Tỉ giá đang cần một mặt bằng mới?

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Nhìn nhận cán cân thanh toán quốc tế năm 2013, thặng dư giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ và tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng qua đề xuất, chính sách tỉ giá năm 2014 cần linh hoạt hơn nữa.

 Tỉ giá đang cần một mặt bằng mới?
Chính sách tỉ giá năm 2014 cần linh hoạt hơn nữa. Nguồn: internet
Cần xác lập ngang giá tiền tệ mới

Cơ quan giám sát dẫn số liệu cho hay, cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo sẽ thặng dư khoảng 1,5 - 2 tỉ USD. Trong đó, cán cân vãng lai thặng dư khoảng 6% GDP trong nửa đầu năm và là năm thứ 2 liên tiếp thặng dư sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ vào thặng dư thương mại và kiều hối đạt khá.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng tăng mạnh thể hiện việc tái lập niềm tin trong trung hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam. Cụ thể chỉ tính đến tháng 11/2013, vốn FDI đăng ký đạt 20,82 tỉ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ trong lúc vốn FDI giải ngân cũng có mức tăng 5,5% so với cùng kỳ, đạt khoảng 10 tỉ USD. “Điều này góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỉ giá” – NFSC nhìn nhận.

Với kết quả lạm phát tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng chậm lại ở mức tăng 0,34% so với tháng 10 và tăng 5,78% so với cùng kỳ 2012, tốc độ lạm phát (so với cùng kỳ) trong tháng 11/2013 chậm lại và ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2003 trở lại đây, chỉ sau năm 2009.

Do đó, dù cho rằng chính sách tỉ giá cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc ổn định lạm phát, cơ quan giám sát đề xuất trong năm 2014, chính sách tỉ giá cũng cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. “Cụ thể là, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới” – NFSC đưa đề xuất trong báo cáo vừa công bố.

Ổn định đến hết năm

Cũng liên quan đến vấn đề tỉ giá, trong báo cáo dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014, Trung tâm nghiên cứu của BIDV vẫn duy trì dự báo triển vọng ổn định của tỉ giá trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Triển vọng ổn định được dự báo trên cơ sở khả năng tăng trưởng nguồn cung ngoại tệ từ FDI, ODA, kiều hối trong khi sức cầu nội địa và hoạt động nhập khẩu sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian còn lại của năm.

Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia vững mạnh với dự kiến đạt hơn 30 tỉ USD, đảm bảo 12,5 tuần nhập khẩu cuối năm 2013 và khoảng 14 tuần nhập khẩu năm 2014 được cho cũng sẽ là những cơ sở quan trọng cho sự ổn định vững chắc của tỉ giá.

Đơn vị nghiên cứu của BIDV cũng cho rằng, cùng với sự linh hoạt hơn nữa của chính sách tỉ giá, giảm dần can thiệp hành chính và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sẽ giúp bình ổn tâm lý của các chủ thể tham gia thị trường ngoại hối.

Đồng quan điểm, phân tích của Nguyễn Trung Hòa đến từ Maybank Kim Eng cho rằng, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp không quá lo ngại vì dự trữ ngoại  tệ của Việt Nam hiện  tại khá lớn ở mức trên 30 tỉ USD, đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong 12 tuần.

Trước một số kỳ vọng vào khả năng điều chỉnh tỉ giá cuối năm, vị trên cho rằng, kỳ vọng này cũng không khả thi vì các yếu tố vĩ mô vẫn đang hỗ trợ rất tốt cho tỉ giá. Do đó, tỉ giá được nhận định sẽ duy trì sự ổn định ít nhất cho đến hết năm nay. “Như vậy đây được xem là một năm thành công của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỉ giá” – báo cáo của Maybank Kim Eng đưa bình luận.

Điều này còn thật sự ấn tượng hơn nếu so sánh với giá trị đồng  tiền của các nước trong khu vực. Bởi tính từ đầu năm đến nay, tiền đồng chỉ mới giảm giá khoảng 1,3% so với 4,6% của Thái Lan,  5,1% của Malaysia, 6,3% của Philippines và khoảng 18,2% của Ấn Độ.

Theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, dự báo với mức điều chỉnh 2-4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỉ giá USD/VND sẽ khoảng 21.400-22.000VND/USD hướng đến hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể.