Cụm liên kết ngành - công cụ chính sách quan trọng

Trong vài thập niên gần đây, một công cụ chính sách quan trọng trên thế giới được sử dụng rộng rãi là CLKN. Thực tiễn thế giới cho thấy, việc phát triển một mạng lưới CLKN hữu hiệu sẽ tạo điều kiện giúp tăng năng lực cạnh tranh.

Điển hình là sự gần kề về địa lý tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin và các nguồn lực khác. Việc phát triển mạng lưới CLKN cũng giúp nâng cao trình độ công nghệ trong nước, phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác.

Qua kiểm chứng, sự lớn mạnh của một CLKN thường kéo theo sự gia tăng và phát triển của các doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong hoạt động CNHT sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu tư và dây chuyền công nghệ hiện đại. Đây là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển ngành CNHT.

Mặt khác, CNHT cũng là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển công nghiệp bởi quá trình phát triển CLKN thực sự sẽ phải dựa vào sự phát triển của nhóm ngành CNHT. CLKN sẽ dễ dàng chinh phục được những thị trường mà các DNNVV không thể thâm nhập nếu hoạt động riêng lẻ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào phân công lao động của khu vực và thế giới, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao trình độ sản xuất, trong đó hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng lao động. Việc gắn kết phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) với phát triển CNHT được nhìn nhận như một giải pháp tích cực và hiệu quả trong quá trình hội nhập và nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, sựgắn kết này trong thời gian qua nhìn chung là còn rất yếu.

Nhằm thúc đẩy vàhỗ trợ các ngành công nghiệp vàDN nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủtướng Chính phủđãban hành Quyết định số 1914/QĐ/TTg ngày 19/10/2010 phê duyệt Đề án: “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Đề án: “Phát triển CCN, KCN gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”.

“Manh nha” một số cụm liên kết ngành ở Việt Nam

Những năm gần đây đang chứng kiến làn sóng các DNNVV Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực CNHT tại Việt Nam. Điều này đã tác động tới quy hoạch phát triển của một số địa phương. Chẳng hạn, thay vì quy hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của DN theo mô hình đa ngành nghề như hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi ngành hàng liên kết với nhau trong một KCN, CCN như ngành cơ khí, nhựa hay điện tử...

Cần phải nói rằng, khi thu hút các DN hỗ trợ của Nhật Bản vào CCN, KCN, Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác định lợi ích rất lớn là sau khoảng 10 - 20 năm nữa, các DN Việt Nam sẽ có lực lượng lao động đủ mạnh và học được kinh nghiệm điều hành sản xuất để phát triển CNHT Việt Nam. Đây là hướng đi tích cực trong bối cảnh sự phát triển của KCN, CCN ở nhiều địa phương đang bị cho là dàn trải, không hiệu quả.

Cũng liên quan tới vấn đề này, từ năm 2009, Dự án “Phát triển cụm các DNNVV” đã được Chính phủ Italia phối hợp với Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi động, nhằm lựa chọn và phát triển tối đa 3 cụm hoặc mạng lưới DNNVV trên một số lĩnh vực mũi nhọn tại Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các DN Italia. CLKN giúp các DN đạt được mục đích cuối cùng là có được lợi ích cốt lõi về cạnh tranh tạo ra nhờ quy mô tập trung, dân cư và đô thị phát triển…

Tại Hà Nội, hiện nay đã có một số KCN, CCN có tính liên kết ngành ở mức độ nhất định. Chẳng hạn như KCN Bắc Thăng Long liên kết giữa các DN lắp ráp cơ điện tử lớn đến từ Nhật Bản như Canon, Panasonic với các DN cung cấp phụ tùng linh kiện cũng đến từ Nhật Bản như Nissei, Santomas, Yasufuku…

Bàn về lựa chọn mô hình thí điểm CLKN

Đối với các nền kinh tế mới nổi, như trường hợp Việt Nam, chiến lược tạo lập một mạng sản xuất, một chuỗi giá trị riêng khép kín hay một phân đoạn hạ nguồn (phát triển công nghiệp nặng) hoặc phân đoạn thượng nguồn (phát triển công nghiệp nhẹ) đều không phù hợp trong giai đoạn toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Điều này đã được thực tiễn minh chứng. Do vậy, chủ trương phát triển CNHT, tham gia vào mạng sản xuất và vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể là một chiến lược công nghiệp đúng đắn. Vấn đề là chọn mô hình liên kết kiểu nào?

Dưới đây là một số ý tưởng của tác giả về mô hình CLKN cho Việt Nam dựa trên những gì thu nhận được từ lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đang xảy ra:

Thứ nhất, không nên “thiết kế” một mô hình CLKN chung cho cả nền kinh tế.

Trong quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, một DN có nhiều sự lựa chọn vị trí cho mình. DN có thể đứng riêng lẻ, độc lập tương đối, tự thân vận động; có thể tham gia chuỗi giá trị trong nước, hay có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tùy thuộc vào mục tiêu phát triển của mình. Sự đa dạng trên, một cách tự nhiên, sẽ dẫn đến sự đa dạng về liên kết. Như vậy, đối với DN trong các ngành hướng xuất khẩu thì hợp tác quốc tế CLKN là yếu tố hàng đầu, trong khi những DN trong các ngành đáp ứng nhu cầu trong nước hay định hướng nội địa hóa để thay thế nhập khẩu thì CLKN trong nước có thể là lựa chọn tối ưu trong một giai đoạn nhất định.

Thứ hai, phát triển và hình thành mô hình theo tính chất ngành.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, nước này đã và đang tập trung phát triển 3 loại hình CLKN là: CLKN cho các ngành có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao (công nghệ điện tử viễn thông và công nghệ thông tin (IT); CLKN cho các ngành thông thường, những ngành thâm dụng vốn kết hợp với thâm dụng kỹ thuật (chế tạo xe hơi); và CLKN cho các ngành truyền thống (dệt, may, da giày…).

Ở Việt Nam, đối với các ngành công nghệ cao, từ hơn 10 năm nay, chúng ta đã và đang xây dựng (mang tính thử nghiệm) các khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Loại hình này, có thể củng cố và phát triển thành mô hình CLKN công nghệ cao.

CLKN sản xuất ô tô là một hướng mà người Nhật đang theo đuổi mạnh mẽ ở các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam. Họ đã thành công ở Thái Lan, còn ở Việt Nam thì chưa. Trong nước, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, chúng ta có Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải mang dáng dấp của một CLKN. Còn đối với các sản phẩm điện tử, người Nhật đã thiết lập được CLKN khá thành công cho chính các DN 100% vốn của họ. Các DN Việt Nam hầu như chưa tham gia vào những liên kết này. Mô hình kiểu tích hợp này cần được củng cố và có chính sách khuyến khích, mở rộng để thu hút các DN nội địa.

Những ngành “truyền thống” như dệt may, da giày có định hướng xuất khẩu rất cao thì liên kết quốc tế, hay nói cách khác, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có ý nghĩa sống còn cho các DN Việt Nam. CLKN cho các DN ngành này nên theo hình Marshal, theo đó hạt nhân là các DN may mặc hoặc da giày xuất khẩu và các DN Việt Nam (chủ yếu là các DN Việt Nam) sản xuất các linh kiện, phụ kiện, chi tiết… hỗ trợ cho DN “mỏ neo”. Ngày 24/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT, trong đó dệt may và da giày thuộc nhóm 8 ngành được Nhà nước tập trung phát triển CNHT. Tỉnh Hưng Yên hiện có KCN chuyên doanh dệt may Phố Nối. Đây có thể là một hình mẫu cần nhân rộng.

Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, một số làng nghề, phố nghề như gạch Bát Tràng, dệt La Phù, gỗ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái, thép Đa Hội đã có dáng dấp của CLKN. Mô hình liên kết trong nước này cần hoàn thiện theo hướng củng cố hạ tầng kỹ thuật và môi trường để phát triển thành những CLKN bền vững và hiệu quả hơn.

Thứ ba, về chọn địa điểm phát triển CLKN.

