Nhìn lại những biến động của tỷ giá

Trên phương diện lý thuyết, tỷ giá, lạm phát, chính sách thương mại là những nhân tố tác động đến xuất nhập khẩu của một quốc gia, trong đó có thể coi tỷ giá là nhân tố chính. Khi các yếu tố khác không đổi, đồng nội tệ tăng giá làm cho hàng hóa trong nước trở nên đắt tương đối so với hàng hóa nước ngoài, điều này sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng hóa nước ngoài và hạn chế xuất khẩu hàng hóa trong nước đưa đến xuất khẩu ròng giảm. Ngược lại, đồng nội tệ giảm giá sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Giai đoạn năm 2008 – 2009 ghi nhận nhiều nhất những biến động của chính sách tỷ giá trên thị trường tiền tệ Việt Nam (đầu năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO). Từ quý II/2008, lạm phát bắt đầu tăng nhanh và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dần lộ diện đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam. Từ giữa năm 2008, cùng với suy thoái kinh tế, luồng đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã bắt đầu đảo chiều.

VND liên tục mất giá so với USD, xu hướng này kéo dài đến hết năm 2009. Cho đến cuối năm 2009, tỷ giá chính thức VND/USD đã tăng 5,6% so với cuối năm 2008. Nếu như trong năm 2008, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) biến động liên tục, đầu năm còn có giai đoạn thấp hơn tỷ giá chính thức, thì trong năm 2009 lại là một năm mà tỷ giá niêm yết tại các NHTM luôn ở mức trần của biên độ giao động mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Trong cả năm, áp lực về cung cầu trên thị trường ngoại hối cùng với áp lực tâm lý đã khiến tỷ giá trên thị trường tự do ngày càng rời xa tỷ giá chính thức. Tình trạng nhập siêu kéo dài và ngày càng tăng từ tháng 3 đến cuối năm 2009.

Bên cạnh đó, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đã khiến cho nhu cầu về USD càng tăng để phục vụ việc nhập khẩu vàng. Giá vàng và giá USD đều đã tăng mạnh. Người dân đẩy mạnh mua ngoại tệ trên thị trường tự do, giá USD trên thị trường chợ đen tăng cao. Do khan hiếm nguồn cung USD, các doanh nghiệp cũng phải nhờ đến thị trường chợ đen hoặc phải cộng thêm phụ phí khi mua ngoại tệ tại các NHTM. Tâm lý hoang mang mất lòng tin vào VND làm tăng cầu và giảm cung về USD đã đẩy tỷ giá thị trường tự do tăng lên hàng ngày.

Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam - Ảnh 1

Vào ngày 26/11/2009, NHNN đã phải chính thức phá giá VND lên mức 5,4% (tỷ lệ phá giá cao nhất trong một ngày kể từ năm 1998) để chống đầu cơ tiền tệ và giảm áp lực thị trường, đồng thời thu hẹp biên độ dao động xuống còn +/-3% (trước đó cuối tháng 12/2008, NHNN đã phá giá VND ở mức 3%).

Cùng với chính sách điều chỉnh tỷ giá, vào thời điểm này, NHNN đã nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm. Những chính sách này được cho là hợp lý nhưng không kịp thời. VND tiếp tục mất giá thể hiện qua việc tỷ giá trên thị trường tự do vào thời điểm cuối năm 2009 vẫn đứng vững ở mức cao, khoảng 19.400 VND/USD và các NHTM tiếp tục giao dịch ở mức trần. Vào cuối năm 2009, kỳ vọng mất giá của VND vẫn còn rất lớn.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thì dầu thô, hàng dệt may, thủy sản và gạo chiếm tỷ trọng tương đối lớn (khoảng gần 40%), mà giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này chủ yếu dựa vào kết quả của hoạt động sản xuất và khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế hơn là tỷ giá hối đoái. Do vậy, việc giảm giá VND không chắc đã làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Do các áp lực buộc phải phá giá VND, đến ngày 11/02/2010, NHNN đã phải tăng tỷ giá chính thức từ 17.941 VND/USD lên 18.544 VND/USD, tương đương với việc phá giá 3,3%.

