Nghịch lý bất thường mới trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy điều gì?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Những cổ phiếu một thời là tâm điểm tăng nóng của thị trường giờ đây đang bị bán mạnh dù rằng dịch COVID-19 có nhiều diễn biến căng thẳng mới.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Đã có một điều khá ngược đời xảy ra trong quá trình thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm thời gian gần đây.

Các cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khi người tiêu dùng ở nhà hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch COVID-19 và các quy định phong tỏa đi kèm ví như Etsy, DoorDash, Zoom và DocuSign giảm sâu nhất trong tuần. 

Đây là phản ứng ngược lại mà các chuyên gia và giới đầu tư có thể nghĩ ra bởi trước đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nói rằng biến chủng Omicron tiềm ẩn rủi ro lớn với toàn cầu và có thể sẽ lây lan ra toàn thế giới.

Đợt bán mạnh cổ phiếu cho thấy rằng nhà đầu tư đang tin, dù biến chủng Omicron có gây ra các đợt bùng dịch đến như thế nào, nước Mỹ sẽ không quay trở lại thời kỳ phong tỏa từng giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hóa và dịch vụ truyền trực tiếp trên truyền hình tăng trưởng bùng nổ, nhiều người buộc phải làm việc tại nhà cũng như có các cuộc đối thoại dài vô tận trên các ứng dụng với bạn bè và thành viên trong gia đình.

Cổ phiếu của công ty sở hữu phần mềm Zoom, một trong những phần mềm được sử dụng nhiều nhất trong thời kỳ đại dịch, rơi xuống mức thấp nhất trong 52 tuần là 177,12USD/cổ phiếu, giảm đến 69% so với mức cao kỷ lục vào tháng 10/2020. 

Cổ phiếu của công ty sở hữu phần mềm giao dịch thương mại trực tuyến Etsy, nơi được coi như “thiên đường” cho những người mua khẩu trang thời kỳ đầu đại dịch COVID-19, giảm 20,6% trong tuần. Cổ phiếu công ty vận chuyển thực phẩm DoorDash hạ 16%; cổ phiếu Roku hạ 13%; cổ phiếu Shopify hạ 10,5% còn cổ phiếu Netflix mất 9,5% giá trị.

Cùng lúc đó, công ty sản xuất phần mềm ký trực tuyến DocuSign, sau khi tăng gấp 3 lần về giá trị trong năm ngoái, đã giảm thê thảm trong ngày thứ Sáu sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh suy yếu nhanh hơn so với kỳ vọng, theo phân tích của chuyên gia thuộc JP Morgan – ông Sterling Auty.

Lĩnh vực công nghệ vì vậy chịu ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số Nasdaq Composite hạ hơn 1,9% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và mất 2,6% giá trị trong tuần qua và như vậy có tuần giảm điểm tồi tệ thứ 5 trong năm nay. Báo cáo việc làm Mỹ gây thất vọng công bố vào cuối tuần đã góp phần dẫn đến sự suy giảm trên thị trường vào phiên ngày thứ Sáu.

Tuy nhiên, trong khi cổ phiếu của một số hãng công nghệ giảm điểm, cổ phiếu của một số hãng khác vẫn tăng điểm trong tuần. Nhà đầu tư rút tiền khỏi các cổ phiếu có nhiều biến động và chuyển sang các cổ phiếu của doanh nghiệp trả cổ tức cao.

Vào đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ rất quan tâm đến việc áp lực lạm phát dâng cao, chính vì vậy có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu từng được tính toán để giúp hỗ trợ nền kinh tế.

Sau tuyên bố của ông Powell, Apple là cổ phiếu công nghệ duy nhất tăng điểm.

“Đã có một cuộc dịch chuyển sang cổ phiếu của nhóm các doanh nghiệp được tin sẽ vượt qua khủng hoảng tốt, không phá sản và không có căng thẳng tài chính”, chuyên gia phân tích tại tổ chức Needham – bà Laura Martin phân tích với CNBC.

Cổ phiếu Apple giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu nhưng vẫn tăng được hơn 3% trong tuần. Cổ phiếu JP tăng khoảng 8% trong tuần và chạm mức cao chưa từng thấy vào ngày thứ Sáu. CEO của HP, ông Enrique Lore, vào tuần trước nói rằng công ty dự báo nhu cầu máy tính cá nhân sẽ tăng cao trong tương lai gần.

Cổ phiếu Cisco và Broadcom tăng hơn 2% trong tuần này; cổ phiếu Intel và Qualcomm tăng chưa đầy 1%.

Còn với tổng quan cổ phiếu ngành công nghệ Mỹ, thị trường nhìn chung chìm trong “sắc đỏ”. Cổ phiếu Facebook, AMD, Adobe và Tesla đều giảm hơn 6% trong tuần; cổ phiếu công ty kinh doanh dịch vụ đám mây Asana mất đến 36,8% còn cổ phiếu Bill.com hạ 21%.