Ngành Hải quan: Giải pháp gỡ vướng kiểm tra hàng hóa chuyên ngành

Theo mof.gov.vn

(Tài chính)Tổng cục Hải quan đã và đang có nhiều nỗ lực rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tham gia xuất nhập khẩu (XNK). Tổng cục Hải quan đã có phản hồi xung quanh một số ý kiến của doanh nghiệp (DN) cho rằng thủ tục xuất nhập khẩu còn phức tạp, khó khăn…

Ngành Hải quan: Giải pháp gỡ vướng kiểm tra hàng hóa chuyên ngành
Nếu giảm thời gian thông quan 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. Nguồn: internet

Xây dựng quy chế phối hợp kiểm tra chuyên ngành

Tại hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, bà Đặng Phương Dung-Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam có phản ánh trên báo chí: “Nếu giảm thời gian thông quan 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. Lợi ích đó đã được đo đếm, nhưng thực tế, ách tắc hàng hoá vẫn thường xảy ra và DN luôn phải chịu sức ép tứ bề vì thủ tục nhiêu khê…’’.

Về vấn đề này, Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan cho rằng, bà Dung đã nhận định chủ quan là mọi nguyên nhân dẫn đến  chậm thông quan hàng hóa là do cơ quan hải quan gây ra, sản phẩm sợi nhập khẩu hải quan vẫn phải yêu cầu kiểm tra nguồn gốc thực vật, chỉ cần giải quyết tất cả vướng mắc những năm trước đây là được rồi mà không cần đưa thêm kiến nghị mới…

Theo Cục Giám sát quản lý, nguyên nhân của vướng mắc trên xuất phát từ quy định của Bộ kiểm tra chuyên ngành, không phải thủ tục hải quan quy định. Đối với mặt hàng bông nhập khẩu: thuộc diện phải kiểm dịch thực vật theo Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT. Đối với mặt hàng sợi nhập khẩu: không thuộc diện phải kiểm dịch thực vật (như bà Dung đề cập) nhưng phải kiểm tra hóa chất tồn dư theo quy định tại Thông tư số 32/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Về ý kiến của ông Tiến - Công ty cổ phần Tiếp vận và Ngoại thương Việt) phản ảnh hồ sơ khai báo hóa chất phức tạp (có 13 loại hồ sơ), gây khó khăn cho DN.

Theo Cục Giám sát quản lý, đây là nhận xét chưa thấu đáo của DN. Thủ tục nhập khẩu hóa chất được quy định tại Nghị định số 108/2008/NĐ-CP và Nghị định 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ và do Bộ Công Thương chủ trì, không phải là thủ tục hải quan quy định.

Hóa chất nhập khẩu DN phải khai báo theo quy định, đối với mặt hàng phải có giấy phép thì DN còn phải làm thủ tục để được cấp phép với Bộ Công Thương trước khi nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan đã có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định quy định về nhập khẩu hóa chất, trong đó có đề nghị đơn giản bớt thủ tục khai báo hóa chất như hiện nay.

Cũng tại hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, đại diện một số DN nêu ý kiến, DN nhập khẩu hàng hóa ngoài việc phải khai báo và làm thủ tục hải quan, còn phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành và cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra hàng hóa đến khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu nhập khẩu mới được cơ quan hải quan thông quan. Gây mất nhiều thời gian, chi phí của DN.

Về vấn đề này, cơ quan hải quan cho rằng, trong quá trình chờ kiểm tra hoặc chờ kết quả kiểm tra, DN đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định của Bộ Tài chính (hiện tại được quy định tại Điều 27 Thông tư 128/2013/TT-BTC), trong đó có quy định cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong giám sát hàng hóa nhập khẩu đưa về bảo quản chờ kết quả kiểm tra, tuy nhiên việc phối hợp không đạt hiệu quả, có một số cơ quan kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho DN khi xác nhận hàng hóa được đưa về địa điểm kiểm tra trong nội địa.

Đây là một vướng mắc phát sinh từ phía cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Đơn giản hóa thủ tục quản lý hàng hóa XNK

Để giải quyết vướng mắc chung về thủ tục quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan dự thảo “Đề án tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK tại cửa khẩu”, đồng thời dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK” nhằm mục tiêu chung là đơn giản thủ tục, thông quan nhanh hàng hóa. (trình Thủ tướng tháng 11/2014).

Tổng cục Hải quan đã dự thảo công văn gửi 11 Bộ, ngành liên quan để phối hợp triển khai một số giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, trong đó có các nội dung chính sau:

Rà soát, xây dựng và ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra trước khi thông quan. Trong đó hạn chế mặt hàng hóa đưa vào Danh mục để kiểm tra trọng tâm, trọng điểm có hiệu quả.

Xây dựng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan làm cơ sở cho cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra.

Rà soát để ban hành quy trình kiểm tra chuyên ngành thống nhất các nội dung sau: hồ sơ, thủ tục và trình tự đăng ký kiểm tra chuyên ngành; mẫu giấy đăng ký kiểm tra, giấy thông báo kết quả kiểm tra; biện pháp xử lý hàng hóa không đạt yêu cầu kiểm tra…; công bố Danh sách tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra chuyên ngành liên quan.

Nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa như

Trong thời gian tới hướng dẫn Luật Hải quan mới, Tổng cục Hải quan đang dự thảo thông tư trình Bộ Tài chính với định hướng phân loại hàng hóa để chủ động quản lý, giám sát hàng hóa đưa về bảo quản.

Đối với hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe con người, môi trường thì phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu;

Đối với hàng hóa không thể kiểm tra được tại cửa khẩu thì DN được đưa về địa điểm kiểm tra và tự bảo quản, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc bảo quản hàng hóa của DN;

Đối với hàng hóa khác, DN có yêu cầu đưa về bảo quản chờ kiểm tra chuyên ngành thì phải có địa điểm bảo quản hàng hóa đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan đến khi được thông quan./.