Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng năm 2015
(Tài chính) Khép lại năm 2014 với ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì vững chắc, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét và đồng đều được ở hầu hết các lĩnh vực chủ chốt như: công nghiệp, xuất nhập khẩu, thị trường vốn, thị trường chứng khoán... Những chỉ báo vĩ mô này là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 6,2% của năm 2015.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2014
Tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 5,98% so với năm 2013, trong đó, quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Đóng góp vào sự thành công này là các ngành: Công nghiệp - xây dựng tăng 7,14%, đóng góp 2,75% điểm phần trăm; Dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm; Nông nghiệp tăng 2,60%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng trên còn chậm và thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2005-2010, nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới đây là kết quả hết sức ấn tượng. Sự hồi phục chậm trong tăng trưởng có nguyên nhân từ sự hồi phục chậm trong chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình (tăng lần lượt 4,88%; 5,18% từ năm 2012 đến năm 2014) và đầu tư tài sản cố định (tăng lần lượt 2,4% và 5,4%) so với mức trung bình 8% và 11% của tiêu dùng và đầu tư trong những năm tăng trưởng cao. Xu thế thắt chặt tiêu dùng và đầu tư phần lớn do thu nhập không cải thiện và tâm lý thận trọng với triển vọng tương lai.
Nhiều dự báo đưa ra, tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 khó vượt quá 6,5%. Ước tính trung bình giai đoạn 2011-2015 không quá 5,8%, thấp hơn so với 7,0% giai đoạn 2005 - 2010 và 7,5% giai đoạn 2001 - 2005. Tốc độ tăng trưởng trung bình giảm dần gợi ý tăng trưởng năng suất đã giảm tốc, một dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đang tiến tới giới hạn. Quán tính tăng trưởng trong trung hạn sẽ phụ thuộc vào tốc độ hấp thụ và khuếch tán công nghệ cũng như khả năng tăng năng suất của số doanh nghiệp (DN) mới thành lập.
Lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình năm 2014 tăng 4,09%, bằng một nửa tỷ lệ tăng trung bình 10 năm gần đây. Tỷ lệ lạm phát giảm từ 5,45% vào tháng 1 xuống 1,84% vào tháng 12. Đóng góp chủ yếu vào lạm phát thấp là sự suy giảm kéo dài của lạm phát lõi (các hàng hóa không bao gồm lương thực, thực phẩm và xăng dầu). Kể từ năm 2012, lạm phát lõi hàng năm giảm một nửa xuống còn khoảng 6% vào cuối năm 2013 và đến cuối năm 2014 chỉ còn 3,2%. Nhóm hàng hóa thuộc nhóm lương thực, thực phẩm và xăng dầu, sau một thời gian tăng nhẹ đã có xu hướng giảm trong nửa sau năm 2014 theo xu hướng giảm toàn cầu.
Tuy nhiên, lạm phát giảm thấp có thể gây ảnh hưởng đối nghịch. Một mặt, lạm phát thấp làm tăng thu nhập thực tế và thúc đẩy tiêu dùng, giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất của DN. Mặt khác, lạm phát thấp, thậm chí là âm, có thể tiếp thêm kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục giảm, dẫn tới người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu. Với DN, lạm phát thấp cũng có thể hạn chế mức độ gia tăng đầu tư do giảm doanh thu, tăng lãi suất và gánh nặng nợ thực. DN gặp khó khăn khi tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư và vay mượn.