Những tỉnh, thành phố, nơi quy tụ nhiều DN, nơi thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cả thị trường hàng hóa là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Điểm cần lưu ý là tập trung vào một khu vực địa lý không có nghĩa là đưa DN vào một khu có tường rào bao quanh như các KCN, CCN hiện nay. CLKN không có tường rào mà chỉ có ranh giới địa lý đủ gần để liên kết các DN và giảm thiểu chi phí “không gian”.

Thứ tư, về vai trò của chính quyền.

Cũng giống như nhiều hiện tượng kinh tế khác, CLKN xuất hiện nhờ sáng kiến từ dưới lên hoặc từ trên xuống. Với sáng kiến từ dưới lên, các CLKN hình thành và phát triển một cách tự nhiên và tự phát nhưng xuất phát từ nhu cầu thực. Còn với cách áp đặt từ trên xuống, can thiệp sâu, thì khả năng thành công rất ít. Chẳng hạn, trong chính sách thí điểm phát triển vườn ươm DN ở nước ta, 3 trong số 10 vườn ươm do các cấp chính quyền thành lập đã thất bại, các vườn ươm còn lại đang cố “bươn chải” để tồn tại.

Như vậy, có thể thấy, nên dựa vào sáng kiến từ dưới lên. Nhà nước nên đóng vai trò kích thích sáng kiến của giới DN, định hướng và khuyến khích việc hình thành CLKN từ sáng kiến của họ và trợ giúp thật mạnh về mặt hạ tầng, tài chính, công nghệ, đào tạo và tư vấn thông qua các chương trình dài hạn.

Cũng cần phải lưu ý đến “mặt trái” của việc phát triển các CLKN. Đó là, chúng có thể dẫn tới một nền kinh tế phi cân bằng quá mức giữa các vùng miền hoặc giữa các khu vực dân cư. Những CLKN tham gia muộn có thể sẽ không có sức cạnh tranh cao.

Để đạt được những thành công như hiện nay, trong một thời gian dài Nhật Bản đã xây dựng và triển khai kế hoạch chính sách CLKN một cách công phu. Để hình thành một CLKN, Bộ Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) đã tiến hành 4 bước: (i) phân tích đặc điểm của địa phương; (ii) xác định mạng lưới có thể có; (iii) mở rộng phạm vi mạng lưới; và (iv) thúc đẩy tâp trung công nghiệp và đổi mới. Ba nhóm chính sách mà METI thực hiện là: (i) xây dựng mạng lưới; (ii) hỗ trợ DN (nghiên cứu và phát triển thị trường, quản lý, đào tạo); và (iii) thúc đẩy liên kết (giữa tổ chức tài chính – công nghiệp – cơ sở đào tạo).

Kinh nghiệm của Nhật Bản rất đáng để chúng ta học tập. Ngoài ra, việc hình thành và xây dựng các CLKN là công việc phức tạp đòi hỏi phải có sự tham gia, cộng tác giữa nhiều bộ, ngành, chính quyền các cấp. Trong đó, cần phải tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cụ thể ở đây là Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), để xây dựng thí điểm một số CLKN để qua đó đánh giá về mức độ kết nối giữa các cơ quan, bộ phận trong cụm cũng như vai trò tham gia của Nhà nước trong những mối quan hệ mang tính thị trường này.

Tài liệu tham khảo:

1. Đề tài khoa học cấp bộ “Liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nội địa trong phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Một số vấn đề chính sách”, Chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, 11/2010;

2. Tea Petrin, CLKN– một công cụ chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tri thức, Tạp chí Quản lý Kinh tế, số chuyên đề 2011;

3. Phạm Sỹ Thành, Thực trạng và kinh nghiệm phát triển CLKN ở Trung Quốc, Tạp chí Quản lý kinh tế, số chuyên đề 2011.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Mô hình nào cho cụm liên kết ngành ở Việt Nam?

PGS.,TS. Nguyễn Đình Tài

(Tài chính) Thực tiễn cho thấy, hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam đã tương đối phát triển và có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của các cụm liên kết ngành (CLKN) đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết cung cấp một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển CLKN, trên cơ sở đó đưa ra một số gợi ý chính sách.

Xem thêm

Video nổi bật