Ngành quản lý quỹ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện tốt vai trò trong nền kinh tế

Theo Chứng khoán Việt Nam

Ông Sebastian Subba - Tổng giám đốc công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaWealth đã trả lời phóng viên về triển vọng ngành quỹ Việt Nam trong thời gian tới.

Xin ông cho biết một vài nhận định về thực trạng và triển vọng phát triển ngành Quỹ ở Việt Nam?

Việt Nam hiện có 47 Công ty quản lý quỹ (QLQ) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Các công ty QLQ có chức năng và nhiệm vụ chính là quản lý 23 Quỹ đầu tư chứng khoán, với tổng vốn điều lệ tại thời điểm phát hành khoảng 13.500 tỷ đồng.

Phần lớn các Quỹ đầu tư chứng khoán được thành lập dưới dạng quỹ thành viên và chỉ có 6 trong số đó là Quỹ đại chúng dạng đóng (dành cho nhà đầu tư cá nhân) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Trong năm 2012 - 2013, một số Quỹ thành viên đã giải thể, các Quỹ đại chúng đang hoàn tất thủ tục chuyển đổi sang mô hình Quỹ mở. Còn một số công ty QLQ có công ty mẹ là công ty Bảo hiểm và Ngân hàng mới có được nguồn tài sản ủy thác lớn. Điều đó cho thấy, việc huy động quỹ từ nhà đầu tư đại chúng đang là một thách thức rất lớn đối với công ty QLQ, đòi hỏi công ty QLQ phải có một hệ thống đối tác phân phối chứng chỉ quỹ mở một cách hiệu quả.

Mặt khác, vai trò của ngành Quản lý quỹ đối với thị trường vốn và thị trường tài chính ở Việt Nam chưa thực sự rõ nét trong thời gian vừa qua. Bản thân các công ty QLQ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Theo tôi, nguyên nhân khiến các công ty QLQ chưa thực sự phát triển chủ yếu là do: (i) Thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai cả về quy mô và chất lượng; (ii) Sản phẩm (quỹ) và dịch vụ còn nghèo nàn một phần do khung pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ; (iii) Nền tảng nhà đầu tư còn yếu kém, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn và thiếu vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư tổ chức, nên thị trường còn nhiều biến động, dễ tổn thương và phát triển không ổn định.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động của ngành Quỹ đang có dấu hiệu cải thiện nhờ sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính và UBCKNN đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK nói chung và ngành Quản lý Quỹ nói riêng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng ngành Quản lý Quỹ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để thể hiện tốt vai trò của mình trong nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, việc một số loại hình quỹ mới đang được Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, khung khổ pháp lý để sớm đưa vào triển khai sẽ mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với công ty QLQ ở Việt Nam và cơ quan quản lý trong bối cảnh hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính và UBCKNN ban hành các Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý các loại hình Quỹ mới như Quỹ mở, Quỹ đầu tư bết động sản - REIT (có hiệu lực từ tháng 7/2013), Quỹ hoán đổi danh mục ETF (có hiệu lực từ tháng 9/2013), Quỹ Bảo hiểm hưu trí tự nguyện (đang trong quá trình Dự thảo) và nhiều dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường về sản phẩm phái sinh... Bên cạnh đó là việc ban hành các quy chế để giám sát và kiểm soát tốt hơn hoạt động và sự minh bạch của các thành viên tham gia thị trường. Tuy nhiên, những văn bản pháp lý trên mới chỉ là điều kiện cần.

Để những khung pháp lý đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả, chúng ta phải xem xét những góc độ, khía cạnh sau: (i) Sự sẵn sàng hay mức độ tiếp nhận của thị trường đến đâu (điều này lại tùy thuộc vào các yếu tố mà tôi đã nói ở trên); và (ii) Sự hoàn thiện và đồng bộ của cơ chế chính sách, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Ví dụ, Thông tư số 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý Quỹ mở được ban hành ngày 16/12/2011, nhưng phải đến một năm sau, ngày 12/12/2012, Quỹ mở đầu tiên - Quỹ Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) - mới chính thức được cấp phép phát hành ra công chúng. Kinh nghiệm từ đợt phát hành của VFF cũng cho thấy, các công ty QLQ còn cần phải nỗ lực rất nhiều trong công tác truyền thông và phổ biến kiến thức về Quỹ mở cho thị trường. Ngoài ra, một số khó khăn khác có thể kể đến như các chính sách hỗ trợ, các văn bản hướng dẫn thi hành về chế độ kế toán, thuế; sự sẵn sàng, đồng bộ về trình độ phát triển về hạ tầng kỹ thuật dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.

