Nghịch cảnh thị trường Tết

Theo toquoc.gov.vn

(Tài chính) Trong khi hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết đang vào mùa cao điểm, doanh số tăng vùn vụt thì hàng điện máy, điện lạnh lại “héo hắt” chờ khách.

Hàng điện máy, điện lạnh “héo hắt” chờ khách. Nguồn: internet
Hàng điện máy, điện lạnh “héo hắt” chờ khách. Nguồn: internet

Tăng tốc sản xuất hàng bán Tết

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ tháng cao điểm Tết (từ ngày 20/1 – 18/2) là 9.262,8 tỷ đồng.

Tương tự, tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp của thành phố và các hộ kinh doanh đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 16.000 tỷ đồng phục vụ Tết, tăng 10-15% so với năm 2014. Ngoài ra, với nguồn vốn của mình, các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ số lượng hàng hóa tăng gấp đôi so với lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ.

Mặc dù còn hơn hai tuần nữa mới đến Tết nhưng tại các siêu thị, các mặt hàng phục vụ Tết như: bánh kẹo, bia rượu, hoa quả, mứt…đã bắt đầu được bán ra với số lượng tăng từng ngày.

Đại diện siêu thị Hapromart cho biết: “Các sản phẩm bánh, kẹo, rượu, bia được nhập 70% từ các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Sức tiêu thụ tương đối ổn định, số lượng người đến sắm Tết bắt đầu tăng nhẹ”.

Chị Phương, chủ đại lý bánh kẹo trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết, cửa hàng đã bắt đầu đông khách hơn so với ngày thường. Thậm chí, chị đã phải gọi người nhà ra tăng cường, hỗ trợ bán hàng.

“Tôi đã nhập khoảng 500 thùng bánh kẹo, gần 1.000 thùng bia, số lượng tăng gấp ba lần so với ngày thường. Hiện tại, người mua cũng nhiều mà người xem xét, khảo sát giá cũng không ít”, chị Phương cho biết.

Tại các siêu thị Vinmart, Metro Hoàng Mai, Lotte, Hapro…hàng hóa Tết với nhiều màu sắc sặc sỡ đã được bày kín các kệ, trông rất bắt mắt. Đặc biệt là bánh kẹo, lạp xưởng, ô mai, hoa quả khô và cả hàng tươi sống…đều có mẫu mã mới rất thu hút khách hàng.

Thậm chí, dù không phải ngày cuối tuần nhưng khách hàng vẫn “đổ” đến các siêu thị vào buổi tối để tìm hiểu về hàng Tết.

“Việc hàng Tết đã lên kệ đầy ắp với rất nhiều màu sắc tươi mới, hàng hóa mới lạ đã hấp dẫn người dân hiếu kỳ tìm hiểu và mua sắm. Một số tranh thủ mua hàng sớm để gửi về quê biếu người nhà, một số thì tranh thủ mua hàng Tết nhiều khuyến mãi rồi để dành ra Giêng dùng”, đại diện siêu thị Vinmart (Khu đô thị Times City) cho biết”.

U ám thị trường điện máy

Khác với không khí nhộn nhịp của thị trường hoa quả, bánh kẹo…Tết, bức tranh thị trường điện máy, điện lạnh cuối năm lại có phần u ám.

Để phục vụ Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị điện máy như: Pico, Trần Anh, Lazada…cũng mở các chương trình “chợ Tết” nhằm hút khách. Các hệ thống siêu thị điện máy, điện tử đã liên kết với các tập đoàn điện tử, các đối tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tín dụng cùng triển khai các chương trình ưu đãi mua sắm và các giải pháp thanh toán tiện ích cho khách hàng.

Đón đầu nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng, Nguyễn Kim tiếp tục triển khai chương trình: “Nguyễn Kim và Mùa mua sắm 2015” với sự tài trợ của các tập đoàn điện tử ưu đãi trực tiếp trên giá giảm đến 30%; tổ chức thanh toán Master Card, giảm thêm 10% giá tủ lạnh king size và giảm thêm 2.000.000 đồng cho dòng ti vi thông minh màn hình lớn; tài trợ lãi suất 0% từ các ngân hàng khi mua trả góp và hàng ngàn quà tặng mừng Xuân giá trị từ các tập đoàn điện tử…

Cùng với đó, siêu thị điện máy Thiên Hòa cũng có chương trình “Chào năm 2015” kéo dài đến 24/1/2015 giảm đến 50% nhiều sản phẩm điện máy, điện tử; miễn phí 100% phí sửa chữa, bảo trì sản phẩm khi hết hạn bảo hành; tặng 13.000 phần quà cho khách mà không cần mua hàng; thu đổi tivi, máy giặt, máy lạnh cũ; mua hàng trả góp lãi suất 0%...

Mặc dù các siêu thị “tung ra nhiều chiêu trò” hút khách song trường điện máy dường như đang rơi vào tình trạng không mấy sáng sủa.

Một số quan điểm cho rằng, thị trường điện máy Việt Nam đang diễn ra "các cuộc chiến" nhằm "tiêu diệt" lẫn nhau và phân chia lại thị phần. Lượng người mua sắm dịp này không bật tăng như kỳ vọng. Người mua hầu như tập trung vào mặt hàng gia dụng, có mức tăng khoảng 20%.

Điều này dễ dàng nhận thấy khi các hệ thống bán lẻ điện máy liên tục rầm rộ triển khai các chương trình khuyến mại “khủng” vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm để “kéo khách về phía mình”, cùng lúc với một số siêu thị lớn đột ngột đóng cửa. Mới nhất là hệ thống siêu thị điện điện máy Topcare vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng.

Đại diện một hệ thống siêu thị điện máy lớn tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu trong năm, siêu thị đã sử dụng đòn bẩy liên kết với các đối tác trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến mãi, đồng thời mạnh dạn đổi mới cách bán hàng, thông qua phương thức bán hàng trả góp. Cách làm này sẽ giải tỏa về tài chính, giúp khách hàng mạnh dạn mua sắm cuối năm hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thực tế là càng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi thì các nhà sản xuất càng phải chịu áp lực nặng nề từ việc tăng chiết khấu cho nhà phân phối. Nếu các siêu thị cứ tăng mức chiết khấu để chạy các chương trình khuyến mãi để hút khách, sẽ đẩy các thương hiệu thuần Việt vào ngõ cụt vì họ không có đủ năng lực tài chính.