Công nghiệp
Các chỉ báo ngành Công nghiệp trong năm 2014 đã bộc lộ thực tế lạc quan hơn và gia tăng niềm tin về gốc rễ của sự phục hồi trong sản xuất. Ngành Công nghiệp tăng trưởng 7,15%, trong đó chế biến chế tạo tăng 8,45%, khai khoáng tăng 2,4%, và sản xuất điện, ga, nước tăng 11,3%. Các chỉ số này đều cao hơn tỷ lệ tương ứng năm 2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 7,6%, cao hơn so với mức 5,9% năm 2013.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam cho thấy, các điều kiện sản xuất không ngừng cải thiện và thời kỳ mở rộng đã kéo dài 15 tháng liên tiếp kể từ tháng 9 năm 2013. Nền sản xuất duy trì được quán tính mở rộng cả trong những tháng có tính mùa vụ cho thấy, nền tảng hỗ trợ tương đối vững. Đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu liên tục duy trì ở mức cao là một bằng chứng về sự phục hồi nhu cầu trong và ngoài nước, dẫn tới cải thiện về việc làm và sản lượng.
Tỷ lệ tồn kho dù còn ở mức cao, 10% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng có dấu hiệu thu hẹp dần khi tốc độ tiêu thụ bắt kịp năm trước. Số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động cao nhất trong 3 năm qua, cho thấy quá trình đào thải DN diễn ra mạnh mẽ cho dù điều kiện sản xuất đã thuận lợi hơn.
Tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, khối lượng hàng hóa và dịch vụ năm 2014 tăng 6,3% so với năm 2013. Số liệu về hàng tiêu dùng nhanh (do Kantar khảo sát) kém tích cực hơn: Khối lượng tiêu dùng tại thành thị trong quý III/2014 giảm 1,5% so với năm 2013, trong khi ở nông thôn chỉ tăng 6,2% - các chỉ báo này đều suy giảm so với năm 2013.
Một khảo sát của Nielsen chỉ ra, môi trường vĩ mô ổn định và triển vọng kinh tế sáng hơn đã nâng cao niềm tin của người tiêu dùng (CCI). CCI quý III/2014 lên trên 100 điểm lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, báo hiệu tiêu dùng có thể cải thiện trong năm 2015.
Xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu (cả năm vượt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013) cao hơn nhập khẩu (148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013) tạo ra giá trị thặng dư thương mại hơn 2 tỷ USD. Việt Nam vẫn duy trì ở mức thâm hụt lớn so với Trung Quốc và ASEAN.
Cán cân ngân sách
Nguồn thu tăng 3% so với năm 2013, chủ yếu nhờ đóng góp của thu nội địa, tăng 4% (trong đó thu từ DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất, tương ứng 15% và 5%), thu xuất nhập khẩu, tăng 14%. Do tăng thu, tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP giảm so với 2013 dù vẫn tương đối cao. Ước tính sơ bộ thâm hụt ngân sách năm tài khoá 2014 vào khoảng 3,92% GDP, thấp hơn mức 5,15% GDP năm 2013.
Giá dầu giảm mang lại tác động trái chiều cho ngân sách. Thu từ dầu khí chiếm 12% ngân sách, dự tính sẽ giảm đáng kể từ nguồn thu này vào năm 2015. Theo ước tính, giá dầu giảm 20% thì ngân sách thất thu khoảng 4% và với 1 USD giảm trong giá dầu thì ngân sách nhà nước (NSNN) hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, người dân và DN được hưởng lợi; do đó, tiêu dùng và kinh doanh cải thiện sẽ gia tăng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Nếu mức tăng thu từ tiêu dùng và sản xuất không đủ bù đắp giảm thu từ dầu khí, thâm hụt ngân sách gia tăng, Chính phủ có thể sẽ phải cân nhắc tăng thuế hoặc sử dụng các biện pháp tăng lạm phát trong năm sau. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo kỳ vọng tiêu cực về tương lai và làm chậm khả năng phục hồi nền kinh tế. Do vậy, tiết chế chi tiêu công là một cách tái cân đối ngân sách mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng.
Nợ công nằm trong vùng an toàn ở hầu hết các khung phân tích về nợ công. Nợ công hiện tương đương 60,3% GDP và ước tính sẽ tăng dần đến sát tỷ lệ 65% GDP vào năm 2016 trước khi giảm trở lại. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ nợ nước ngoài giảm dần, từ 60% năm 2010 xuống 45% năm 2014, do các khoản vay mới chủ yếu là nợ trong nước.
