói, đầu tư từ ngân sách chỉ nên vào những lĩnh vực các thành phần kinh tế không tham gia. Với những lĩnh vực như giáo dục, y tế, có lẽ đầu tư của chúng ta quá rộng. Về y tế, giáo dục, nếu cần thiết chúng ta nên đầu tư ở mức nào đó vào nhân tố nòng cốt, còn lại những khu vực, địa bàn thuận lợi hơn có thể nhường cho các thành phần kinh tế khác đầu tư, như trường tư thục, bệnh viện tư nhân… với cơ chế bình đẳng để tạo điều kiện cho xã hội hóa đầu tư tốt hơn.

Thứ hai, phải thực hiện theo cơ chế thị trường, ví dụ như viện phí, học phí. Như chúng ta hiện nay, học phí, viện phí thu về không phải là giá dịch vụ, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra thì chúng ra khó có thể xã hội hoá được.

Chính vì vậy, ví dụ với y tế, trước tiên phải thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, sau đó tính toán đầy đủ giá dịch vụ y tế, từng bước nhường dư địa ở những nơi có kinh tế phát triển để cho các thành phần kinh tế khác họ tham gia. Còn lại chúng ta tập trung đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, trạm y tế tuyến dưới.

Ở các tuyến trung ương thì đầu tư bệnh viện nòng cốt, có tính hướng dẫn. Đây là một ví dụ tôi nêu ra để thấy rằng khi tạo ra sự bình đẳng trong đầu tư thì chắc chắn xã hội hóa đầu tư sẽ thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn ông !