Đổi mới phù hợp với thực tiễn
Vấn đề tiền lương hàng tháng trả cho lãnh đạo các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT) nhà nước đã được đưa ra thảo luận, chất vấn tại Quốc hội và cũng đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Hầu hết các ý kiến đưa ra đều cho rằng, mức lương trả cho đội ngũ lãnh đạo DNNN ở mức quá cao so với lương lãnh đạo tại các cơ quan quản lý và mặt bằng chung trong xã hội.
Nếu DN làm ăn phát triển thì mức lương cơ bản lãnh đạo, kế toán trưởng ở mức hàng chục triệu/ tháng là dễ chấp nhận. Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc là có không ít DNNN làm ăn thua lỗ, gây thất thoát vốn nhà nước nhưng lãnh đạo, kế toán trưởng DN vẫn hưởng lương cao.
Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) do Nhà nước làm chủ sở hữu, sẽ phần nào giải quyết được các vấn đề bức xúc trên. Nghị định gồm 10 điều, quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như nguyên tắc xác định, trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý chuyên trách.
Một trong các nguyên tắc được Chính phủ xác định là tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách tại DNNN gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa. Tức là, Chính phủ đã đưa ra mức trần đối với lương trả cho chức danh lãnh đạo DN.
Điển hình là bảng mức lương cơ bản để xác định quỹ tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách, quy định chức danh chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty chuyên trách ở TĐ KT có mức tiền lương là 36 triệu đồng/ tháng; tổng giám đốc hoặc giám đốc TĐKT là 35 triệu đồng/tháng; Thành viên chuyên trách hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên trách, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc của TĐKT là 32 triệu đồng/tháng; kế toán trưởng của TĐKT hưởng lương 29 triệu đồng/tháng.
Mức tiền lương, tiền thù lao, tiền thưởng chi trả cho lãnh đạo, kế toán trưởng DNNN được xác định trên nguyên tắc:
- Gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa.
- Thù lao đối với viên chức quản lý không chuyên trách tại công ty được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách; đối với viên chức quản lý được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, DN khác thì khoản thù lao do công ty, DN khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty. Phần còn lại (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.
- Quỹ tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động, do công ty xây dựng và trình chủ sở hữu phê duyệt. Hàng tháng, viên chức quản lý được tạm ứng bằng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.
- Tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
- Tiền thưởng của viên chức quản lý được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
- Tiền lương, tiền thưởng, thù lao của kiểm soát viên xác định theo quy định tại Nghị định này phải được trích nộp cho chủ sở hữu để hình thành quỹ chung, trên cơ sở đó chủ sở hữu chi trả cho kiểm soát viên theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với kiểm soát viên tài chính tại TĐKT nhà nước thì trích nộp cho Bộ Tài chính để đánh giá, chi trả.
Ngoài ra, quỹ tiền thưởng hàng năm của viên chức quản lý chuyên trách và không chuyên trách thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính, quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả DN do Chính phủ quy định. Quỹ tiền thưởng như quy định nêu trên, hàng năm được trích 90% để thưởng cuối năm. Phần tiền thưởng còn lại (10%) được dùng để thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của cả nhiệm kỳ của viên chức quản lý.
Viên chức quản lý chuyên trách tiếp tục được xếp lương theo hạng công ty làm căn cứ đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật cho đến khi Chính phủ có quy định mới. Cụ thể: Để triển khai có hiệu quả, đúng theo tinh thần của Nghị định, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc trích lập, quản lý quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Kiểm soát viên và người đại diện vốn nhà nước theo quy định.
Đồng thời, xây dựng quy chế đánh giá kiểm soát viên; tiếp nhận và quản lý khoản tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với kiểm soát viên tài chính do các TĐKT nhà nước chi trả; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho kiểm soát viên tài chính tại các TĐKT nhà nước...
Một số bình luận
Thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có quy định về chi trả tiền lương tại các DNNN là phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ đưa ra tiền lương trên một đơn vị. Do đó, kết quả sản xuất – kinh doanh và lợi nhuận mang lại lớn thì quỹ lương trả cho cán bộ lãnh đạo càng cao và ngược lại.