Cán cân thanh toán
Do chưa có số liệu chính thức về cán cân thanh toán, dựa vào dự trữ ngoại tệ (không kể vàng) thì đến tháng 8/2014 cán cân thanh toán có thặng dư khoảng 13,7 tỷ USD, vượt qua mức thặng dư kỷ lục năm 2012 là 11,8 tỷ USD. Cả hai cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều có thặng dư. Trong khi, phía cán cân vãng lai được bồi đắp bởi dòng kiều hối tương đối ổn định, dự đoán khoảng 11 tỷ USD, thì phía cán cân tài chính được hỗ trợ bởi vốn đầu tư nước ngoài với lượng giải ngân tăng 7%, đạt 12,4 tỷ USD.
Trong quý II/2014, xuất hiện dòng tiền gửi chảy ra nước ngoài khoảng 3,6 tỷ USD, trong khi dòng chảy vào xấp xỉ 1 tỷ USD. Dòng tiền ròng ra nước ngoài có thể là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng áp lực tỷ giá trong hơn 1 tháng kể từ tháng 5, trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp lên thị trường tiền tệ và điều chỉnh tỷ giá lên 1% vào cuối tháng 6/2014.
Thị trường vốn
Lạm phát thấp tạo cơ sở để điều chỉnh lãi suất điều hành vào tháng 3/2014 với bước giảm 0,5%. Lãi suất tái chiết khấu giảm còn 4,5% và lãi suất tái cấp vốn giảm còn 6,5%, sau đó đứng yên cho đến cuối năm 2014. Trong bối cảnh lạm phát thấp, việc không điều chỉnh lãi suất điều hành cho thấy NHNN có cách tiếp cận thận trọng với chính sách tiền tệ.
Thị trường trái phiếu thu hút được 237.000 tỷ đồng, trong đó 90% là trái phiếu chính phủ (TPCP). TPCP các kỳ hạn dài (10 và 15 năm) đã được đấu giá thành công, thể hiện niềm tin của thị trường vào triển vọng dài hạn. Lãi suất bình quân của trái phiếu ở tất cả các kỳ hạn đều giảm so với năm 2013. TPCP bằng ngoại tệ khoảng 1 tỷ USD cũng được phát hành để mua lại các trái phiếu cũ có lãi suất cao hơn.
Cổ phần hóa DNNN được thúc đẩy trong năm 2014 (trong kế hoạch 2 năm với số DN cổ phần hóa lên tới 432). Trong năm 2014, các nhà phát hành đã thu được 3,2 nghìn tỷ đồng từ chào bán lần đầu ra công chúng cổ phiếu của 40 DNNN.
Thị trường tiền tệ
Trần lãi suất huy động với tiền đồng được hạ xuống 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Để duy trì tương quan giá trị giữa VND và USD, trần lãi suất huy động với USD cũng được giảm xuống 0,75%. Trần lãi suất tạo áp lực về cân đối vốn lên các ngân hàng nhỏ trong khi không có nhiều ý nghĩa với các ngân hàng lớn dư thừa thanh khoản.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước tăng 13%, tốc độ tăng thực (đã loại trừ lạm phát) vào khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng ngoại tệ, mà chủ yếu là USD, được cho phép mở rộng như một ngoại lệ của NHNN khi mở rộng tín dụng bằng VND bộc lộ sự đình trệ. Lãi suất thấp bằng 1/3 và rủi ro tỷ giá thấp là hai yếu tố hỗ trợ lựa chọn vay ngoại tệ, cộng với đối tượng được vay được mở rộng ra ngoài các DN xuất khẩu. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng USD năm 2014 tăng gấp ba lần tăng trưởng tín dụng bằng VND.
