Người dân đua nhau tìm mua nhà đất trong đại dịch, phần lớn với nhu cầu để ở
Dù đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh, khiến nhiều thị trường gần như đóng biên giao dịch, nhưng thống kê cho thấy số lượng người tìm kiếm bất động sản tại miền Nam năm 2021 vẫn tăng 17% so với cùng kỳ, trong khi con số này tại các tỉnh phía Bắc chỉ là 10%.
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài. Tuy nhiên, theo công bố của trang Batdongsan.com.vn tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021, số lượng người tìm kiếm nhà đất trên cả nước vẫn tăng đáng kể.
Điển hình như tại các tỉnh phía Nam, trong năm dù phải đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh, khiến nhiều thị trường gần như đóng biên giao dịch, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết, Phú Quốc…, tuy nhiên theo thống kê, số lượng người tìm kiếm BĐS tại miền Nam trong năm 2021 vẫn tăng 17% so với cùng kỳ, trong khi con số này tại các tỉnh phía Bắc chỉ là 10%.
Tương tự, dù lượng khách hàng tìm mua BĐS tại Hà Nội tăng 14%, cao hơn con số 12% của TP. Hồ Chí Minh nhưng nếu xét về tổng lượng khách hàng tìm kiếm BĐS thì TP. Hồ Chí Minh vẫn là thị trường dẫn đầu về lượng khách có nhu cầu mua nhà đất.
Theo báo cáo, các tỉnh miền Trung là thị trường duy nhất ghi nhận lượng khách hàng tìm kiếm nhà đất giảm trong năm 2021 với mức giảm vào khoảng 2%. Nguyên nhân chủ yếu bên cạnh ảnh hưởng dài hạn từ dịch bệnh, việc nguồn cung ở các thị trường này phần nhiều vẫn hướng về loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, phân khúc chịu tác động nặng nề nhất trong bối cảnh dịch bệnh cũng khiến hoạt động giao dịch nhà đất ở những thị trường trọng điểm như Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Khánh Hòa phần nào hạ nhiệt.
Người mua có nhu cầu tìm kiếm BĐS để ở nhiều hơn
Đề cập đến mục đích tìm mua BĐS của người dùng trong năm 2021, báo cáo cho biết, người tìm nhà có xu hướng tập trung vào tìm kiếm các sản phẩm BĐS phục vụ nhu cầu ở thực hơn là đầu tư.
Theo dữ liệu, có tới 50% khách hàng tìm kiếm nhà đất là để ở, chỉ khoảng 23% là với mục đích đầu tư, con số này giảm hơn 2% so với cùng thời điểm 2020.
“Đại dịch khiến việc sở hữu ngôi nhà để an cư trở lên thiết yếu hơn, người dùng có xu hướng chọn các dự án có không gian sống xanh, thoáng, vị trí kết nối tốt nhưng không quá đông đúc và chen chúc trong các khu nội thành mà chuyển dịch dần ra các thị trường vùng ven khi hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tới đây”, báo cáo nhấn mạnh.
Đáng chú ý, cùng với xu hướng chọn nhà thay đổi, xu hướng trẻ hóa người mua nhà từng bùng nổ trong năm 2020 cũng đang bị thay thế bởi nhóm khách hàng trưởng thành, với khả năng sở hữu tài chính ổn định, có nhu cầu mua nhà phục vụ mục đích an cư dài hạn và bảo toàn dòng tiền nhiều hơn là lướt sóng hay đầu tư ngắn hạn.
Cụ thể, thống kê cho thấy, đối tượng người dùng độ tuổi từ 35-44 tuổi có nhu cầu tìm mua nhà gia tăng hơn 2% trong năm 2021. Tuy nhiên độ tuổi chín muồi nhất của khách hàng có nhu cầu mua nhà vẫn rơi vào tầm 45-55 tuổi, đây là độ tuổi sở hữu sự ổn định cả về tài chính và năng lực thẩm định sản phẩm mạnh hơn.
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng dưới 30 tuổi có xu hướng giảm sự quan tâm đến bất động sản trong năm vừa qua. Tỷ lệ độ tuổi từ 24-30 tuổi tìm nhà giảm 6% so với năm 2020.
Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm sức mua từ nhóm khách hàng trẻ là do thời điểm 2021, cả nước đối mặt với thực trạng dịch bệnh COVID-19 tác động dẫn đến hoạt động đầu tư BĐS nguội lạnh. Ảnh hưởng của đại dịch đến nhóm khách hàng trẻ tuổi có phần mạnh hơn, cả trên phương diện tài chính và tâm lý đầu tư.
Nếu nhóm khách hàng trưởng thành đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với sự biến động của thị trường, họ có niềm tin bên vững hơn vào sự phục hồi thì nhóm nhà đầu tư trẻ có phần rụt rè và không đủ tài chính để bắt thời cơ khi thị trường hạ nhiệt.
“Nhóm người mua trẻ tầm tài chính vừa phải có xu hướng chuyển dịch sang kênh chứng khoán đang chiếm ưu thế thời gian qua. Bên cạnh đó, là việc nhu cầu thị trường nghiêng về hoạt động mua ở thực”, báo cáo cho biết.