Ngành Nông nghiệp: Chủ động ứng phó với các tình huống cấp bách
Trong tháng 5 và 6 tháng đầu năm 2016, thời tiết cực đoan trong nhiều thập kỷ mới xảy ra như rét, hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngành đã bám sát tình hình thực tế để có những biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại nhằm duy trì sản xuất, xuất khẩu trên các lĩnh vực.
Thiệt hại do thiên tai là 9.735 tỷ đồng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những tháng đầu năm 2016, ngành Nông nghiệp đã phải ứng phó với rất nhiều tình huống cấp bách về thiên tai, có thể nói là cực đoan trong nhiều thập kỷ mới có. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai những tháng đầu năm 2016 diễn biến bất thường và cực đoan gây hậu quả nặng nề.
Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã làm khoảng 288.259 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 249.944 ha lúa, 18.960 ha hoa màu, 30.522 ha cây ăn quả, 149.704 ha cây công nghiệp bị thiệt hại, sản lượng lúa giảm khoảng 844 nghìn tấn.
Tính đến ngày 20/5, ước khoảng 1.355 con gia súc gia cầm bị chết và hàng ngàn con khác đang thiếu nước uống; ước khoảng 6.857 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tính đến giữa tháng 5/2016, tổng thiệt hại trên phạm vi cả nước vào khoảng 9.735 tỷ đồng (thiệt hại do rét đậm, rét hại là 700 tỷ đồng, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn là 8.906 tỷ đồng, thiệt hại do dông, lốc, sét, mưa đá là 129 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhìn chung, sản xuất hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đều suy giảm nghiêm trọng về sản lượng và diện tích nuôi trồng. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân cả nước diện tích ước đạt 3,1 triệu ha, năng suất ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19,9 triệu tấn, giảm khoảng 844 nghìn tấn so với vụ Đông xuân trước.
Tương tự, ngành Thủy sản cũng đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết và môi trường; khi đã đủ điều kiện để nuôi thì nên thả giống lớn để tránh bị chết và đảm bảo thời vụ phù hợp.
Tổng cục Thủy sản đã cử đoàn công tác trực tiếp nằm tại ĐBSCL - mỗi tỉnh có 1 cán bộ nằm vùng trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế triển khai tốt các biện pháp cấp bách, chính sách hỗ trợ ứng phó với hải sản chết bất thường, nhanh chóng phục hồi hoạt động nuôi trồng thủy sản, đảm bảo tiêu thụ, sớm ổn định đời sống người dân.
Tính đến ngày 20/5/2016, lượng muối tồn trong diêm dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ước đạt 828.892 tấn, tăng 66% so với cùng kỳ 2015. Bộ đã có công văn số 4185/TTr-BNN-CB ngày 24/5/2016 trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ mua tạm trữ 200.000 tấn.
Trái với dư thừa về muối, tính đến ngày 15/5, đã có 37/41 nhà máy kết thúc vụ sản xuất 2015-2016, ép được 12,6 triệu tấn mía (giảm 1,6 triệu tấn), sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn đường (giảm 172.640 tấn). Lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 486.205 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 10.585 tấn.
Dự kiến vụ mía đường 2015 – 2016, sản lượng sẽ thấp hơn khoảng hơn 210 ngàn tấn so với vụ trước. Bộ đã thống nhất với Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu thêm 200 ngàn tấn, ngoài lượng nhập khẩu theo cam kết với WTO là 85 ngàn tấn nhằm bình ổn thị trường (văn bản số 212/BCT-XNK ngày 18/5/2016).
Tuy nhiên, cần cân nhắc thời điểm và điều hành việc nhập khẩu cho phù hợp để không ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân.
Khôi phục lại tốc độ tăng trưởng của ngành
Bộ trưởng Bộ Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Trong những tháng cuối năm 2016, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo, khắc phục hậu quả của thiên tai, khôi phục sản xuất; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Bộ và toàn ngành để xoay chuyển tình thế nhằm khôi phục lại tốc độ tăng trưởng của ngành như việc kịp thời nắm tình hình thị trường; đề xuất các giải pháp để giữ vững thị trường trong nước và xuất khẩu".
Theo đó, Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương triển khai sản xuất trên diện tích tối đa, đảm bảo đạt năng suất cao, đúng thời vụ; Đối với cây lâu năm, Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương để hướng dẫn nông dân khôi phục lại diện tích chết do hạn hán và dịch bệnh.
“Bây giờ là lúc chúng ta phải hướng dẫn cho dân rất kỹ để khôi phục lại các vườn cây lâu năm và hậu quả của nó sẽ kéo dài không chỉ có năm nay mà ít nhất 2 – 3 năm nữa. Trong những tháng tới, chúng ta phải tìm mọi cách để khôi phục lại, không chỉ cho năm nay mà cho những năm sau”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật theo dõi sát sao để kiểm soát dịch bệnh và đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trên rau, chè và hồ tiêu để củng cố và giữ niềm tin với nông sản của chúng ta ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với ngành chăn nuôi, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, “đây là ngành được đặt hy vọng kéo và bù lại tăng trưởng cho ngành trồng trọt và thời cơ của ngành chăn nuôi đang rất tốt. Hiện nay, dịch bệnh trong chăn nuôi đang được kiểm soát tốt trong khi thị trường tiêu thụ lợn, gà đang rất tốt, trừ vịt có giảm sút. Vì thế, chúng ta phải tận dụng thời cơ này để thúc đẩy sản xuất mạnh lên, nhưng phải chú ý làm một cách bền vững. Ngành chăn nuôi cũng cần tiếp tục giám sát việc sử dụng chất cấm, kháng sinh để duy trì kết quả đạt được và tiếp tục đẩy lùi, ngăn chặn việc lạm dụng trong sử dụng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã lập một tổ công tác trực tiếp nằm trong Nam bộ để theo dõi sát sao, chỉ đạo về mặt kỹ thuật để khôi phục nhanh việc nuôi tôm; đồng thời, cũng cần chỉ đạo để khôi phục sản xuất và nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh miền Trung để sớm ổn định dời sống ngư dân.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát lại và tổ chức sơ kết các đề án tái cơ cấu của các lĩnh vực; đồng thời chuẩn bị tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện tái cơ cấu toàn ngành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn.