Ngành Tài chính thực hiện thắng lợi toàn diện và xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách giai đoạn 2016-2020

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 + 2 tháng 01/2021

Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Tài chính tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách được giao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những thành tựu đạt được là nền tảng cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thành công các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt toàn ngành Tài chính đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Thủ tướng Chính phủ trao tặng (ngày 31/10/2020)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt toàn ngành Tài chính đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Thủ tướng Chính phủ trao tặng (ngày 31/10/2020)

Nỗ lực đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ tài chính – ngân sách giai đoạn 2016-2020

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Giai đoạn 2016-2020, tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế trong nước. Đây là giai đoạn trên thế giới xuất hiện thêm nhiều bất ổn mới khi cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với các quốc gia trên toàn cầu, nhất là các nước đang phát triển. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã khiến đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH) bị đảo lộn, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933. Những tiến bộ xã hội và thành quả kinh tế tích lũy được hàng thập kỷ có nguy cơ bị cuốn trôi và các quốc gia cần nhiều năm nữa để khắc phục và vượt qua những tổn thất này...

Tại Việt Nam, những thành tựu đạt được trong 35 năm đổi mới cũng góp phần mở rộng và tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) của đất nước khép lại với những thành tựu đáng tự hào. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và đối diện với nhiều thách thức mới. Không chỉ riêng trong năm 2020 mà ngay từ đầu giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; sự cố môi trường Formosa; sạt lở đất, lũ quét ở Tây Bắc; bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tiếp đó, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, cải thiện môi trường sống, đảm bảo an ninh quốc phòng đặt ra ngày càng cao, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp.

Bối cảnh đó cho thấy, nhiệm vụ đặt ra với Bộ Tài chính là rất nặng nề. Giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Tài chính phấn đấu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) do Quốc hội, Chính phủ giao.

Đặc biệt, toàn ngành Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, cùng các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong phát triển KT-XH và NSNN.

Với quyết tâm phấn đấu cao, nỗ lực lớn, 5 năm qua, ngành Tài chính đã đạt những kết quả tích cực:

Thứ nhất, chú trọng đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính-NSNN theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 06 luật và 23 nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp, chính sách tài chính; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 159 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 799 thông tư, thông tư liên tịch.

Quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính đã bảo đảm đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần thúc đẩy các thị trường phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tổ chức quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công; động viên hợp lý, phân phối và sử dụng tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển KT-XH.

Hàng năm, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN); tích cực tái cơ cấu ngân sách, nợ công nên còn dư địa để tăng sức chống chịu các biến cố của nền kinh tế. Nhờ vậy, khi xảy ra đại dịch Covid-19 hay bão lũ liên tục tại miền Trung trong năm 2020, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ các giải pháp khẩn cấp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế.

Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất và trình cấp có thẩm quyền các giải pháp về chính sách tài khóa để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả thực hiện các chính sách đến hết tháng 12/2020 là khoảng 109,7 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 85,2 nghìn tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, tăng cường phối hợp với các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giai đoạn 2016-2020, cơ chế, chính sách tài chính đã được điều chỉnh linh hoạt, hợp lý và kịp thời với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế trong từng giai đoạn, đưa chính sách tài chính trở thành một công cụ quan trọng trong điều hành và quản lý nền kinh tế. Chính sách tài khóa đã được thực hiện một cách chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong việc ứng phó với các biến động của nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý, điều hành đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng, dầu; điều chỉnh giá dịch vụ công (dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế...) theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ.

Thứ ba, công tác cơ cấu lại NSNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đóng góp quan trọng vào củng cố ổn định vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.

Kết quả thu NSNN giai đoạn 2016-2019 hàng năm đều vượt dự toán, quy mô thu NSNN bình quân đạt khoảng 25,5% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt 21,2% GDP. Kết quả thực hiện phát triển KT-XH và NSNN năm 2020 ảnh hưởng lớn đến kết quả 5 năm 2016-2020. Với tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91% thì bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 6%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 6,5 đến 7%. 

Theo đó, tổng thu NSNN giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,89 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015; bình quân đạt trên 25% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra là 23,5% GDP.

Quy mô thu NSNN được cải thiện, cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực hơn. Tỷ trọng thu cân đối xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, bình quân khoảng 17,6% (giai đoạn 2011-2015 là 30%). Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, bình quân giai đoạn 2016-2019 khoảng 80,9% (giai đoạn 2011-2015 là 68%); năm 2020, tỷ trọng thu nội địa dự kiến đạt 85,5% tổng thu NSNN (bình quân 5 năm 2016-2020 đạt gần 82%), hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị là đến năm 2020 đạt 84%-85%.

