Ngành Hải quan đẩy mạnh chống buôn lậu tại cửa khẩu
Càng về cuối năm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn toàn quốc càng có dấu hiệu “nóng” hơn và có diễn biến phức tạp. Trước diễn biến phức tạp này, ngành Hải quan có Văn bản số 4325, chỉ đạo các Cục Hải quan trên toàn quốc, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp ứng phó, áp dụng linh hoạt tại từng đơn vị, tới từng địa bàn, nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình, hạn chế buôn lậu và chống gian lận thương mại.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 11 năm nay, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý trên tổng số 1.880 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính gần 20 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy tuyến đường bộ, đường biển và đường biên giới dịp cuối năm, Ngành Hải quan chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương chủ động phối hợp với các ngành chức năng, xây dựng các phương án trọng tâm, trọng điểm đấu tranh chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được coi là một trong những địa bàn trọng điểm của công tác chống buôn lậu gian lận thương mại. Những điểm đen về buôn lậu thường rất phức tạp như: khu vực đường biên 2 bên cánh gà cửa khẩu Bắc Luân, Ka Long, các bến tự phát khu vực đường biên Vàng Lầy, dọc sông biên giới từ km số 1 đến km sốë 3 cùng khu vực Lục Lầm. Tại những khu vực này, các tổ, đội công tác của lực lượng Hải quan thường xuyên tuần tra, quản lý kiểm soát chặt chẽ ngăn chặn, bắt giữ kịp thời những hành vi vận chuyển hàng trái phép, không để tái diễn các điểm nóng về buôn lậu. Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái Nguyễn Văn Bắc cho biết, chi cục đã phối hợp tốt với các ngành chức năng liên quan, tập trung các biện pháp đồng bộ thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, trong đó tập trung vào các mặt hàng cấm như pháo nổ, vũ khí, ma túy, tăng cường các biện pháp xây dựng cơ sở bí mật, công tác thanh tra không để xảy ra như là đầu nậu, địa bàn nóng.
Để có hàng hóa cung cấp cho dịp Tết, ngay từ thời điểm này, dân buôn lậu đã chủ động nhập hàng về để tích trữ, đặc biệt là các loại hàng hóa tiêu dùng như: quần áo, cốc chén, bát đĩa, nồi cơm điện, giày dép, thực phẩm… Thủ đoạn của dân buôn lậu càng ngày càng tinh vi hơn, thường xé lẻ hàng hóa rồi khoán trắng cho người vận chuyển qua đường mòn, đường tắt, sau đó vận chuyển vào nội địa với đủ các loại phương tiện như xe đạp, xe máy, ô tô. Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết: để kiểm soát tình trạng buôn lậu trong dịp nhạy cảm này, lực lượng hải quan sẽ tập trung đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng hợp lý, chuẩn bị phương tiện, các thiết bị, công cụ hỗ trợ, ưu tiên tăng cường lực lượng cho các địa bàn trọng điểm.
Hiện còn quá nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó có những rào cản từ cơ chế, chính sách. Theo quy định của Chính phủ, lực lượng hải quan chỉ được phép hoạt động tại khu vực cửa khẩu và hai bên cánh gà, trong khi đó, tuyến biên giới có chiều dài hàng trăm kilômet, với địa hình hiểm trở, chia cắt tạo điều kiện thuận lợi cho buôn lậu vận chuyển tránh né lực lượng chức năng. Nạn hàng lậu vẫn còn là do hàng nhập lậu với giá rẻ, mẫu mã đẹp nên có sức tiêu thụ mạnh đã kích thích các đầu nậu tìm mọi phương cách để nhập. Xét thấy, trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tình hình mua bán, vận chuyển hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu trái phép trên địa bàn sẽ phức tạp và tinh vi hơn. Vì vậy, theo Phó cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Tuấn, vấn đề mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quan trong phòng chống buôn lậu thì Nghị định 107 thực hiện Luật Hải quan năm 2005 sửa đổi cũng bắt đầu bộc lộ những bất cập. Vì vậy, cần thiết và cấp thiết phải thay đổi Nghị định 107 của Chính phủ, quy định phạm vi hoạt động của lực lượng hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.