Tương tự như vậy, sự đón nhận của thị trường, cũng như mức độ thành công của Quỹ ETF và REIT ở Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn. Theo quan sát và đánh giá của chúng tôi, ngoài những vấn đề tương tự như Quỹ mở, ETF và REIT cũng sẽ có những vấn đề riêng của nó, vai trò của thành viên lập quỹ, nhà tạo lập thị trường là rất quan trọng; danh mục cơ cấu hay tài sản cơ sở của ETF và REIT...

Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến Quỹ hưu trí bổ sung và đã có các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh do thiếu thông tin về định hướng chính sách, khung khổ pháp lý và lộ trình triển khai, ban hành các văn bản pháp luật liên quan.

Theo ông, các công ty QLQ cần chuẩn bị những gì để hoạt động hiệu quả và đón bắt xu thế phát triển của ngành Quỹ trong tương lai khi những loại hình quỹ mới chính thức triển khai trên thị trường?

Quỹ mở, ETF, REIT, Quỹ hưu trí bổ sung... là những loại hình Quỹ rất mới ở Việt Nam, nhưng khá phổ biến và thành công ở nhiều thị trường khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần học tập những kinh nghiệm thành công để có được khung khổ pháp lý phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các công ty QLQ cần phải chuẩn bị tốt về hạ tầng kỹ thuật, đối tác cung cấp dịch vụ, đưa ra được các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Đặc biệt, công tác truyền thông và phổ biến kiến thức về các sản phẩm Quỹ mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện liên tục và mạnh mẽ, mà các công ty QLQ hay đơn cử là VinaWealth khó có thể thực hiện được một mình. Vì vậy, UBCKNN cần đóng vai trò trung tâm và phối hợp về vấn đề này. Ngoài ra, đội ngũ chuyên viên và quản trị điều hành Quỹ chuyên nghiệp, tài năng nhằm mang lại hiệu quả hoạt động cao, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư vào Quỹ là một yếu tố quan trọng khác mà VinaWealth đang hướng tới.

Ông có thể chia sẻ với độc giả của Tạp chí một vài dự đinh kế hoạch kinh doanh (định hướng chiến lược phát triển) của Công ty trong thời gian tới?

Hiện tại, VinaWealth đang đẩy nhanh tiến độ phát triển sản phẩm mới phục vụ thị trường với mục tiêu trở thành một trong những CtvQLQ trong nước dẫn đầu thị trường. Phát huy kết quả đạt được với Quỹ VFF. VinaWealth dự kiến đưa ra thị trường thêm ít nhất 2 Quỹ mở nữa về cổ phiếu, còn lại là Quỹ cân bằng hay Quỹ thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó. VinaWealth cũng đánh giá cơ hội cho ra đời loại Quỹ REIT hay ETF trong nửa sau của năm 2013.

Trên cơ sở đó, VinaWealth có thể xây dựng được cơ sở khách hàng vững chắc và minh chứng về năng lực; nhà đầu tư sẽ có thêm lợi ích là cơ hội chuyển đổi giữa các Quỹ với cơ cấu tài sản đầu tư khác nhau, tùy vào đánh giá về triển vọng, cơ hội thị trường, nhu cầu đa dạng hóa danh mục theo yêu cầu của nhà đầu tư cũng như cân nhắc đến thời điểm nào là phù hợp. Với sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ từ VinaCapital và chính từ quý khách hàng, VinaWealth rất quyết tâm để mô hình hóa hoạt động của mình nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần vào sự phát triển chung của ngành quản lý Quỹ và thị trường vốn Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán cho các khách hàng là các doanh nghiệp trong nước và khách hàng nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các tài sản chọn lọc và các ngành/lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!