 Công tác quản lý thuế, hải quan được cải cách mạnh mẽ và ngày càng khoa học, hiệu quả theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Cơ quan thuế, hải quan đã tích cực triển khai các hoạt động chống thất thu NSNN qua công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, các DN có giao dịch liên kết... 

Chi NSNN ngày càng được kiểm soát chặt chẽ theo đúng dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền giao. Tổng chi NSNN 5 năm (2016-2020) ước đạt khoảng 7,6 triệu tỷ đồng, bình quân khoảng 28% GDP. Cơ cấu lại chi NSNN đạt kết quả tích cực. Đánh giá giai đoạn 2016-2020, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 27-28% tổng chi NSNN; chi thường xuyên xuống 63,1% năm 2020 trong khi vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp người có công khoảng 7%/năm; đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới..

Cùng với đó, tiềm lực dự trữ quốc gia đã được tăng cường. Trong giai đoạn 2015-2020, quy mô dự trữ quốc gia đã từng bước củng cố và phát triển. Dự kiến, đến hết năm 2020, quy mô dự trữ quốc gia đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, gấp 1,47 lần so với năm 2010 và gấp 1,23 lần so với năm 2015.

Mặc dù, trong điều kiện có nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng kết quả thu, chi, quản lý bội chi NSNN đạt nhiều kết quả tích cực. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP (mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là dưới 3,9% GDP).

Thứ tư, nợ công được kiểm soát chặt chẽ và trong giới hạn cho phép, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Nhờ kiểm soát tốt bội chi ngân sách, các khoản vay và bảo lãnh của Chính phủ, kết hợp với việc cơ cấu lại mạnh mẽ nên nợ công cuối năm 2020 khoảng 55,8% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% GDP cuối năm 2016, trong giới hạn an toàn. Nhìn lại giai đoạn 2011-2015 có thể thấy, tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm, bằng 3 lần tăng trưởng kinh tế nhưng đến giai đoạn 2016-2019 giảm còn bằng 6,8%/năm, tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu nợ vay trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn, tức là tăng vay trong nước, kỳ hạn phát hành, kỳ hạn danh mục trái phiếu chính phủ tăng lên, trong khi lãi suất vay giảm rất sâu; Việc trả nợ luôn đảm bảo đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Công tác quản lý, sử dụng nợ công được siết chặt.

Thứ năm, đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao hiệu quả chi tiêu công và chất lượng cung cấp dịch vụ công; tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ công.

Một bước tiến quan trọng, căn bản trong đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2016-2020 là việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình từng bước tính đủ chi phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân; chuyển một số dịch vụ từ cơ chế phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc sang giá thị trường...

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền để trình Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến hết năm 2019 ước tính số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính là gần 53.000 đơn vị, đạt tỷ lệ 98,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động.

Thứ sáu, cơ chế quản lý tài chính đối với DNNN tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ; hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN được nâng cao.

Giai đoạn 2016-2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng; đồng thời, đã thực hiện thoái 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng. Nhìn chung, việc thực hiện các phương thức cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo công khai minh bạch, việc thoái vốn đã được thực hiện đảm bảo nguyên tắc thị trường, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài của DNNN ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.

Thứ bảy, thị trường tài chính tiếp tục phát triển vững chắc, tiếp tục mở rộng về quy mô và phạm vi hoạt động

Trong đó, thị trường chứng khoán (TTCK) đã phát huy được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã có sự phát triển vượt bậc, đạt gần 4,8 triệu tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015), tương ứng trên 79% GDP năm 2019. Quy mô thị trường trái phiếu niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán có 481 mã trái phiếu đang niêm yết, với tổng giá trị niêm yết lên tới 1.350 nghìn tỷ đồng, tương đương 22,4% GDP. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 29% so với giai đoạn 2011-2015, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội. TTCK được điều hành linh hoạt, phù hợp, kịp thời, đặc biệt là vào những lúc khó khăn do tác động quốc tế, tình hình dịch Covid-19, qua đó giúp đảm bảo sự an toàn, bền vững.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các cá nhân, tổ chức, thể hiện vai trò, vị trí trong đời sống KT-XH, góp phần thực hiện thành công các giải pháp thực hiện kế hoạch theo Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng tài sản toàn thị trường tăng trưởng bình quân 19%/năm (ước đạt 526 nghìn tỷ đồng năm 2020), tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 19,4%/năm (ước đạt 416 nghìn tỷ đồng năm 2020), tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng bình quân 19,3%/năm (ước đạt 226 nghìn tỷ đồng năm 2020); Thị trường dịch vụ thẩm định giá cũng có những bước phát triển nhất định cả về chất lượng và quy mô.

