Triển vọng ngành Nông nghiệp 2016:
Bức tranh với nhiều mảng xám
Theo dự báo của IPSARD, trong năm 2016, thị trường ngành Nông nghiệp năm 2016 đứng trước nhiều khó khăn như giá xuất khẩu thấp, bất lợi kép tỷ giá và sự chênh lệch giá thành, năng suất sẽ khiến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam yếu đi.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Triển vọng Ngành Nông nghiệp Việt Nam 2016, ngày 27/5/2016 do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức.
Áp lực "tứ bề"
Theo nhận định của Ban Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng (IPSARD), cán cân thương mại cả nước liên tục tăng từ năm 2009, trong khi đó cán cân thương mại ngành nông nghiệp liên tục giảm từ 2013. Không những vậy, năm 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thấp nhất trong 5 năm chủ yếu do giảm tăng trưởng sản lượng lương thực, cây công nghiệp hàng năm và thủy sản. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng tốt nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. Đặc biệt, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính tăng trở lại trong quý I/2016 nhưng tỷ trọng trong tổng xuất hàng hóa chính tiếp tục giảm.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng (IPSARD) cho biết, nhìn lại mấy năm gần đây cho thấy, giá nội địa nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong xu hướng giảm khiến giảm động lực sản xuất.
"Năm 2015, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực cũng giảm như: gạo, cà phê, cao su, thủy sản. Sang quý I/2016, dù một số mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng trở lại so với năm 2015 nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn suy giảm. Trong đó, xuất khẩu gạo, cà phê giảm trên các thị trường lớn và truyền thống; cao su và thủy sản cũng tương tự. Một số sản phẩm khác có tăng trưởng xuất khẩu (gỗ, hồ tiêu, hạt điều, rau quả) nhưng cũng không bù đắp được suy giảm trên", ông Kiên nói.
Không những vậy, hạn hán và xâm mặn đang gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2016, hạn hán và xâm mặn khiến sản lượng lúa đông xuân tại ĐBSCL giảm 1,13 triệu tấn; nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường 10-25km; sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%; một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém; năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.
Bức tranh thị trường ngành Nông nghiệp năm 2016 càng "ảm đảm" khi theo dự báo của IPSARD, trong năm 2016, giá xuất khẩu thấp, bất lợi kép tỷ giá và sự chênh lệch giá thành/năng suất sẽ khiến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam yếu đi.
"Trong năm 2016, nhiều mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục giảm sút như giá gạo giảm do nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể giảm 25% xuống còn 1 triệu tấn do El Nino gây hạn hán kéo dài; giá hồ tiêu có thể giảm do lượng tồn kho hồ tiêu còn lớn, sản xuất trong nước ồ ạt, có thể gây dư cung, giảm giá...", ông Kiên dẫn chứng.
Mở rộng thị trường
Trước thực trạng trên, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD, năm 2016, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nỗ lực khắc phục và chống lại tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, trong ngắn hạn, cần bám sát các dự báo về nhu cầu thị trường thế giới để điều chỉnh nguồn cung sản phẩm cho phù hợp.
Đặc biệt, ông Kiên cũng đề nghị: "Cần tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại như: Lúa gạo (Philippines, Indonesia); co su, rau quả, hạt điều (Trung Quốc); hồ tiêu, hạt điều (EU, Mỹ); gỗ và sản phẩm từ gỗ (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU); thủy sản (Mỹ). Đồng thời, cần mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng: Lúa gạo (thị trường châu Phi và EU); cà phê (Anh, Ba Lan, Séc, Hà Lan, Phần Lan, Bulgarie).
Ngoài ra, TS. Sergio René Araujo-Enciso của Tổ chức FAO tại Việt Nam cũng chia sẻ: "Trong ngắn hạn, Việt Nam nên chú ý lợi thế để phát triển trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, vải… Sản lượng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới và bị chi phối bởi nhu cầu tăng từ việc tăng thu nhập và dân số tại các nước đang phát triển. Đồng thời, cơ hội tăng giá trị xuất khẩu chè, cà phê và quả nhờ thương mại các sản phẩm chế biến từ chúng, mặc dù điều này bị hạn chế bởi rào cản thương mại và tiêu chuẩn chất lượng".
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh đàm phán, đấu tranh về các vấn đề rào cản kỹ thuật để đảm bảo tiêu chuẩn ở mức độ hợp lý, tạo điều kiện phát triển thương mại công bằng; tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia, chuỗi siêu thị lớn, hệ thống bán lẻ... giúp các sản phẩm nông sản "tự tin" gia nhập các hiệp định thương mại tự do.