Lợi - hại việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc thu hút nhà đầu tư ngoại bỏ vốn vào các ngân hàng được cho là sẽ hỗ trợ hiệu quả quá trình tái cơ cấu. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần tính đến chuyện nới rộng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài, thay vì mức tổng sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại một ngân hàng hiện nay tối đa chỉ 30% cổ phần. Vậy, việc nâng tỷ lệ sở hữu này sẽ có lợi – hại như thế nào?

Lợi - hại việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Gpbank đã được Tập đoàn tài chính UOB của Singapore đề xuất mua cổ phần. Tuy nhiên, UOB có mong muốn được sở hữu tỷ lệ cổ phiếu lớn hơn so với giới hạn với nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Vì lý do này, hiện câu chuyện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của Gpbank vẫn chưa được giải quyết xong. Các chuyên gia tài chính cho rằng, cần phải nới rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy nếu nới rộng tỷ lệ sở hữu, hay gọi là nới room cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ngân hàng sẽ mang lại lợi ích gì? Về câu hỏi này, theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, việc nới room với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp ngân hàng trong nước có thêm vốn hoạt động; nâng cao kỹ năng quản trị; được chuyển giao công nghệ; tăng cường minh bạch thông tin; thể hiện cam kết của nước ta khi tham gia Tổ chức kinh tế thế giới (WTO)...

Theo các chuyên gia, để thực hiện tái cơ cấu thì những ngân hàng yếu kém ở nước ta rất cần sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, việc giới hạn mức đầu tư tối đa 30% như hiện nay khiến nhà đầu tư ngoại khó triển khai chuyển giao công nghệ và quản trị hiện đại cho ngân hàng trong nước. Điều này ít nhiều làm các nhà đầu tư ngoại nản lòng và đã có những nhà đầu tư rút vốn khỏi ngân hàng trong nước.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiện chưa nên mở rộng cánh cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi sự mở cửa quá nhanh có thể làm tổn thương thị trường. Giải pháp hợp lý là từ nay đến thời hạn phải mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính theo cam kết gia nhập WTO (năm 2020) cần thực hiện mở cửa theo lộ trình. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng trong nước nên điều chỉnh tăng dần để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thực tế cũng cho thấy, việc nới room quá rộng có thể tạo cú sốc. Trong năm 2007, khi nước ta bắt đầu gia nhập WTO, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng nhanh, lên tới trên 60 tỷ USD và giải ngân cũng khá lớn. Nước ta đã gặp áp lực lạm phát cùng với tín dụng trong nước tăng nhanh tới 53% trong năm 2007 và lên đến 23% trong năm 2008.

Bài học này cho thấy, cần phải có những kiểm soát dòng vốn ngoại, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn hay việc quản lý vốn cũng gặp không ít khó khăn. Bởi thị trường tài chính hiện nay phức tạp hơn, rộng hơn, tinh vi hơn. Từ thực tế này, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất, nên phân loại sức khỏe của các ngân hàng nội, lấy đó làm căn cứ để nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại cho từng đối tượng ở các mức độ khác nhau. 

Dù đồng tình với việc nới rộng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư ngoại, nhưng cũng có ý kiến lo ngại tình trạng sở hữu chéo gia tăng. Trong khi, sở hữu chéo đang là nỗi lo chưa kiểm soát được, gây hại cho nền kinh tế. Song, đa số chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là điều không đáng ngại, bởi các nước xảy ra tình trạng này vẫn kiểm soát được.

Các nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào nước ta đều phải chịu sự giám sát của Ngân hàng Trung ương của nước họ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hơn nữa, nếu chọn đối tác nước ngoài có uy tín trên thế giới và khu vực, có năng lực tài chính, để bán vốn ngân hàng nội, thì sẽ kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.

Điều đáng lo hơn là tình trạng sở hữu chéo của chính các nhà đầu tư trong nước. Các ông chủ ngân hàng đồng thời cũng là các ông chủ doanh nghiệp, tập đoàn lớn.