Cùng với việc nâng tỷ giá này, NHNN đã thực hiện hàng loạt các biện pháp hành chính nhằm giảm áp lực lên thị trường ngoại hối như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ, chấm dứt việc giao dịch vàng trên các tài khoản ở nước ngoài của các NHTM và các tổ chức tín dụng, đóng cửa các sàn vàng, tăng lãi suất cơ bản lên 8%/năm.

Vào ngày 17/08/2010, NHNN lại đột ngột tăng tỷ giá thêm 2,1% lên 18.932 VND/USD mặc dù lúc đó áp lực thị trường vẫn chưa rõ ràng và khoảng cách giữa tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá chính thức vẫn đang ở mức thấp khoảng 500 VND/USD.

Ngay lập tức, các NHTM tăng tỷ giá của họ lên kịch trần. Động thái của NHNN có thể đã giúp giảm áp lực và ổn định tỷ giá nếu không có nhiều những yếu tố bất lợi diễn ra trong những tháng cuối của năm 2010.

Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam - Ảnh 2

Yếu tố đầu tiên và có lẽ là yếu tố quan trọng nhất là việc giá vàng quốc tế tăng cao kỷ lục dẫn đến giá vàng trong nước còn tăng cao hơn do đầu cơ. Kết quả của sự dư cầu ngoại tệ là tỷ giá thị trường tự do bắt đầu tăng từ tháng 9/2010 lên 20.500 VND/USD vào giữa tháng 10 và lên đến mức kỷ lục là trên 21.500 VND/USD vào cuối tháng 11.

Không thể tiếp tục duy trì tỷ giá, NHNN đã tuyên bố mức phá giá cao nhất trong lịch sử (9,3%) vào đầu tháng 2/2011, nâng tỷ giá chính thức lên 20.693 VND/USD và giảm biên độ xuống còn +/-1%. Nỗ lực này đã không có kết quả ngay lập tức. Tỷ giá thị trường tự do vọt lên trên 22.100 VND/USD trong vòng vài ngày kể từ sau lần phá giá này. Sau đó, trong năm 2012, thành công lớn nhất của NHNN là giữ được tỷ giá ổn định không có những diễn biến bất thường.

Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất khẩu ở Việt Nam

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của tỷ giá đến việc tăng khả năng xuất khẩu của Việt Nam còn có những hạn chế nhất định, do trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng nông thủy sản, sản phẩm tài nguyên, như dầu thô, cao su... Thêm vào đó, trong cấu thành các mặt hàng xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến 70% là giá trị hàng nhập khẩu. Vì thế, sẽ có hiệu ứng trung chuyển của tỷ giá vào hàng hoá được sản xuất để xuất khẩu.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thì dầu thô, hàng dệt may, thủy sản và gạo chiếm tỷ trọng tương đối lớn (khoảng gần 40%), mà giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này chủ yếu dựa vào kết quả của hoạt động sản xuất và khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế hơn là tỷ giá hối đoái. Do vậy, việc giảm giá VND không chắc đã làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu bởi năng lực cạnh tranh chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen nhau. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu và hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ở Việt Nam đều còn hạn chế. Có thể thấy rõ điều này trong cơ cấu tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian gần đây.

Kết luận và khuyến nghị

Có thể thấy rằng, nếu phá giá VND không chắc giúp Việt Nam tăng được xuất khẩu mà còn tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát, đối với những hàng hóa được sản xuất cho mục đích sử dụng trong nước nhưng phải nhập khẩu nguyên vật liệu.

Trong trường hợp cần thiết phải phá giá VND thì phải tính đến yếu tố tâm lý – yếu tố luôn mang tính quyết định tại Việt Nam. Làm sao để các thành phần kinh tế thấy được việc phá giá là cần thiết và sẽ không kỳ vọng việc tiếp tục phá giá.

