Vai trò vốn FDI còn mờ nhạt

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong khi hiệu ứng lan tỏa từ các dự án lớn còn hạn chế, thì xu hướng thu hút các dự án FDI quy mô nhỏ khiến một số chuyên gia không khỏi lo ngại. Đối chiếu với định hướng dự án FDI phải đủ lớn để tạo lan tỏa và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, GS. Nguyễn Mại mới đây đã khuyến cáo cần coi trọng hơn chất lượng FDI, không nên thu hút các dự án ít vốn, không phù hợp với định hướng mới.

Vai trò vốn FDI còn mờ nhạt
Xu hướng thu hút các dự án FDI quy mô nhỏ khiến một số chuyên gia không khỏi lo ngại. Nguồn: internet

Manh nha công nghiệp hỗ trợ

Giống như nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may, CTCP Sợi Phú Mai đang vào mùa sản xuất với nhiều đơn hàng được gửi về dồn dập từ đầu năm đến nay. Là một trong những DN đang ăn nên làm ra tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thị trường tiêu thụ của DN này chủ yếu là xuất khẩu sang các quốc gia như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Malaysia… với tỷ lệ lên đến 90%. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc DN cho biết nhà máy được đầu tư thiết bị thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, cho ra các sản phẩm sợi đa dạng về chủng loại và đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Tuy nhiên, DN này cũng như nhiều DN sản xuất sợi trong nước lại không thể tìm được nhà tiêu thụ sản phẩm ngay tại Việt Nam. Nghịch lý là nhiều loại vải cao cấp đang được các DN may mặc trong nước nhập khẩu lại từ chính thị trường xuất khẩu chủ lực của các DN sản xuất sợi như Phú Mai. Sự phát triển theo kiểu cắt khúc, hàng năm đã khiến ngành dệt may trong nước chịu tiếng là ngành công nghiệp đạp máy khâu với giá trị gia tăng thấp.

Ở một góc nhìn khác, sự đổ bộ dồn dập của nhiều dự án dệt may lớn ngay từ cuối năm 2013 đã mở ra nhiều hy vọng cho các DN nội địa như CTCP Phú Mai được tiêu thụ sản phẩm ngay tại sân nhà. Tại TP. HCM, Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan, Trung Quốc) cam kết đầu tư 50 triệu USD vào KCN Đông Nam. Đây là một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Hoặc như Liên doanh dệt nhuộm của CTCP Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise - liên doanh giữa Công ty Sunrise (Trung Quốc) và Công ty Thiên Nam (Bình Dương), sẽ đầu tư dự án sản xuất vải dệt thoi tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Cũng tại tỉnh này, mới đây một dự án rất lớn đang được xúc tiến giữa các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Luenthai và Công ty Foshan Sanshui Jialida của Hồng Kông để xúc tiến thành lập KCN chuyên về dệt may, xây dựng tổ hợp theo chuỗi cung ứng khép kín từ nhà máy kéo sợi - dệt - nhuộm - in - và sản phẩm hoàn chỉnh…

Những dự án này, ngoài khả năng tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn lao động Việt Nam, còn góp phần phát triển hoàn thiện công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, điều mà Việt Nam phấn đấu thực hiện từ rất lâu song chưa mấy thành công. Ở góc độ này, thu hút FDI cho ngành dệt may rõ ràng đã mang lại nhiều kết quả ý nghĩa. Tuy nhiên cho tới nay, có lẽ cũng mới chỉ có ngành dệt may có được những thành công bước đầu trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo hiệu ứng lan tỏa nhờ vào thu hút FDI.

Lớn mới tạo lan tỏa

Riêng với các ngành công nghệ cao, thành quả của Việt Nam thu lại chưa đáng kể. Ví dụ điển hình là dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh. GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài từng bày tỏ hy vọng với sự có mặt của Samsung, Việt Nam sẽ hình thành một trung tâm chuyên về sản xuất một mặt hàng công nghệ cao với sản lượng đủ lớn để hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ. Quả thực, sự hiện diện của Samsung đã kéo theo tới gần 60 nhà cung ứng sản phẩm cho DN này, song tới nay trong số đó chỉ có khoảng 5 DN thuần túy của Việt Nam, các nhà cung cấp còn lại chủ yếu đến từ Hàn Quốc.

Chưa kể, các nhà cung cấp của Việt Nam cũng mới chỉ đáp ứng được các sản phẩm bao bì đóng gói, hộp xốp… chưa đáp ứng kỳ vọng phát triển ngành công nghệ cao như yêu cầu đặt ra. Hơn nữa, dù lượng lao động được dùng rất nhiều, song hình thức lao động lại khá giản đơn và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam cũng rất hạn chế.

Trong khi hiệu ứng lan tỏa từ các dự án lớn còn hạn chế, thì xu hướng thu hút các dự án FDI quy mô nhỏ khiến một số chuyên gia không khỏi lo ngại. Đối chiếu với định hướng dự án FDI phải đủ lớn để tạo lan tỏa và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, GS. Nguyễn Mại mới đây đã khuyến cáo cần coi trọng hơn chất lượng FDI, không nên thu hút các dự án ít vốn, không phù hợp với định hướng mới.

Lo ngại của ông Mại đến từ thực tế tình hình thu hút FDI trong quý I vừa qua có tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,334 tỷ USD, song chỉ có 5 dự án có vốn đăng ký gần 1 tỷ USD, 247 dự án còn lại chỉ có 1 tỷ USD vốn đăng ký, tức là bình quân gần 4 triệu USD/dự án, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Dù lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, song quy mô vốn quá nhỏ như vậy cũng khó có thể tạo lan tỏa tích cực đối với các DN trong nước.

Những con số về thu hút FDI trong năm 2013 cũng cho thấy tình hình còn đáng báo động hơn. Theo đó, năm vừa qua trong số 1.530 dự án FDI cấp mới, có 5 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, chiếm tới 53,5% vốn đầu tư cấp mới của năm. Dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD chỉ chiếm 9% số dự án và 35% số vốn. Riêng những dự án có vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 59,3% số dự án, nhưng chỉ chiếm 2% số vốn.

Tuy vậy, nếu chỉ dựa vào quy mô dự án để đặt ra kỳ vọng lan tỏa của thu hút FDI đối với sản xuất trong nước có lẽ là chưa đủ. Một chuyên gia theo dõi về FDI chia sẻ quan điểm, cần nhìn nhận sòng phẳng rằng DN FDI sẽ nhảy vào đầu tư và chia sẻ lợi ích với Việt Nam chỉ khi bản thân họ cũng được lợi. Chúng ta không thể chỉ ngồi chờ đợi sự lan tỏa bỗng dưng được mang đến.

Theo phân tích của vị này, ngành dệt may có sự dịch chuyển mạnh mẽ và có lợi cho Việt Nam phần nhiều là do DN nước ngoài “đánh hơi” thấy sức hấp dẫn tự thân mà thị trường Việt Nam có được sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn như TPP. Do đó, họ chủ động hợp tác với các DN trong nước để đón đầu lợi ích từ các hiệp định này. Với phân tích trên, rõ ràng sự chủ động tăng cường năng lực cạnh tranh để hưởng lan tỏa từ thu hút FDI của môi trường đầu tư trong nước hiện còn rất mờ nhạt.