Đổi lại, tỷ lệ đô la hóa của nền kinh tế có thể đã tăng lên từ mức thấp nhất trong nhiều thập niên - 17,8% (vào tháng 4/2014) và tỷ lệ tín dụng/tiền gửi bằng USD tăng lên 88% (vào tháng 6/2014) so với 80% của VND. Tiếp tục duy trì chính sách tín dụng ngoại tệ có thể làm mất cân đối tiền tệ; do vậy, Thông tư số 29/2014/TT-NHNN, có hiệu lực từ tháng 2/2015 có thể là sự thận trọng cần thiết và đánh dấu một mốc quan trọng tiếp theo trong việc tái lập giá trị của VND và kìm hãm tình trạng đô la hóa và vàng hóa của nền kinh tế.
Tỷ giá trong năm 2014 kém ổn định hơn năm 2013. Cuối năm, tỷ giá tăng 1,4% so với đầu năm, nằm trong giới hạn điều tiết của NHNN. Không dưới 2 lần áp lực tích tụ lớn gây tăng tỷ giá danh nghĩa VND/USD và buộc NHNN can thiệp lên thị trường nhằm hạ nhiệt với lượng ngoại tệ bán ra khoảng 2,5 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) biến động mạnh trong năm 2014 với 2 chu kỳ rõ rệt và điểm kết thúc ngang với điểm bắt đầu. Hai sự kiện định hình xu hướng đi xuống của thị trường là sự kiện căng thẳng tại biển Đông hồi đầu tháng 5 và sự đi xuống nhanh của giá dầu hồi đầu tháng 9. Đầu năm 2014, chỉ số chứng khoán sàn TP. Hồ Chí Minh (VN-index) đạt 504 điểm, chạm đỉnh thứ nhất 609 điểm (ngày 25/3), giảm liên tục về 508 điểm (ngày 13/5) trước khi tăng mạnh đến đỉnh thứ hai 644 điểm (ngày 3/9) rồi giảm về 513 điểm vào cuối tháng 12.
Một yếu tố gia tăng biên độ lên xuống của TTCK trong năm 2014 là hoạt động giao dịch ký quỹ của các công ty chứng khoán. Do nhà đầu tư sử dụng chính cổ phiếu đầu tư để làm tài sản thế chấp, xu hướng giảm giá đã kích hoạt việc bán giải chấp cổ phiếu để nâng giá trị tài sản đảm bảo (qua đó giảm tỷ lệ đòn bẩy về mức an toàn) khiến cho nguồn cung tăng đột biến tại giá sàn và càng làm giá giảm sâu. Dư nợ ký quỹ đạt 9,7 nghìn tỷ đồng trong quý I, giảm xuống 7,4 nghìn tỷ đồng cuối quý II và tăng lên 17 nghìn tỷ đồng cuối quý III và giảm còn 7 - 8 nghìn tỷ đồng vào cuối quý IV/2014.
Nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang bán ròng trong nửa cuối 2014 và thoái 350 triệu USD khỏi TTCK Việt Nam - gần bằng lượng vốn chảy vào từ đầu năm, do hoạt động tái cơ cấu của một số quỹ và đồng USD tăng giá kéo dòng tiền chuyển sang các thị trường an toàn hơn. Việt Nam vẫn là một trong các thị trường cận biên đầy tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao, nổi bật nhờ có nền tảng vĩ mô đi vào ổn định, chính sách điều hành thận trọng và Chính phủ đã thi hành các cải cách tiến bộ theo hướng mở cửa. Vốn hóa thị trường cuối năm tương đương 30% GDP.
