Người lao động cân nhắc khi ra khỏi lưới an sinh xã hội

Theo Trương Ngọc/daibieunhandan.vn

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là bộ phận lớn nhất trong hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động. Do vậy, BHXH Việt Nam khuyến cáo, người lao động cân nhắc kỹ khi ra khỏi lưới an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều người lao động chọn rút tiền BHXH

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 4 năm qua có khoảng 2,5 triệu người xin lĩnh BHXH một lần. Riêng năm 2016, có 665.000 người và dự kiến năm 2017 là 690.000 lĩnh BHXH một lần.

Làm việc trong một công ty dược và có 15 năm đóng BHXH, nhưng chị Nguyễn Minh Vân (Hà Đông - Hà Nội) đang làm thủ tục để hưởng BHXH một lần. Chị cho biết, để hưởng lương hưu chị phải chờ thêm 7 năm nữa, trong khi trước mắt gia đình chị rất cần tiền.

Chưa kể, chị cũng lo lắng, nếu về hưu trước tuổi nhiều năm, tỷ lệ hưởng sẽ không cao, khi đó số tiền hưu ít ỏi mỗi tháng không “đánh đu” nổi với vật giá có thể leo thang mỗi ngày. Tương tự, anh Trần Văn Trọng, công nhân da giày ở Đông Anh (Hà Nội) cũng làm thủ tục xin hưởng BHXH một lần, lĩnh gần 50 triệu cho 12 năm đóng BHXH.

Anh dùng số tiền đó sửa sang nhà cửa, mua một ít con giống về chăn nuôi, để dành một ít tiền cho con đi học. Thực tế, không chỉ có chị Vân, anh Trọng muốn nhận tiền “một cục” sau khi nghỉ hưu, số liệu thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy con số này đã lên đến gần 537.000 người lao động.

Lo ngại về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải bày tỏ, người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải hết sức cân nhắc. Vì suy cho cùng, các chính sách của Nhà nước đều hướng đến mục đích là đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản khuyến cáo người lao động về vấn đề này. Theo đó, nếu nhận BHXH một lần, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, người lao động cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành, không mất đi mà ngược lại, vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước.

Cần cơ chế hỗ trợ

Theo Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, có nhiều nguyên nhân khiến người lao động chọn hưởng BHXH một lần, trong đó chủ yếu vẫn do thu nhập thấp. Người lao động dù biết ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, nhưng vì khó khăn nên phải lo trước mắt.

Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách “thải loại” công nhân nhiều tuổi để tránh đóng BHXH, hay doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH khiến người lao động lo lắng. Hay nhiều thay đổi trong chính sách BHXH thắt chặt quyền lợi của người lao động, như tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu... khiến nhiều người chọn nhận tiền một cục hoặc về hưu sớm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có hơn 18 triệu lao động phi chính thức. Tỷ lệ lao động phi chính thức không có BHXH lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện.

Trước tình trạng lao động phi chính thức dù có việc làm nhưng lại đứng ở ranh giới của sự bấp bênh giữa có việc làm và thất nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này.

Cụ thể, khi chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức cần có các chương trình hành động cụ thể, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường chế tài đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về an toàn lao động, đóng BHXH cho người lao động.

Kết quả khảo sát đối với hơn 60 doanh nghiệp trong cả nước tại khu công nghiệp, khu xuất khẩu mới đây của Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho thấy, 70-80% lao động nữ trên 35 tuổi tự bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng khi hết hạn.

Tới nay chưa có một khảo sát, điều tra đầy đủ nào về vấn đề doanh nghiệp sa thải công nhân ở tuổi 30, tất cả mới dừng lại ở ghi nhận hiện tượng. Và các công ty đều không làm sai quy định pháp luật hiện hành nên chưa có cơ sở để xử lý. Cùng với đó là không ít doanh nghiệp đã thoả thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để người lao động tự xin nghỉ việc.

Điều này đẩy người lao động quay về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia vào hệ thống BHXH. Đây được coi là là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia. Do vậy, bên cạnh cơ chế hỗ trợ người lao đông, theo các chuyên gia, cần thiết phải có sự điều chỉnh và sửa đổi về pháp luật lao động theo hướng tạo việc làm bền vững.