Cầu của thế giới đối với những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tương đối ổn định và sẽ không tăng đột biến nếu giá của những hàng hóa này giảm, vì cầu của thị trường thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có độ co giãn thấp về giá. Việt Nam là nước chấp nhận giá, không phải là người định giá cho các hàng hóa trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, giá thế giới tăng cao, cầu nước ngoài đối với hàng hóa của chúng ta tăng thì chúng ta cũng khó tăng được lượng cung vì việc mở rộng sản xuất chỉ có thể hoàn thành trong dài hạn, trong khi chúng ta đã đạt đến sản lượng tiềm năng trong một số lĩnh vực chính trong xuất khẩu (gạo, dầu thô, cao su…). Đây là yếu tố mà phá giá tiền tệ khó tác động được.

Việc điều chỉnh tỷ giá thường tác động ngay đến chi phí nhập khẩu và có độ trễ nhất định đối với giá xuất khẩu. Hàm lượng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu của Việt Nam là 70% thì khi tỷ giá tăng sẽ làm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí vay nợ ngoại tệ tăng, đưa đến tăng giá thành sản xuất, làm mặt bằng chung của giá cả trong nước tăng theo, điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, khi mức tăng xuất khẩu và mức giảm nhập khẩu không đủ để bù đắp cho việc phải trả giá cao hơn cho hàng nhập khẩu sẽ dẫn đến thâm hụt lớn hơn trên cán cân thương mại, làm gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Không thể giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu trong khi nguyên vật liệu đầu vào chiếm 70% giá trị hàng xuất khẩu và là nhân tố quan trong để sản xuất hàng xuất khẩu.

Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam - Ảnh 3

Trong trường hợp cần thiết phải phá giá VND thì phải tính đến yếu tố tâm lý – yếu tố luôn mang tính quyết định tại Việt Nam. Làm sao để các thành phần kinh tế thấy được việc phá giá là cần thiết và sẽ không kỳ vọng việc tiếp tục phá giá. Trong năm 2010, NHNN đã tiến hành phá giá hai lần với biên độ nhỏ đã tạo ra kỳ vọng sẽ có đợt phá giá tiếp theo. Điều này đã tạo ra ảnh hưởng xấu không những đối với thị trường ngoại hối mà còn cả thị trường hàng hóa.

Tuy nhiên, đợt phá giá năm 2011 với biên độ lớn lại không tạo hiệu ứng tâm lý như vậy. Các thành phần khác trong nền kinh tế sau đợt phá giá này không kỳ vọng trong ngắn hạn NHNN sẽ tiếp tục phá giá. Đây là một trong những nhân tố giúp ổn định tỷ giá trong cả năm 2011 và 2012. Do đó, việc phá giá tiền tệ một lần với biên độ lớn sẽ khiến nền kinh tế phải điều chỉnh để thích nghi và quan trọng hơn cả là sẽ không tạo ra tâm lý chờ đợi có sự phá giá tiếp trong ngắn hạn để có thể gây ra lạm phát kỳ vọng.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2001-2011), Báo cáo thường niên các năm;

2. Tổng cục Thống kê (2001 – 2011), Niên giám thống kê các năm;

3. Noer Azam Achsani và các đồng sự, The Relationship between Inflation and Real Exchange Rate: Comparative Study between ASEAN+3, the EU and North America, European Journal of Economics, Finance and Administrative Sciences, ISSN 1450-2275 Issue 18 (2010);

4. Nguyễn Trần Phúc và Nguyễn Đức Thọ (2009). Exchange Rate Policy in Vietnam, 1985–2008, ASEAN Economic Bulletin, Vol 26, No 2, August 2009.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam

ThS. Hoàng Đình Minh

(Tài chính) Trong thời gian gần đây, một số chuyên gia cho rằng cần phá giá nhẹ tiền đồng để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2013. Bài viết này trình bày những vấn đề cơ bản về tỷ giá, xuất nhập khẩu và mối quan hệ giữa hai đại lượng này cùng một số nhận định về chính sách tỷ giá và đưa ra các đề xuất.

Xem thêm

Video nổi bật