Ngành Thuế quyết liệt thu hồi các khoản thuế nợ đọng
Trước tình trạng chây ì, nợ đọng thuế đang diễn biến khá phức tạp, Tổng cục Thuế khẳng định sẽ thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để thu hồi các khoản thuế nợ đọng, tránh thất thu cho ngân sách.
Nguyên nhân của tình trạng chây ì, nợ đọng thuế, trước hết do việc kinh doanh của DN bết bát, nhiều DN lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài, một số mất khả năng thanh toán... Số DN này còn nợ tiền thuế khá lớn nhưng khó thu hồi. Bên cạnh đó, do lãi suất ngân hàng cao hơn tiền phạt nộp chậm tiền thuế nên một số DN chấp nhận chịu phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế của nhà nước dẫn đến số nợ không giảm. Thậm chí, tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Lắk… có hiện tượng DN chuyển tiền khỏi tài khoản bất thường, bán tài sản trị giá lớn nhằm “tự” gây lỗ, trốn thuế.
Về khách quan, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý đối với hành vi dây dưa, không thực hiện nộp thuế; không có cơ chế xử lý đối với một số khoản nợ của các đơn vị kinh doanh không hiệu quả, tự giải thể. Một số cơ quan chức năng chưa hỗ trợ tích cực để giúp cơ quan thuế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ đúng với Luật Quản lý thuế hiện hành, điển hình như: Việc cung cấp thông tin về tài sản, bất động sản; thông tin về số dư trên tài khoản tiền gởi của DN nợ thuế chưa kịp thời. Có trường hợp cơ quan thuế có văn bản đề nghị từ tháng 5/2012 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ.
Trước thực tế này, đến đầu năm 2013, ngành Thuế đã ban hành quyết định cưỡng chế khoảng 19.000 đối tượng nộp thuế với tổng số thuế khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, cưỡng chế 10.000 DN có nợ trên 90 ngày hoặc hết thời hạn gia hạn nộp thuế hoặc có hành vi tẩu tán tài sản.
Ông Trịnh Hoàng Cơ - Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến hết năm 2013, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng. Thứ nhất, ban hành văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý Thuế. Trong đó có liên quan đến vấn đề quản lý nợ vì luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điều khoản tháo gỡ khó khăn cho DN. Thứ hai, xử lý vướng mắc với DN nảy sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Giúp đối tượng nộp thuế hiểu cách tính của cơ quan thuế, từ đó nộp thuế đúng quy định. Thứ ba, đôn đốc đối với DN nợ thuế khác theo đúng quy định, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Thứ tư, là phối hợp với các ban ngành tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc chung trên địa bàn, để DN yên tâm nộp thuế. Cuối cùng, đối với những DN chây ì, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế.
Ngành Thuế sẽ chủ động theo dõi sát sao từng khoản nợ, tính chất khoản nợ; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; công bố thông tin các DN nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hạn chế các khoản nợ mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ thuế đến hết 31/12/2013 không quá 5% so với số thực hiện thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, theo Luật Quản lý thuế, số nợ khó thu hồi sẽ được xóa nợ. Tuy nhiên, nếu không cung cấp đầy đủ hồ sơ cần thiết, sẽ không được xóa nợ. Chẳng hạn, gia đình có người chết hoặc mất tích không xuất trình được giấy báo tử, DN phá sản giải thể không nộp tờ khai quyết toán thuế tại thời điểm gần nhất (khi tòa tuyên bố phá sản)... Nếu không có những yếu tố đó ngành Thuế không làm thủ tục xóa nợ được.
Đối với trường hợp phải thực hiện cưỡng chế, cục Thuế, chi cục Thuế địa phương có trách nhiệm thông báo biện pháp thực hiện cưỡng chế theo đúng đối tượng. Những đơn vị thuế không thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế đối với DN có nợ phải chịu trách nhiệm theo quy định.