Ngành da giày và dệt may cần chủ động nắm bắt cơ hội do Hiệp định TPP mang lại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Cập nhật tình hình Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương - Những yêu cầu từ ngành dệt may, da giày và nông sản” cho thấy, TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức với các ngành kinh tế của nước ta khi tham gia, đặc biệt là đối với ngành dệt may, da giày và nông sản.

Ngành da giày và dệt may cần chủ động nắm bắt cơ hội do Hiệp định TPP mang lại
TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức đối với ngành dệt may, da giày và nông sản của Việt Nam. Nguồn: internet
Hiệp định TPP là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ở ven 2 bờ Thái Bình dương, mục tiêu tiến tới loại bỏ từ 90% trở lên các rào cản về thuế quan cho hàng hóa, dịch vụ của đối tác tham gia hiệp định. Mặc dù phiên đàm phán TPP thứ 18 vừa qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, một số nội dung vẫn cần có sự nỗ lực hơn nữa. Các nhà đàm phán đang bước vào giai đoạn đàm phán then chốt với nhiều vấn đề khó và nhạy cảm hơn. Và Việt Nam kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP nhưng không ít khó khăn đang chờ đợi ở phía trước.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Diệp Thành Kiệt, TPP sẽ mang lại môi trường kinh doanh minh bạch hơn, nhưng thách thức là khả năng hưởng được lợi thế, nắm bắt cơ hội và nội lực của doanh nghiệp có đủ thích nghi với môi trường mới hay không. Riêng đối với lĩnh vực thị trường mở như xuất khẩu ngành dệt may, da giày thì lại phụ thuộc vào Hiệp định TPP khá lớn và đây cũng là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Theo ông Kiệt, năm 2012, Việt Nam xuất khẩu dệt may đạt 17,2 tỷ USD; riêng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật là 9,5 tỷ USD. Xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 8,7 tỷ USD thì đã có 3,6 tỷ USD xuất khẩu vào Mỹ, Nhật, chiếm 41%. Như vậy, có thể thấy sự lệ thuộc của chúng ta vào thị trường TPP là rất lớn. Thách thức lớn nhất đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam làm sao để hưởng các lợi thế từ TPP. Hiện trong ngành da giày, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu mặc dù chỉ chiếm trên 20% lượng DN. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả Mỹ, đã và đang xúc tiến các dự án đầu tư sản xuất sợi, vải, phụ liệu chuẩn bị cho TPP. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, chúng ta không lo thiếu nguyên phụ liệu làm hàng xuất vào TPP để hưởng thuế suất bằng 0 nhưng vấn đề doanh nghiệp và nhà nước hưởng được lợi gì trong đó.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày cho rằng, họ sẽ gặp nhiều thách thức khi hiệp định này có hiệu lực. Khó khăn lớn nhất là nguồn nguyên liệu nội địa cung cấp cho dệt may, nhất là mặt hàng sợi chưa đáp ứng được mà phải nhập khẩu. Vì nguyên liệu bông trong nước hiện nay chỉ cung cấp được từ 1 - 3% cho sản xuất sợi. Còn nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20 - 25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) Lê Quang Hùng cho biết, giai đoạn 2015 - 2016, một số hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để chọn lựa những sân chơi phù hợp với tiềm lực của chính mình. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các hiệp định thương mại không chỉ hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường mà còn tạo ra thời cơ để doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường, khách hàng, chọn lựa đối tác thì các ngành hàng cũng đối mặt với những thách thức như sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung ứng nguyên vật liệu, lao động… Do đó cần đầu tư vào hệ thống máy móc, nâng cao công suất, đội ngũ quản lý, kỹ năng thao tác sản xuất.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, hiện nay, thương mại toàn cầu đã chuyển từ giai đoạn tự do hóa thương mại sang thuận lợi hóa thương mại. Trong đó, giá trị thương mại dựa trên những yếu tố như giá trị gia tăng; sự đan xen và khó tách biệt của công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp để tạo khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển vốn vẫn chiếm ưu thế hơn dịch vụ hàng hóa theo hướng từ thị trường này chiếm lĩnh thị trường khác... Theo Bà Phạm Chi Lan, với TPP, câu hỏi lớn nhất là chúng ta sẽ có được kết quả như Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ năm 2002 hay kết quả với WTO năm 2007 không? Cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành. Khi đó, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì không chỉ tự do hóa hàng hóa, dịch vụ mà còn cả vốn, lao động có kỹ năng.  Vì vậy, để góp phần tạo cú hích cho nền kinh tế đất nước khi Hiệp định TPP được ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp với tình hình mới.