Nhà nước cũng đã có quy định phân loại DN loại I, loại II, loại III để có căn cứ làm yếu tố cấu thành mức lương cho từng loại DN và hình thành quỹ, bảng lương trong mỗi DN. Đồng thời, căn cứ vào quỹ lương cũng như kết quả sản xuất kinh doanh sẽ phân bổ lương cho khối lao động trực tiếp và gián tiếp. Đây chính là yêu tố khác biệt căn bản về lương giữa khối DN và khối cơ quan quản quản lý hành chính nhà nước. Luật DN cũng đã quy định quyền các DN xây dựng chế độ tiền lương của mình, trên cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một trong các nguyên tắc được Chính phủ xác định là tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách tại DNNN gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa. Tức là, Chính phủ đã đưa ra mức trần đối với lương trả cho chức danh lãnh đạo DN.
Tuy nhiên, mức lương cần phải được nghiên cứu, tính toán và để cho các DN thử nghiệm theo những kiểu khác nhau. Vì ở một DN làm ăn thua lỗ liên tiếp nhiều năm mà lãnh đạo vẫn hưởng mức lương cao (kể cả là ở mức 15 triệu đồng/tháng vẫn là quá cao). Ngược lại, những DN lớn làm ăn có lãi, lãnh đạo có tài thì phải trả lương cao là điều đương nhiên (thậm chí vượt mức trần quy định của Chính phủ vẫn chưa thỏa đáng). Đây là vấn đề khó, đòi hỏi đảm bảo vừa hạn chế được tình trạng lãng phí tiền của Nhà nước, đồng thời khuyến khích tinh thần lao động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân…
Chính vì vậy, tinh thần của Nghị định 51/2013/ NĐ-CP đã thể hiện, các thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu sẽ là những đối tượng thuộc diện điều chỉnh chế độ tiền lương. Mức thấp nhất là 15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho kế toán trưởng công ty và cao nhất là 36 triệu đồng/tháng, áp dụng cho chủ tịch hội đồng thành viên TĐKT.
Đối với các chức danh tổng giám đốc, giám đốc, thành viên hội đồng thành viên dao động từ 17 - 34 triệu đồng/tháng. Mức tiền lương cơ bản của các viên chức quản lý, điều hành sẽ làm cơ sở xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch gắn với hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước so với thực hiện của năm trước liền kề.
Đối với công ty có hệ số bảo toàn phát triển vốn nhà nước và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước cao hơn năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch tăng nhưng tối đa không vượt quá 1,2 lần so với mức lương cơ bản. Trường hợp công ty bị lỗ (sau khi loại trừ nguyên nhân khách quan) thì tiền lương kế hoạch giảm nhưng thấp nhất bằng tiền lương chế độ (tức là lãnh đạo tập đoàn vẫn nhận được khoản lương tối đa là 36 triệu đồng đã ấn định ở trên).
Thực tế cho thấy, trả lương phải tương ứng với sức lao động mới tạo động lực cho người nhận lương hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu DN làm ăn có lãi họ toàn quyền quyết định tiền lương phải trả. Tuy nhiên, trước khi quyết định trả mức lương nào đó thì cần phải minh bạch lỗ lãi trong các TĐKT, TCT nhà nước.
Vấn đề đặt ra là trong quá trình thực hiện sẽ loại bỏ hoàn toàn được sự đánh đồng việc trả lương, thù lao cho đội ngũ quản lý DN do Nhà nước làm chủ sở hữu. Bởi muốn tạo động lực cho DN phát triển thì mức lương cần phải được nghiên cứu, tính toán và để cho các DN có được một phần tự chủ và chủ động theo tình hình và đặc thù của đơn vị mình chứ không thể cào bằng nhưng cũng không được bỏ xa các quy định của Nhà nước…
Trước khi ban hành Nghị định 51/2013/NĐ-Cp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2013/ NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị định này quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc công ty; cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013
Nghị định 51/2013/NĐ-CP: Ấn định lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Tiền lương trả cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như thế nào là hợp lý đã trở thành vấn đề được tranh luận nhiều trong thời gian qua. Các luồng ý kiến đưa ra đều chưa được giải đáp thỏa đáng, bởi thực tế còn thiếu hành lang pháp lý quy định cụ thể về vấn đề này. Nghị định 51/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/5/2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 sẽ giải đáp vấn đề trên.
Xem thêm