Thứ tám, chủ động hội nhập quốc tế; đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế về tài chính, góp phần phát huy được các lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế và hạn chế các tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì các tiến trình hợp tác tài chính đa phương như Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2020, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, qua đó thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tài chính đa phương.

Là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng thời gian qua, Bộ Tài chính là một trong số các bộ, ngành đạt được nhiều kết quả tích cực trong cải cách hành chính, thực hiện rà soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài chính-NSNN (Bộ Tài chính 7 năm liền dẫn đầu khối các bộ, ngành về chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (từ năm 2013 - 2019). Quy trình thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được cải cách mạnh mẽ và đồng bộ. Trong đó, từ năm 2016 đến nay đã thực hiện rà soát cắt giảm 296 TTHC và đơn giản hóa 1.138 TTHC.

Bên cạnh các nội dung trên, bộ máy tổ chức, biên chế toàn ngành Tài chính đã và đang được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng. Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức được ưu tiên, chú trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh...

Đặc biệt, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính tiếp tục có những đổi mới thiết thực phù hợp với các quy định về thi đua, khen thưởng. Bộ Tài chính đã tổ chức phát động 10 phong trào thi đua thường xuyên và 02 phong trào thi đua nước rút xuyên suốt trong toàn Ngành. Hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ Tài chính phát động, các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã phát động hơn 500 phong trào thi đua mỗi năm với nhiều khẩu hiệu, nội dung phong phú, đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn ngành Tài chính, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành và của từng cơ quan, đơn vị,

Tựu chung, giai đoạn 2016-2020, ngành Tài chính đã thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ tài chính-NSNN đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển KT-XH của đất nước, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Kết quả này cũng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, toàn diện của Ban Cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tài chính và tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo và đổi mới, phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của toàn thể các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Tài chính trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây cũng là nền tảng vững chắc để ngành Tài chính xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch tài chính-NSNN giai đoạn tiếp theo.

Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025

Trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), dự báo tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới và khu vực còn phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định như: xung đột địa - chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng có xu hướng gia tăng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự dịch chuyển nguồn vốn, lao động sẽ dẫn tới những điều chỉnh mới về trật tự thế giới. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế thế giới là nghiêm trọng và có thể kéo dài.

Đối với nước ta, điểm thuận lợi vẫn là tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, kiểm soát được dịch bệnh và việc mở ra những thời cơ mới từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại, hạn chế, nguy cơ tụt hậu còn lớn; hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... cũng là những lực cản cho phát triển kinh tế, tạo sức ép lớn trong thực hiện các nhiệm vụ tài chính-NSNN.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, cân đối NSNN, đặc biệt là ngân sách trung ương sẽ gặp khó khăn do tác động của Covid-19; các năm đầu phục hồi nền kinh tế, tốc độ tăng thu thấp trong khi nhu cầu chi lớn cho đầu tư phát triển để hỗ trợ nền kinh tế, chi thực hiện các nhiệm vụ cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong tình hình mới...

Trong bối cảnh việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phương hướng hoạt động trong thời gian tới gồm: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, đổi mới sáng tạo và phát triển; phát huy trí tuệ tập thể, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách và công tác xây dựng Đảng giai đoạn 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, trong giai đoạn mới ngành Tài chính tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục chủ động trong chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tài chính-NSNN cũng như trong quản lý điều hành các nhiệm vụ tài chính-NSNN hàng năm.

Hai là, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời và triển khai các giải pháp đã ban hành nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho DN và người dân; tiếp tục triển khai các giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; dự báo, tính toán các yếu tố tác động tới kinh tế cũng như tới việc thực hiện các nhiệm vụ của Ngành để từ đó chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời.

Bốn là, thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Năm là, đẩy mạnh các giải pháp phát triển đồng bộ, cân bằng thị trường tài chính, hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý về tài chính và hoạt động của DNNN; tăng cường đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài sản công, tài nguyên đất đai.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bảy là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở 3 trụ cột cơ bản là cải cách quy trình nghiệp vụ, tăng cường quản lý rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển tài chính điện tử hiện đại và hướng đến xây dựng nền tài chính số.

Tám là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu, đánh giá, hoạch định và thực thi công vụ trong ngành Tài chính.

Với truyền thống 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, trong tâm thế hứng khởi bước vào một chặng đường phát triển mới, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính không ngừng phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để tô thắm thêm những nét son vào truyền thống, lịch sử vẻ vang của Ngành.

Nhiệm vụ giai đoạn sắp tới của ngành Tài chính còn nhiều khó khăn, thách thức. Tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, ngành Tài chính sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2020-2025, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.