Ngành hàng không đối mặt nhiều thách thức


Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định những vấn đề về chuỗi cung ứng, vốn đang gây thách thức đối với ngành hàng không toàn cầu, có thể tiếp diễn thêm vài năm nữa. Tại châu Âu, hoạt động vận tải hàng không cũng bị đình trệ do chịu ảnh hưởng bởi các cuộc đình công của người lao động.

Khung cảnh vắng vẻ tại Sân bay quốc tế Munich (Đức) do nhân viên đình công. Ảnh: Bloomberg
Khung cảnh vắng vẻ tại Sân bay quốc tế Munich (Đức) do nhân viên đình công. Ảnh: Bloomberg

Tại Hội nghị Hàng không Changi nhân dịp Triển lãm Hàng không Singapore, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cho biết, ngành hàng không toàn cầu dự kiến tăng trưởng 3,3% mỗi năm trong 20 năm tới, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể dẫn đầu với mức tăng trưởng 4,5% mỗi năm. Tuy nhiên, các hãng chế tạo máy bay vẫn đang tìm cách ứng phó với tình trạng khủng hoảng chuỗi cung ứng. Hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu cho biết tình trạng thiếu nguồn cung linh kiện, thiết bị, chất bán dẫn, nhân công... vẫn tiếp diễn.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Christian Scherer, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh máy bay thương mại cốt lõi của Airbus cho biết, việc tăng cường sản xuất đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng ở khắp mọi nơi, đồng thời cho biết Airbus đang triển khai hàng chục chuyên gia về chuỗi cung ứng tập trung giải quyết thách thức nêu trên. Các vấn đề về sản xuất cũng cản trở nỗ lực đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không. Các hãng hàng không đang chật vật tìm phương án để có được nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Ngành vận tải hàng không thải ra khoảng từ 2-3% lượng khí thải CO2 toàn cầu, nhưng đây là một trong những ngành khó khử carbon nhất. Chi phí cho SAF cũng cao gấp từ 3 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Năm 2023, EU đã thông qua luật yêu cầu các hãng hàng không tăng dần việc sử dụng SAF để khử carbon trong ngành.

Sự cố gần đây của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) với dòng máy bay 737 MAX cũng làm đảo lộn kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2024 của ngành hàng không. Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã quyết định thay thế người đứng đầu chương trình 737 MAX. Thông báo này được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi xảy ra sự cố lớn khiến hơn 170 máy bay loại này bị đình chỉ hoạt động.

Tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng và các cuộc đình công của người lao động cũng dẫn tới sự gián đoạn hoạt động vận tải hàng không ở một số quốc gia. Tại Đức, người lao động trong lĩnh vực giao thông công cộng trên khắp đất nước đã tổ chức cuộc đình công khiến giao thông ở nhiều thành phố bị tê liệt. Ngày 1/2/2024, có tới 11 sân bay của nước Đức bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của nhân viên an ninh hàng không. Các cuộc đình công này nhằm hỗ trợ cho chuỗi các cuộc đàm phán về tiền lương diễn ra ở Đức. Lĩnh vực vận tải hàng không ở Phần Lan cũng bị đình trệ do các cuộc đình công quy mô lớn ở quốc gia Bắc Âu này. Nguyên nhân là do người lao động phản đối đề xuất của chính phủ về cải cách lao động, bao gồm cắt giảm trợ cấp và phúc lợi xã hội.

Lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2023 đã đạt 94% của mức hồi năm 2019, phản ánh sự phục hồi ngoạn mục sau đại dịch COVID-19. Theo IATA, hoạt động đi lại hàng không nội địa tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đầu sự phục hồi trong năm 2023. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của ngành hàng không cũng như ngành du lịch vẫn đối mặt những rủi ro địa chính trị. Tình hình xung đột tại Ukraine và Trung Ðông có thể khiến ngành hàng không chịu thiệt hại.

Với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không gia tăng, ngành hàng không được kỳ vọng chứng kiến sự khởi sắc trong năm 2024. Tuy nhiên, những sóng gió đang bủa vây hiện tại chắc chắn sẽ khiến hành trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của ngành này trở nên gập ghềnh hơn.

Theo nhandan.vn