Triển vọng năm 2015
Bối cảnh quốc tế
Phần lớn các dự báo về kinh tế toàn cầu đều phản ánh nhận định kém tích cực hơn trước. Nhiều định chế tài chính hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2014 và 2015 từ 0,1 - 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2014. Triển vọng kinh tế kém lạc quan hơn tại Nhật Bản và châu Âu hay khả quan hơn tại Mỹ đều có thể có lợi nhất định đối với hàng hóa giá giá rẻ sản xuất tại Việt Nam, ví dụ như dệt may, da giầy và điện thoại. Các ảnh hưởng gián tiếp đến từ các nền kinh tế mới nổi ở chuỗi giá trị cao hơn Việt Nam và có trao đổi thương mại lớn với châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Chính sách tiền tệ thích ứng (nới lỏng) tại châu Âu và Nhật Bản cộng với sự điều chỉnh chính sách tiền tệ tại Mỹ sẽ thay đổi cấu trúc lãi suất và dẫn tới dịch chuyển nguồn vốn toàn cầu. Kết hợp với rủi ro địa chính trị gia tăng, vốn sẽ ra khỏi các thị trường mới nổi (gây bất ổn tiền tệ) sang các thị trường phát triển hơn. Tác động của quá trình này tới Việt Nam là hạn chế do cán cân vốn của Việt Nam không có độ mở cao và thị trường tài chính có mức độ liên kết thấp với thế giới. Dự trữ ngoại hối không ngừng tăng và tỷ lệ nợ bằng ngoại tệ giảm dần đặt Việt Nam vào trạng thái tiền tệ an toàn hơn.
Tăng trưởng chậm lại của châu Âu và Trung Quốc kéo theo sự giảm giá nguyên liệu thô toàn cầu, gồm năng lượng và lương thực, thực phẩm. Giá cả thấp có lợi cho tiêu dùng và sản xuất (hạ chi phí đầu vào) trong nước, tuy nhiên, có thể khiến giảm doanh thu xuất khẩu và lợi nhuận đối với người sản xuất.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có thể được thành lập vào năm 2015 nhưng sự chuẩn bị của Việt Nam trong quá trình hội nhập này chưa theo kịp nhóm 6 nước thành lập khối là: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan về thuận lợi hóa thương mại và tự do hóa đầu tư. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đặt ra các yêu cầu về môi trường thể chế mà Việt Nam phải chủ động cải cách. Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và nhận thức của cộng đồng là hai trong nhiều thách thức đối với Việt Nam để gặt hái được lợi ích lớn hơn từ hội nhập kinh tế thế giới.
Dự báo tăng trưởng
Ảnh hưởng tổng thể tới nền kinh tế do giá dầu giảm có thể không lớn do Việt Nam đã đa dạng hóa cơ sở kinh tế và không còn phụ thuộc nhiều vào dầu khí như 2 thập kỷ trước. Việt Nam cũng là nước nhập khẩu ròng năng lượng dầu khí nên giảm giá dầu sẽ là một “cú hích” tích cực từ phía cung. Ngược lại, tăng giá điện 9,5% theo dự toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là một cú sốc tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là khi nhiều ngành sản xuất mới lấy lại đà phát triển.
Quan hệ kinh tế giữa Nga và Việt Nam không lớn nên sự suy giảm kinh tế Nga trong năm 2015 sẽ chỉ ảnh hưởng hạn chế lên du lịch. Tuỳ vào các kịch bản giá dầu khác nhau và khả năng tăng giá điện, tăng trưởng kinh tế năm 2015 được dự báo từ 6,06% - 6,22%, cao hơn năm 2014. Tỷ lệ lạm phát sẽ phụ thuộc vào sự điều chỉnh giá hàng hóa trong tương quan với giá dầu và thực phẩm, dự báo trong khoảng -1% đến 3%.
Cán cân ngân sách có thể chịu thâm hụt cao hơn trong năm 2015 nếu chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư không phản ứng mạnh với lạm phát như kỳ vọng của người điều hành. Do những yếu tố tác động tích cực từ việc giá dầu giảm sẽ chỉ thấy rõ hơn trong trung hạn, nên Chính phủ có thể sẽ cân nhắc việc tăng thuế, để bù đắp hụt thu ngân sách.