Ngày tồi tệ của Thủ tướng Anh
Thủ tướng Anh Boris Johnson làm các đảng đối thủ trở tay không kịp vào tuần trước. Nhưng tuần này, chính các nghị sĩ cùng đảng lại cho ông một "gáo nước lạnh".
Ông Johnson đã quyết liệt thúc đẩy Brexit kể từ khi nhậm chức 6 tuần trước. Ông tuyên bố đình chỉ quốc hội Anh từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10/2019, rút ngắn thời gian các nghị sĩ có để thông qua luật nào nhằm ngăn Anh rời EU (thường gọi là Brexit) vào đúng hạn là ngày 31/10/2019.
Johnson nói rằng, ông muốn đạt được một thỏa thuận với EU nhưng nhấn mạnh rằng kể cả không có thỏa thuận, Anh vẫn cần rời khối vào cuối tháng tới. Động thái này vấp phải nhiều chỉ trích từ đảng đối lập và cả các nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Johnson. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố và thị trấn trên khắp nước Anh.
Brexit vốn được lên kế hoạch xảy ra vào ngày 29/3/2019, hai năm sau khi Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cơ chế quy định các quốc gia thành viên rời khỏi khối. Nhưng thời hạn này đã bị trì hoãn nhiều lần, một phần vì quốc hội Anh ba lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền May thống nhất với EU.
Chính quyền Johnson hiện chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào với EU và các nghị sĩ ngày càng lo sợ về kịch bản Brexit không thỏa thuận mà họ tin rằng có thể gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho Anh.
Khi nhận thấy sẽ có nghị sĩ đảng Bảo thủ "bất tuân", bỏ phiếu chống lại ông trong cuộc biểu quyết ở hạ viện, Johnson không đưa ra những phát ngôn mềm mỏng để thuyết phục họ mà đe dọa sẽ khai trừ những người đó.
Nhưng lời đe dọa dường như phản tác dụng. Trong phiên họp đầu tiên của hạ viện Anh sau kỳ nghỉ hè ngày 3/9/2019, 21 thành viên của đảng Bảo thủ phớt lờ lời đe dọa và bỏ phiếu chống lại chính quyền Johnson. Vì vậy, chính quyền Johnson bị đánh bại với tỷ lệ biểu quyết 328 - 301 ở hạ viện, khiến họ mất quyền kiểm soát chiến lược Brexit vào tay hạ viện.
21 người này dự kiến đều bị khai trừ khỏi đảng, trong đó có cựu bộ trưởng tài chính Philip Hammond, nghị sĩ kỳ cựu Kenneth Clarke và Nicholas Soames, cháu của cố thủ tướng Winston Churchill - người mà Johnson rất ngưỡng mộ.
"Trong một ngày, Johnson mất thế đa số tại hạ viện, mất kiểm soát với chiến lược Brexit và buộc phải khai trừ cháu của thần tượng. Ngày 3/9/2019 là ngày tồi tệ nhất của Johnson từ khi ngồi vào ghế thủ tướng", ký giả Nick Miller viết trong bài bình luận trên Sydney Morning Herald.
Với chiến thắng ngày 3/9/2019, bước tiếp theo của hạ viện Anh là thông qua dự luật vào ngày 4/9/2019, buộc Johnson phải trì hoãn Brexit đến ngày 31/1/2020 nếu ông không thể đạt được thỏa thuận với EU trước ngày 19/10/2019. Các nghị sĩ đang chạy đua để thông qua dự luật trước khi quốc hội bị đình chỉ vào tuần tới. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nói rằng "đây có thể là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn một Brexit hỗn loạn".
Johnson cho biết nếu kịch bản này xảy ra, ông sẽ kêu gọi bầu cử sớm với hy vọng sẽ chiến thắng, giành lại thế đa số và sau đó đảo ngược luật. Tuy nhiên, ông cần có được sự đồng ý của 2/3 số thành viên hạ viện để tổ chức bầu cử.
Các đảng đối lập nói rằng họ sẽ từ chối đề nghị tổ chức bầu cử cho đến khi chốt được luật ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận. Nếu được hạ viện chấp nhận, luật này còn phải được thượng viện thông qua.
Nếu Johnson có thể tổ chức được cuộc bầu cử trước Brexit, ông sẽ vận động với thông điệp rằng "5 lần 7 lượt" trì hoãn Brexit tương đương với việc "đầu hàng" trước EU và chỉ có ông mới là người đáng tin cậy để gánh vác trách nhiệm khép lại Brexit.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Johnson có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sẽ trở thành thủ tướng và có thể tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Trong kịch bản Anh tổ chức bầu cử, "nếu phe bảo thủ lấy lại thế đa số trong hạ viện, Anh sẽ rời khỏi châu Âu dù có hay không thỏa thuận", ký giả Australia Dan Conifer viết trên ABC. "Nhưng nếu Johnson cần phải liên minh với một hoặc hai đảng nhỏ khác để giành được thế đa số, ông cần phải hy vọng họ cũng muốn nhanh chóng đoạn tuyệt châu Âu giống như ông".