Nghị quyết 01 của Chính phủ và những kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp


Việc gộp Nghị quyết 02 vào Nghị quyết 01 trong năm 2023 để khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việc gộp Nghị quyết 02 vào Nghị quyết 01 trong năm 2023 để khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Thông lệ vào những ngày đầu năm mới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết 02 về các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy vậy, sau 9 năm tồn tại độc lập, năm 2023 - lần đầu tiên, nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tích hợp vào Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội, Dự toán Ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Tích hợp Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02

Nhìn nhận sự thay đổi này, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Năng lực cạnh tranh và Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, CIEM), việc gộp Nghị quyết 02 vào Nghị quyết 01 trong năm 2023 để khẳng định, cùng với các chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

“Đây là cách tiếp cận mới của Chính phủ là phù hợp với bối cảnh mới và sẽ làm tăng áp lực cũng như động lực của cải cách trong thời gian tới”, bà Thảo nhìn nhận.

Thực tế, cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, nên những năm trước, dù Nghị quyết 02, hay trước đó là Nghị quyết 19 được ban hành hàng năm, nhưng nguyên tắc khá rõ là mục tiêu cải cách phải thống nhất và nhiệm vụ nào chưa hoàn thành vẫn phải tiếp tục. Ở góc độ này, nhiệm vụ cần phải làm của mỗi năm sẽ là phần tiếp nối các công việc của các năm trước.

Theo Nghị quyết 01/2023, trước ngày 20/1, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn tất việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai. Chương trình, kế hoạch này sẽ phải đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện… và sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023.

“Áp lực thực thi hẳn là điều mà các địa phương, các ngành cảm nhận được, vì Nghị quyết 01 là nghị quyết điều hành của Chính phủ, nên đòi hỏi cập nhật, báo cáo thường xuyên tình hình thực hiện”, bà Thảo nhìn nhận.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù đã có kết quả tích cực trong năm 2022, song bước sang năm 2023, kinh tế Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố trong nước và quốc tế. Nhiều nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang dần giảm tốc, các dấu hiệu bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đang dần hiện rõ.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp hiện đang rất quan tâm về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong trong Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, ông Tuấn nêu rõ.

Theo Nghị quyết 01/2023, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực, tăng cường phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; tăng cường chuyển đổi số, thực hiện công tác thống kê, báo cáo kịp thời, chính xác; định kỳ hằng quý cập nhật kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

“Những chỉ đạo và giải pháp đề mà Chính phủ đề ra rất đúng trọng tâm, đúng mong muốn, đúng thực tế. Nếu khâu thực thi tốt và cơ cơ chế giám sát tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung, và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng”, ông Tuấn kỳ vọng.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Trong các mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết 01 đề ra, Phó Tổng thư ký VCCI cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.

“Chúng ta lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn của toàn cầu, bất ổn về tài chính trên thế giới. Đây là giải pháp quan trọng nhất mà Quối hội và Chính phủ cần phải thực hiện trong năm 2023”, ông Tuấn nói.

Một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Đối với những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2023”, ông Tuấn nêu.

Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, trong năm 2022, khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thì mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Chính vì vậy, trong năm 2023, để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì rất cần sự quan tâm của lãnh đạo bộ ngành địa phương.

Bởi thực tế, ở đâu có bộ ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thì ở đó có sự thay đổi tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

“Nếu chúng ta thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, thì trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp Việt rất có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó phục hồi qua giai đoạn khó khăn, đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới”, bà Thảo tin tưởng.

Theo Nguyễn Ngọc/nhipsongkinhdoanh.vn