Sửa Luật Đầu tư để tạo sức hút mạnh mẽ hơn cho địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Để hướng vốn đầu tư của doanh nghiệp, người dân vào những lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước, Luật Đầu tư đã quy định rõ các lĩnh vực, địa bàn đầu tư được ưu đãi. Tuy nhiên, dù những chính sách ưu đãi đã tác động tích cực đến một số lĩnh vực, địa bàn, song vẫn còn những địa bàn chưa phát triển như kỳ vọng.

Sửa Luật Đầu tư để tạo sức hút mạnh mẽ hơn cho địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Luật Đầu tư năm 2005 dành hẳn Chương V quy định về lĩnh vực, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Trong đó, quy định rõ các địa bàn đầu tư, gồm: địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Luật Đầu tư cũng quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư được ưu đãi, các hình thức ưu đãi doanh nghiệp được nhận khi đầu tư vào những địa bàn này, thủ tục thực hiện và trường hợp được mở rộng ưu đãi. Để triển khai thi hành luật, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Trong đó, Nghị định 108 đã xác định 55 địa bàn ưu đãi đầu tư có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và có điều kiện đặc biệt khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng ban hành nhiều văn bản, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào một số địa bàn khó khăn cụ thể trên cả nước, hoặc đầu tư vào những lĩnh vực sẽ tác động tích cực đến địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Những ưu đãi được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã khuyến khích doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn. Theo Bộ Tài chính, dù phần lớn các dự án đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn có quy mô nhỏ nhưng đã có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống người dân địa phương, vùng dự án. Từ quá trình theo dõi đầu tư công nghiệp, thương mại vào địa bàn này, đại diện Bộ Công thương cho biết, các dự án đầu tư đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Các dự án đầu tư công nghiệp, thương mại đã tạo dựng điều kiện ban đầu cho những địa phương này có cơ sở phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các bộ, ngành thì số lượng doanh nghiệp đăng ký và số vốn đăng ký vào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn khiêm tốn so với nhiều địa bàn khác. Thậm chí, từ năm 2010 đến 2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký và số vốn đăng ký đầu tư còn giảm dần hàng năm. Năm 2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký vào những địa bàn này giảm 23%, số vốn đăng ký giảm 48%. Không thể phủ nhận ảnh hưởng khách quan của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như khó khăn từ kinh tế trong nước đến việc thu hút đầu tư tại địa bàn đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số, song cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, khiến khu vực này thiếu sức hấp dẫn. Đó là do những địa phương này chủ yếu nằm trên địa bàn không thuận lợi cho giao thương, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thị trường tiêu thụ chưa phát triển. Và là những địa phương còn khó khăn nên không có đủ nguồn lực để giới thiệu thông tin đến doanh nghiệp, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ đầu tư... Ngoài ra, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra chính sách hỗ trợ hiện hành chưa đủ mạnh, trong khi việc tiếp cận chính sách còn khó khăn, một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù của những địa bàn này.

Vậy, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư của xã hội do chính sách hỗ trợ hiện hành chưa đủ mạnh hay do những hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật của cơ quan chức năng?

Không thể phủ nhận một thực tế là những ưu đãi về thuế, chuyển lỗ, khấu hao tài sản cố định và ưu đãi về sử dụng đất, mặt nước chưa thể giúp doanh nghiệp ở địa bàn này có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ở những địa bàn khác. Bởi các khó khăn về cơ sở hạ tầng kinh tế, chất lượng nguồn lao động... sẽ khiến chi phí vận hành sản xuất ở khu vực này cao hơn, doanh nghiệp chậm thu hồi vốn. Nhưng, chính sách ưu đãi mạnh hơn nữa có thể thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại địa bàn này hay không? Thực tế cho thấy, không phải chính sách chưa đủ mạnh mà việc tiếp cận chính sách khó khăn đang là một rào cản thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Nhưng, vì sao doanh nghiệp không tiếp cận thuận lợi với những ưu đãi đã được luật định chưa được các bộ, ngành làm rõ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì quy định tại Luật Đầu tư chưa rõ ràng, cụ thể nên thủ tục thực hiện ưu đãi thuận lợi hay khó khăn dường như đang phụ thuộc vào thái độ của cơ quan chức năng, vào các văn bản dưới luật. Thậm chí kể cả với ưu đãi đã được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp cũng có khi phải thông qua một quá trình thủ tục xin phép, thẩm tra, phê chuẩn của các bộ, ngành liên quan mới được hưởng. Do đó, thay vì được hưởng nhiều ưu đãi thì thực tế doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí để thực hiện thủ tục hành chính. Trong khi đó, thủ tục hành chính còn phiền hà, phức tạp không chỉ do ý thức của cán bộ, cơ quan chức năng, mà còn do một số quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan chưa thống nhất nên địa phương lúng túng trong áp dụng làm khó cho doanh nghiệp. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, đầu tư của doanh nghiệp đang tạo ra nhiều tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; thay đổi cơ cấu kinh tế cho địa phương; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao chất lượng lao động, thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Các doanh nghiệp là cầu nối cho địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có thể hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của đất nước. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị các bộ, ngành cần làm rõ: đầu tư của doanh nghiệp vào những địa bàn này tác động ra sao đến địa phương, đến người dân bản địa, cũng như đối với chính họ. Và cần làm rõ cái được, chưa được khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào từng địa bàn cụ thể. Bởi, khi nhìn thấu rõ điều kiện thuận lợi, khó khăn của mỗi địa bàn mới có thể xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp, góp phần tạo sức cạnh tranh cho địa phương.

Giám sát của Hội đồng Dân tộc về tình hình đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo Luật Đầu tư sẽ giúp nhìn rõ hơn những ưu, khuyết điểm từ quy định hiện hành đối với việc thu hút đầu tư vào địa bàn này. Khi đã thấy rõ những vướng mắc, hạn chế trong quy định của Luật Đầu tư, QH sẽ có cơ sở xem xét, sửa đổi, phúc đáp những đòi hỏi của cuộc sống.