Mở khóa tiềm năng kinh tế số: Ngành Tài chính tiên phong hành động

Minh Chi

Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang được đẩy mạnh thực thi. Bộ Tài chính trở thành một trong những đơn vị tiên phong, nhanh chóng cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết bằng những hành động cụ thể và quyết liệt.

Kiến tạo thể chế cho khoa học, công nghệ

Cuối năm 2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động, với việc đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể. Qua đó kỳ vọng sẽ giải quyết những "nút thắt" cố hữu trong cơ chế tài chính dành cho hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển đổi số.

Mới đây, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Một trong những điểm nhấn của Luật sửa đổi là việc thể chế hóa các chủ trương đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính. 

Trong đó, Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Khoa học và Công nghệ; phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc lập dự toán, chấp hành ngân sách đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi ngân sách.

Đặc biệt, quy trình tổng hợp lập dự toán, chấp hành ngân sách Nhà nước và phân cấp ngân sách cấp tỉnh, cấp xã đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã có hiệu lực áp dụngngày từ ngày 1/7/2025.

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, những sửa đổi này sẽ tạo cơ chế linh hoạt, chủ động hơn, tối ưu hóa tiềm năng đổi mới sáng tạo cho các cấp, đơn vị.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đặt nhiệm vụ rà soát, sửa đổi một số quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực.

Cũng như sửa các quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng giảm tỷ lệ vay lại xuống mức thấp nhất, không yêu cầu bảo đảm tiền vay đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược...

Các chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các "vườn ươm" tri thức phát triển, tái đầu tư toàn bộ nguồn thu vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo, hình thành nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh.

Nền tảng thực tiễn từ phát triển tài chính số

Hành trình hiện thực hóa Nghị quyết số 57/NQ-TW đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cần sự thay đổi, thích ứng từ chính cơ quan quản lý.

Với Nghị quyết số 57/NQ-TW làm kim chỉ nam, Bộ Tài chính đang quyết liệt triển khai các giải pháp công nghệ đột phá, đặt mục tiêu xây dựng một nền tài chính số an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nền tảng cho cuộc chuyển mình mạnh mẽ này đã được đặt ra từ năm 2022, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược tài chính đến năm 2030". Chiến lược đã yêu cầu phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, tiếp tục hiện đại hóa ngành Tài chính.

Vì thế, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện và kết quả là luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Dương (Chi cục Hải quan khu vực III). Ảnh: Thái Bình
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Dương (Chi cục Hải quan khu vực III). Ảnh: Thái Bình

Chẳng hạn, việc triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, với 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa dòng tiền.

Cục Hải quan đã nghiên cứu, xây dựng và ra mắt ứng dụng di động “Vietnam Customs data” phục vụ khai thác nhanh số liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu, cũng như triển khai dự án mở rộng Cổng Thông tin một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN…

Kho bạc Nhà nước cũng đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành "kho bạc số". Với lĩnh vực chứng khoán, việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt, cho phép triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới. Lĩnh vực kế toán và quản lý tài chính công cũng đang ngày càng được chuẩn hoá nhờ công nghệ…

Tuy nhiên, chính sách dù tốt đến đâu cũng cần có con người để thực thi và hưởng lợi. Thách thức về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán cấp bách. Một nền kinh tế số, một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không thể vận hành nếu thiếu đi đội ngũ chuyên gia am tường cả về công nghệ lẫn tài chính, có tư duy chiến lược và khả năng thích ứng cao.

Trong bối cảnh này, sự đồng hành của các tổ chức trong và ngoài nước càng trở nên quan trọng. Việc Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) công bố đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, tích hợp sâu rộng AI, khoa học dữ liệu và tư duy chiến lược, là một sự cộng hưởng kịp thời. Qua đó cho thấy xu hướng đào tạo toàn cầu đang dịch chuyển để đáp ứng những yêu cầu mà Nghị quyết số 57/NQ-TW và Chương trình hành động của Bộ Tài chính đang đặt ra.

Có thể thấy, Bộ Tài chính đang thể hiện “vai trò kép”, vừa là cơ quan hoạch định chính sách, kiến tạo một "sân chơi" hấp dẫn thông qua việc sửa đổi các quy định pháp luật để phát triển khoa học, công nghệ; vừa là người tiên phong thực thi và dẫn dắt chuyển đổi số khu vực công.

Thành công từ hóa đơn điện tử, hải quan số, kho bạc số… không chỉ là thành tích riêng của ngành, mà còn tạo niềm tin, kinh nghiệm và nền tảng hạ tầng vững chắc để các chính sách mới được triển khai hiệu quả. Từ đó tạo động lực để doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ mạnh dạn đầu tư vào đổi mới sáng tạo.